(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 19/9/2019, đoàn công tác của Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam do Tổng Thư ký Nguyễn Toàn Thắng dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc với các ngân hàng tỉnh Cao Bằng tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Cao Bằng.
Buổi làm việc của Cơ quan Thường trực Hiệp hội Ngân hàng với các ngân hàng tỉnh Cao Bằng |
Buổi làm việc nhằm tìm hiểu, nắm bắt tình hình hoạt động của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng như việc triển khai thực hiện Quyết định số 1178/QĐ-NHNN ngày 31/5/2019 của Thống đốc NHNN về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ góp phần hạn chế “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh và việc triển khai Bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 11/QĐ-HHNH ngày 25/2/2019 của Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
Ông Đinh Văn Đức – Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã thông tin đến đoàn công tác khái quát hoạt động ngân hàng trên địa bàn. Theo đó, hiện tại, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ngoài sự hiện diện của 2 chi nhánh ngân hàng thực hiện các nhiệm vụ chính sách là Ngân hàng Phát triển và Ngân hàng Chính sách xã hội còn có 4 chi nhánh NHTM cấp tỉnh, trong đó có 3 chi nhánh NHTM có cổ phần Nhà nước chi phối, gồm Agribank, BIDV, VietinBank và 1 chi nhánh NHTMCP là LienVietPostBank cùng 3 tổ chức tài chính vi mô. Tính đến ngày 31/8/2019, tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đạt gần 18.000 tỷ đồng, tăng 5,72% so với đầu năm; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt khoảng 11.450 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 2,3%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp: 0,36-0,37%. Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, hoạt động ngân hàng trên địa bàn ổn định, các sản phẩm, dịch vụ được triển khai kịp thời, đầy đủ cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ của các tổ chức, cá nhân; mặt bằng lãi suất ổn định tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng trên địa bàn huy động được vốn nhàn rỗi, thanh khoản dồi dào, thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho khách hàng, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tín dụng chính sách được chú trọng góp phần cải thiện cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Về tình hình tín dụng đen, ông Đức nhận định Cao Bằng chưa phải là điểm nóng mặc dù hiện tượng này có từ xưa. Về hình thức, phổ biến nhất là việc vay nợ để ghi lô, đề, sau đó chuyển thành nợ và phải vay trả nợ bằng tín dụng đen hoặc phát sinh từ hình thức hụi, họ, đa cấp rồi đòi nợ lẫn nhau…
Để đẩy lùi tín dụng đen, NHNN tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện qua giao ban hàng tháng để phổ biến, quán triệt, yêu cầu lãnh đạo các chi nhánh ngân hàng nắm bắt; tăng cường đẩy mạnh cho vay với khách hàng mới, quan tâm đến phát triển tín dụng tiêu dùng; cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phong cách giao dịch. Đối với các hiện tượng, vụ việc được phát hiện, NHNN có quy chế phối hợp với cơ quan Công an, thường xuyên trao đổi và hỗ trợ kịp thời khi cần.
Đại diện cho một số NHTM trên địa bàn, ông Nguyễn Đức Tuấn – Giám đốc chi nhánh VietinBank Cao Bằng chia sẻ, các đối tượng của tín dụng đen trên địa bàn chủ yếu là các thành phần tham gia cờ bạc, nghiện hút, cá độ…, có liên quan đến các tệ nạn xã hội. Vì vậy, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị dọn dẹp các tệ nạn xã hội này, từ đó sẽ đẩy lùi tín dụng đen. Về phía các tổ chức tín dụng, có một số việc cần làm như: xây dựng đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; coi trọng phát triển tín dụng cá nhân, hộ kinh doanh; coi trọng công tác thẩm định để loại trừ, sàng lọc đối tượng vay vốn…
HHNH tặng quà lưu niệm cho NHNN tỉnh Cao Bằng |
Liên quan đến việc triển khai Bộ chuẩn mực đạo đức và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng, đại diện các ngân hàng trên địa bàn cho biết, 100% các đơn vị đều đã tiếp nhận thông tin và nội dung, đã vận động cán bộ tham gia cuộc thi trực tuyến tìm hiểu về Bộ chuẩn mực hoặc lồng ghép vào các hoạt động phù hợp.
Để góp phần lan tỏa Bộ chuẩn mực, một số đại diện các ngân hàng hiến kế cần tiếp tục tổ chức các cuộc thi dưới nhiều hình thức, trong đó có việc sân khấu hóa nội dung này để Bộ chuẩn mực thấm sâu hơn vào cán bộ, nhân viên ngân hàng, từ đó sớm đi vào cuộc sống và có chỗ đứng vững chắc.