Các Hiệp hội ngành, nghề

Đề nghị cân nhắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát

Thanh Thanh 07/07/2023 - 09:53

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu, Bia, Nước giải khát Việt Nam (VBA) đề nghị, không bổ sung nước giải khát  có đường hay nước giải khát không cồn vào đối tượng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) vì các mục tiêu chính sách tính phù hợp, hiệu quả và công bằng của việc mở rộng cơ sở thuế này chưa được chứng minh.

Sáng ngày 5/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã tổ chức Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

thuettdb.png
Hội thảo Góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt do VCCI tổ chức

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng Luật thuế TTĐB rất quan trọng, tác động trực tiếp tới doanh nghiệp (DN), thậm chí là sự sống còn của DN.

“VCCI có trách nhiệm tổng hợp, ghi nhận đầy đủ, phản ánh một cách kịp thời, trung thực những kiến nghị của DN, các cơ quan hữu quan. Các ý kiến thảo luận trong hội thảo sẽ là những thông tin rất hữu ích để VCCI báo cáo tới các ủy ban của Quốc hội, Chính phủ.,,”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Giới thiệu về Dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi), đại diện Ban pháp chế VCCI, bà Phan Minh Thủy đánh giá, Dự án Luật có tác động tích cực, nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN và người tiêu dùng. Đồng thời, nếu dự thảo được thông qua, người tiêu dùng và xã hội có sự định hướng nhất định, giảm tác hại của đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn, thuốc lá mới, nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Theo bà Thủy, áp dụng thuế TTĐB sẽ làm tăng giá bán sản phẩm, từ đó giảm sản lượng hàng hóa tiêu thụ nhưng sẽ khuyến khích DN thay đổi thành phần, công thức sản phẩm, khuyến khích sản xuất sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Cùng với đó, các đối tượng chịu thuế TTĐB mới bổ sung cũng làm tăng số thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh tác động tiêu cực, Dự thảo Luật cũng có tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến kinh tế, xã hội và làm tăng thủ tục hành chính đối với cơ quan quản lý thuế và DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chịu thuế. Song, trong dài hạn, khi chính sách đã ổn định, sẽ không còn tác động về thủ tục hành chính.

Đại diện cho các DN ngành Rượu, bia, nước giải khát, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu, Bia, nước giải khát Việt Nam (VBA) đề nghị, không bổ sung nước giải khát có đường hay nước giải khát không cồn vào đối tượng thuế TTĐB vì các mục tiêu chính sách tính phù hợp, hiệu quả và công bằng của việc mở rộng cơ sở thuế này chưa được chứng minh, trong khi có thể dẫn tới một chính sách phân biệt đối xử và ảnh hưởng đáng kể đối với ngành đồ uống và các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan.

Theo PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì mà đồ uống có đường không phải là nguyên nhân chính, Theo chuyên gia dinh dưỡng này, kể cả các thực phẩm có chứa đường và đồ ngọt nói chung cũng chỉ cung cấp khoảng 3,6% tổng năng lượng đưa vào cơ thể từ thức ăn và đồ uống, trong khi đó nguồn năng lượng chiếm nhiều nhất là ngũ cốc (51,4%), thịt (15,5%), các thực phẩm khác là (22%).

Chủ tịch VBA cho rằng, nếu đánh thuế lên nước giải khát có đường thì người tiêu dùng có khả năng chuyển sang tiêu thụ các sản phẩm tương tự khác có lượng đường và calo bằng hoặc cao hơn ở các sản phẩm khác.

Theo khảo sát về thói quen chọn lựa nước uống của người tiêu dùng thực hiện năm 2018 của Decision Lab, nếu đánh thuế thì sẽ có 49% người tiêu dùng sẽ chuyển sang dùng các sản phẩm thay thế là nước uống chế biến tại chỗ có đường, đây là nguồn đồ uống khó kiểm soát về chất lượng và hàm lượng đường và khả năng thu thuế của cơ quan nhà nước từ các nguồn này là không khả thi.

“Vậy nên cần phải xem xét tác dụng ngược của hiệu ứng thay thế này. Không thể từ định kiến mà áp dụng một chính sách mang tính phân biệt đối với nước giải khát có đường…” ông Việt nhấn mạnh.

Đại diện VBA cũng cho biết, nhiều nước đã áp dụng chính sách này cho thấy hiệu quả trong việc giảm tỉ lệ thừa cân béo phì là không cao, đặc biệt trong bối cảnh mức tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam so với thế giới không phải cao. Nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát lớn hơn Việt Nam rất nhiều cũng không áp thuế TTĐB với mặt hàng này như Đức (336.3 lít/người/năm), Nhật Bản (116kg/người/năm), Pakistan (62kg/người/năm) và Trung Quốc (61kg/người/năm) (theo thông tin về sản lượng tiêu thụ nước giải khát ở Việt Nam so với thế giới).

Cũng theo Chủ tịch VBA, việc đánh thuế sẽ tác động ảnh hưởng đến 9.000 DN vừa và nhỏ và 1 triệu hộ kinh doanh sản phẩm; gây tác động đến hàng chục ngàn lao động trong chuỗi giá trị của DN và dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.

Theo ước tính của VBA, các DN nước giải khát lớn có số lao động lên tới khoảng 3.000 người, kéo theo chuỗi giá trị với quy mô gấp 6-9 lần, bao gồm nhà cung ứng, phân phối, thường là các DN vừa và nhỏ với các động lan tỏa lớn với nền kinh tế…

“Trong hoàn cảnh các DN mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và với đề xuất áp dụng sắc thuế mới thì sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của DN và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ…”- Chủ tịch VBA phát biểu.

Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW (CIEM), TS Nguyễn Minh Thảo dẫn các số liệu nghiên cứu của CIEM cho biết, nếu tăng thuế TTĐB đối với nước giải khát từ 0% lên 10%, thu ngân sách sẽ tăng 2.279,1 tỷ đồng, nhưng ảnh hưởng do sụt giảm sản lượng là 3.159,5 tỷ đồng. Như vậy, tổng ảnh hưởng là âm 880,4 tỷ đồng.

Theo bà Thảo, các DN nói chung và DN trong lĩnh vực nước giải khát nói riêng đang trong giai đoạn rất khó khăn. Do đó, thời điểm này việc mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng thuế (trong đó có Thuế TTĐB) là chưa phù hợp vì sẽ tạo gánh nặng và thậm chí có thể làm kiệt quệ hơn sự khó khăn của DN trong bối cảnh hiện nay.

Chuyên gia CIEM đề nghị cần cân nhắc về lộ trình áp dụng mở rộng đối tượng chịu Thuế TTĐB, từ đó tránh tạo ra những rủi ro chính sách cho DN.

“Bất kỳ chính sách nào cũng có tác động kinh tế-xã hội nhất định, do vậy công cụ chính sách không nên tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế, DN và người dân…”- TS Nguyễn Minh Thảo lưu ý.

Dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) có 6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung. Trong đó, bổ sung 4 đối tượng chịu thuế: nước giải khát có đường; thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh trò chơi điện tử trên mạng;

Sửa đổi đối tượng chịu thuế với xe ô tô: Bổ sung loại xe bốn bánh chở người có gắn động cơ; tàu bay sửa đổi theo hướng chỉ quy định “máy bay, trực thăng, tàu lượn;

Bổ sung đối tượng không chịu thuế TTĐB: Tàu bay, một số loại xe ô tô không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông; hàng hoá “mượn đường qua của khẩu, biên giới Việt Nam”, hàng hoá “trung chuyển”; hàng hoá đã xuất khẩu bị phía nước ngoài trả lại.

Dự thảo Luật cũng đưa ra chính sách hoàn thiện về căn cứ tính thuế; giá tính thuế TTĐB; thuế suất TTĐB; hoàn thuế TTĐB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị cân nhắc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO