Hoạt động ngân hàng

TP. Cần Thơ: Ngân hàng nỗ lực cung ứng vốn cho người dân và doanh nghiệp

Ths.Trần Trọng Triết 01/01/2024 - 18:04

Khép lại năm 2023 - năm mà các cơ quan quản lý, nhất là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải vận động liên tục, để ứng phó với những diễn biến khó lường và bất ngờ từ thị trường. Bám sát sự chỉ đạo của Thống đốc NHNN và Thành ủy, UBND TP Cần Thơ, ngay từ đầu năm năm 2023 đến nay ngành Ngân hàng trên địa bàn thành phố đã tích cực triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế ở địa phương.

khach-hang-den-giao-dich-tai-vietbank-can-tho..gif
Ngành Ngân hàng TP. Cần Thơ nỗ lực cung ứng vốn cho người dân và doanh nghiệp

Kinh tế tăng trưởng khả quan

Theo số liệu báo cáo kinh tế xã hội TP. Cần Thơ năm 2023 cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Cần Thơ tăng 5,75% so với năm 2022, quy mô nền kinh tế đạt trên 118 nghìn tỷ đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người gần 94,12 triệu đồng/người/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 11 nghìn tỷ đồng; tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt trên 31 nghìn tỷ đồng, tăng 14,41% so với năm 2022.

Thành phố khởi công nhiều công trình có vốn đầu tư lớn, là tiền đề rất quan trọng tạo sự bứt phá, sức lan tỏa, động lực phát triển, thu hút đầu tư. Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không ngừng cải thiện nâng cao đời sống nhân dân.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh; công tác tư pháp, thanh tra, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh.

Những kết quả phát triển kinh tế xã hội có sự đóng góp nguồn vốn tín dụng không nhỏ của ngành Ngân hàng trên địa bàn thành phố.

Nỗ lực cung ứng vốn tín dụng nền kinh tế

Théo báo cáo hoạt động ngân hàng năm 2023, hệ thống ngân hàng trên địa bàn thành phố phát triển ổn định an toàn, hiện có 49 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM) và 7 Quỹ tín dụng nhân dân (gọi chung là tổ chức tín dụng) hoạt động thông suốt, đảm bảo dịch vụ thanh toán, cung ứng nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất kinh doanh.

Ngay từ những tháng đầu năm 2023, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn thành phố đưa ra các chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, quy mô lớn. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã tích cực phối hợp với ngành chức năng thành phố triển khai 2 hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp; chỉ đạo các chi nhánh NHTM trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện các chương trình cho vay lĩnh vực ưu tiên, chính sách hỗ trợ lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; xử lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Theo Giám đốc NHNN chi nhánh TP Cần Thơ, các chi nhánh TCTD đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ như, tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện, minh bạch.

Nhờ đó, đến cuối năm 2023, kết quả đạt được tổng vốn huy động đạt trên 115 nghìn tỷ đồng (tăng 9,02% so cuối năm 2022), tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn đạt 152 nghìn tỷ đồng tăng 7,17% so với cuối năm 2022 (năm 2022 tăng 17,45%).

Trong đó, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 44.600 tỷ đồng, tăng 7,54% so với cuối năm 2022. Dư nợ cho vay xuất khẩu hơn 15.400 tỷ đồng, tăng 13,37%; dư nợ cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 34.500 tỷ đồng, tăng 7,15%; cho vay công nghiệp hỗ trợ 550 tỷ đồng, tăng 189%; dư nợ cho vay nuôi trồng và thu mua, chế biến thủy sản 12.800 tỷ đồng, tăng 9,41%; dư nợ cho vay lúa gạo 16.200 tỷ đồng, tăng 1,75% so với cuối năm 2022…

Nhiều NHTM đã có các chương trình tín dụng ưu đãi dễ tiếp cận, các doanh nghiệp hoạt động tốt, hiệu quả được vay theo đối tượng ưu tiên với lãi suất 4%/năm. Các gói vay lãi suất ưu đãi hoặc lãi suất áp dụng cho lĩnh vực ưu tiên vẫn được xem là hợp lý và không chênh lệch nhiều, nên các doanh nghiệp ít có nhu cầu thực hiện thêm thủ tục hỗ trợ lãi suất 2%.

Thêm vào đó, tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp thiếu đơn hàng, xuất khẩu giảm thì nhu cầu vốn cũng thấp hơn. Khi nhu cầu vốn cho sản xuất, dự trữ hàng hóa, tiêu dùng tăng thì nhu cầu vay vốn sẽ tăng. Hiện nay các ngân hàng có đủ vốn, lãi suất cho vay đã bằng, hoặc thấp hơn trước dịch COVID-19.

NHNN cũng đã ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN giúp khách hàng có thể chuyển dư nợ, lựa chọn ngân hàng có lãi suất phù hợp hơn, nên tháng cuối năm tín dụng tăng nhanh hơn các tháng trước.

Đáng chú ý, việc tương tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp là rất cần thiết để hiểu, chia sẻ, nhận diện những khó khăn, vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật. Mặc dù không thay đổi quy định cho vay nhưng thời gian qua, NHNN đã cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn qua việc ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các TCTD cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội; gói 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản...

Mới đây, ngày 19/12/2023, NHNN có văn bản gửi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. NHNN yêu cầu các TCTD cân đối nguồn vốn, đẩy mạnh đa dạng chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng, phân khúc khách hàng… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Theo NHNN, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dồi dào, đây cũng là điều kiện tốt để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay, để doanh nghiệp, người dân tiếp cận tín dụng phục vụ sản xuất, tiêu dùng Tết Nguyên đán tốt hơn.

Giải pháp và hành động quyết liệt

Mặc dù, lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Cần Thơ quyết liệt cao, nỗ lực lớn chỉ đạo các chi nhánh TCTD trên địa bàn tìm mọi giải pháp kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để đẩy mạnh cung ứng vốn tín dụng nhưng diễn biến thực tế, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 12/2023 vẫn thấp, chỉ tăng 7,17% so với cuối năm 2022 (kế hoạch tăng 14%).

Việc tăng trưởng tín dụng thấp có nhiều yếu tố, một trong những yếu tố cơ bản đó là, đa số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, nên năng lực kết nối thị trường chưa cao, thiếu hệ thống kết nối theo chuỗi phân phối, chuỗi ngành hàng.

Yếu tố thứ hai, tổng cầu thị trường thế giới vẫn thấp điểm, đơn hàng gia công xuất khẩu giảm, các nền kinh tế áp dụng nhiều rào cản kỹ thuật hơn, nên tác động rất lớn đến doanh nghiệp.

Thêm vào đó, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ ra rằng nhu cầu toàn cầu suy yếu, tác động trực tiếp đến sản lượng và đơn hàng của doanh nghiệp. Khi ngành sản xuất rơi vào chu kỳ khó khăn kéo dài, nên các nhà sản xuất rất cân nhắc việc vay vốn cho sản xuất kinh doanh.

Bước vào năm mới 2024, bám sát sự chỉ đạo của NHNN, để tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra, NHNN chi nhánh TP. Cần Thơ quyết liệt thực hiện các giải pháp, gồm:

(i) Tiếp tục chỉ đạo các TCTD trên địa bàn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng;

(ii) Tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất và các lĩnh vực ưu tiên, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh;

(iii) Theo dõi, giám sát tình hình thực hiện của các TCTD trên địa bàn về hỗ trợ 2% lãi suất;

(iv) Tiếp tục thúc đẩy Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ và Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN;

(v) Tiếp tục yêu cầu các TCTD đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng cho khách hàng; đảm bảo khơi thông dòng vốn ra thị trường.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Cần Thơ: Ngân hàng nỗ lực cung ứng vốn cho người dân và doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO