(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 18/4/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức phổ biến đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ với chủ đề “Nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số”. Chủ nhiệm đề tài là TS. Trần Hữu Ý, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH).
TS. Trần Hữu Ý, Giám đốc Trung tâm Đào tạo NHCSXH, trình bày báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài |
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) hiện có tỷ lệ khoảng 15%/dân số cả nước, nhưng lại chiếm hơn 50% tổng số hộ nghèo với mức thu nhập bình quân chỉ bằng 1/6 bình quân cả nước.
Nhà nước đã có nhiều chính sách đối với đồng bào DTTS trong đó có chính sách tín dụng ưu đãi. Cho đến năm 2016, đã có 19 chương trình tín dụng chính sách (TDCS) đối với hộ nghèo, hộ DTTS dành riêng cho đồng bào.
TDCS là một loại tín dụng đặc thù được Chính phủ quy định riêng cho từng chương trình tín dụng cụ thể về đối tượng, mức vay, lãi suất, thời gian và có cơ chế xử lý rủi ro riêng, không theo cơ chế chung của hệ thống ngân hàng thương mại.
TDCS đóng vai trò quan trọng giúp hộ DTTS dễ dàng tiếp cận vốn làm ăn tại chỗ, ổn định đời sống, hạn chế phá rừng, giảm thất nghiệp, nâng cao đời sống hộ; Cải thiện đời sống kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng, giảm tệ nạn vay nặng lãi và cuối cùng là góp phần cải thiện thị trường tài chính cộng đồng.
Trước năm 2016, NHCSXH có 3 chương trình TDCS dành riêng cho đồng bào DTTS. Tiếp đến ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2085/QĐ-TTg phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020, tránh được chồng chéo trong thực hiện các chương trình TDCS đối với đồng bào DTTS.
Nguồn vốn dành cho DTTS/tổng nguồn vốn của NHCSXH lần lượt các năm 2014, 2015,2016 và đến tháng 5/2017 lần lượt là: 0,52%,1,5%,1,36% và 0,97%
Hiệu quả đạt được khi sử dụng vốn các chương trình TDCS đối với đồng bào DTTS thể hiện rõ nét trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, đặc biệt là tạo việc làm, ổn định đời sống, tăng lòng tin của dân với Đảng, Nhà nước.
Bà Nguyễn Phú Hà, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, trình bày một phần kết quả nghiên cứu |
Theo bà Nguyễn Phú Hà, Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội các chương trình TDCS đối với đồng bào DTTS một mặt hỗ trợ đồng bào DTTS thoát nghèo, cải thiện kinh tế, mặt khác có tác động tích cực đến dân trí tài chính.
Tuy nhiên, đề tài cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế hiệu quả trong TDCS giành cho đồng bào DTTS về nguồn vốn, chất lượng tín dụng, xử lý nợ rủi ro cán bộ còn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Về hộ vay DTTS có những hạn chế về trình độ, năng lực quản lý vốn vay, kiến thức, ý thức, tình trạng di cư…Một số cơ quan, tổ chức liên quan chưa bố trí nguồn lực và có sự quan tâm đúng mức đến TDCS…
Nguyên nhân những khó khăn, hạn chế trên về chủ quan là hạn chế trong thu hút vốn nhân đạo, ODA. Năng lực hộ vay, năng lực cán bộ hội/ban quản lý tổ Tiết kiệm và vay vốn còn hạn chế; Sự phối hợp trong chuyển giao công nghệ kỹ thuật, công tác tuyên truyền…Về khách quan: phong tục, tập quán sản xuất, du canh du cư, địa hình, khí hậu …
Đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ tiêu đề: “Nâng cao hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số” cũng nêu ra nhiều nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả chính sách đối với ĐBDTS với từng đối tượng như: Với Tổ tiết kiệm và vay vốn; Với hộ đồng bào DTTS; Với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; Với tổ chức chính trị xã hội và đặc biệt đối với NHCSXH về xử lý nợ, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, công tác thông tin tuyên truyền, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH.
PGS.TS Đinh Xuân Hạng, Học viện Tài chính, trao đổi ý kiến |
Theo PGS.TS Đinh Xuân Hạng, Học viện Tài chính, thì để phát huy những tiềm năng phát triển kinh tế khu vực đồng bào DTTS thì cần phải phối hợp cho vay của hệ thống ngân hàng. NHCSXH nên tiếp tục mở rộng cho vay đối với các hộ DTTS có khả năng đầu tư vốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Agribank tăng cường cho vay các công ty, các dự án đầu tư, các khách hàng vay xuất khẩu và các đối tượng vay ưu đãi ở miền núi….