Kết nối

Ngành Ngân hàng góp phần khơi thông động lực tăng trưởng kinh tế tại Cần Thơ

ThS. Trần Trọng Triết 22/01/2024 - 09:09

Năm 2024, TP Cần Thơ đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 7,5 - 8%. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu, ngành Ngân hàng trên địa bàn đặt quyết tâm làm mới động lực hiện hữu, khai thác thêm động lực mới, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với các thành phần kinh tế, đặc biệt là hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

vietcombank-chi-nhanh-tp-can-tho.jpeg
Ngành Ngân hàng góp phần khơi thông động lực tăng trưởng kinh tế tại Cần Thơ

Thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng

Số liệu thống kê cho thấy, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tăng 5,34%. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 118.491,21 tỉ đồng, tăng 10,03% so với năm 2022, chiếm tỉ trọng 9,35% trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 11.600,84 tỉ đồng, chiếm 9,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 35.877,1 tỉ đồng, chiếm 30,28%; khu vực dịch vụ đạt 63.186,44 tỉ đồng, chiếm 53,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 7.826,82 tỉ đồng, chiếm 6,6%.

Bình quân đầu người trên địa bàn trong năm 2023 đạt mức 94,12 triệu đồng/người/năm, tăng 9,45% so với năm 2022. So với các tỉnh ÐBSCL, TP. Cần Thơ vẫn giữ vị trí thứ 2 sau tỉnh Long An (96,42 triệu đồng/người/năm)…

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn là “bệ đỡ” vững chắc của nền kinh tế, với giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6.548,82 tỉ đồng, tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 0,35 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Khu vực công nghiệp và xây dựng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của TP. Cần Thơ, tỉ trọng của khu vực này luôn duy trì ở mức trên 30% trong tổng cơ cấu GRDP. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng năm 2023 khá khiêm tốn, chỉ tăng 3,78% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 1,14 điểm phần trăm.

Khu vực dịch vụ được thành phố xác định là khâu đột phá quan trọng trong nền kinh tế thành phố và chiếm tỷ trọng cao. Giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ đạt 33.213,82 tỉ đồng, tăng 7,57% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 3,96 điểm phần trăm vào mức tăng chung của nền kinh tế. Khu vực dịch vụ chiếm tỉ trọng lớn 53,33% trong GRDP, tuy nhiên, với mức tăng trưởng 7,57% đã ảnh hưởng đến mức tăng chung của toàn nền kinh tế...

Nhằm đẩy góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm, các ngân hàng trên địa bàn TP. Cần Thơ đã tích cực “bơm vốn” đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế để các doanh nghiệp và người dân có vốn sản xuất kinh doanh và chuẩn bị dự trữ đủ hàng hóa bán trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP. Cần Thơ cho biết, năm 2023 vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh đã tích cực phối hợp với ngành chức năng thành phố triển khai 2 hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp; chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện các chương trình cho vay lĩnh vực ưu tiên, chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xử lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Kết thúc năm 2023, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tăng 7,17% so với năm trước, với tổng dư nợ cho vay đạt 152 nghìn tỉ đồng. Nhiều ngân hàng thương mại đã có các chương trình tín dụng ưu đãi dễ tiếp cận, các doanh nghiệp hoạt động tốt, hiệu quả được vay theo đối tượng ưu tiên với lãi suất 4%/năm. Các gói vay lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên vẫn được xem là hợp lý và không chênh lệch nhiều, nên các doanh nghiệp ít có nhu cầu thực hiện thêm thủ tục hỗ trợ lãi suất 2%.

Từ nguồn vốn tín dụng ngân hàng, cùng với vốn đầu tư xã hội đã góp phần hỗ trợ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2023 của thành phố tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù mức tăng không cao, chưa đạt được kế hoạch mà thành phố đã đề ra, nhưng trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, những kết quả đạt được thể hiện được sự nỗ lực, khắc phục khó khăn của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Đặc biệt, trong tháng 1/2024, khi nhu cầu vốn cho sản xuất, dự trữ hàng hóa, tiêu dùng tăng thì nhu cầu vay vốn sẽ tăng trong tháng giáp Tết, hệ thống ngân hàng thành phố đảm bảo đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng cho các doanh nghiệp, người dân vay.

Giải pháp cho các động lực tăng trưởng mới

Ðể hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2024, theo ông Trần Quốc Hà hệ thông ngân hàng trên địa bàn tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Thành ủy, HÐND thành phố về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Thực hiện hiệu quả các chính sách theo quy định, giữ vững ổn định nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, tận dụng các cơ hội cho phát triển. Thành phố thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mới, tiên tiến; trong đó chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, khơi thông, huy động các nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế…

Hòa vào sự phát triển của địa phương, ngay từ đầu năm 2024, ngành Ngân hàng trên địa bàn có giải pháp ngay từ đầu năm cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng, trong đó tập trung phát triển tín dụng xanh để phục vụ phát triển kinh tế xanh, thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai các gói tín dụng hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Trung ương.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, theo dõi, hỗ trợ, giám sát chặt chẽ Quỹ tín dụng nhân dân, các chương trình dự án tài chính vi mô,… quản lý chặt chẽ từ sớm, từ xa, nắm chắc, kịp thời dự báo tránh bị động, bất ngờ.

Tăng cường kết nối giữa các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn dưới chỉ đạo, định hướng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố vì mục tiêu chung. Tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương, nhất là tăng cường phối hợp với Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh trong tiếp xúc cử tri, tiếp nhận giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của cử tri một cách kịp thời.

Tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, quyết liệt triển khai công việc ngay từ đầu năm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, tiếp tục đem lại những thành tựu, dấu ấn của hoạt động ngân hàng trong năm 2024 để góp phần cùng tỉnh nhà thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương đạt 7,5 - 8%.

Song, kinh tế thế giới năm 2024 được dự báo vẫn còn nhiều thách thức, do đó TP. Cần Thơ tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao, nỗ lực lớn thực hiện đồng bộ, linh hoạt các giải pháp hoàn thành mục tiêu đề ra. Việc hoàn thiện hạ tầng giao thông không chỉ tăng kết nối giữa các quận, huyện trong thành phố mà còn hình thành liên kết vùng, tạo động lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng góp phần khơi thông động lực tăng trưởng kinh tế tại Cần Thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO