Hoạt động ngân hàng

Ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp giúp khách hàng vượt qua khó khăn do bão, lũ

Ngô Hải 18/09/2024 18:27

Ngày 18/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức buổi làm việc để triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì buổi làm việc.

Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các vụ/cục, đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN); đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; đại diện lãnh đạo các tổ chức tín dụng.

af2i7346.jpg
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc

Bão số 3 đi qua đã để lại nhiều hậu quả nặng nề

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, Bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Cơn bão số 3 làm thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất kinh doanh của người dân, để hỗ trợ cho khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão, ngày 9/9/2024, NHNN đã khẩn trương chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định hiện hành. Đồng thời, để nắm bắt thực tế tình hình thiệt hại sau bão, ngày 11/9, lãnh đạo NHNN cũng đã đi khảo sát, nắm bắt tình hình và triển khai công tác khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 tại tỉnh Quảng Ninh và Thành phố Hải Phòng… Bên cạnh đó, toàn ngành Ngân hàng đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội và ủng hộ trên 38,4 tỷ hỗ trợ đồng bào tại các vùng bị thiệt hại.

Báo cáo tại buổi làm việc, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, qua tổng hợp sơ bộ nhanh đến ngày 17/9/2024 từ các TCTD và 26 chi nhánh NHNN tại các địa bàn bị ảnh hưởng, tình hình thiệt hại có khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng, với dư nợ ước tính khoảng 94.000 tỷ đồng. Còn theo thống kê sơ bộ của 4 NHTM nhà nước (BIDV, Vietcombank, Agribank và Vietinbank) có khoảng 13.494 khách hàng bị ảnh hưởng với số dư nợ khoảng 191.457 tỷ đồng.

"Dự kiến số lượng khách hàng và dư nợ bị ảnh hưởng sẽ còn gia tăng trong những ngày tới do các TCTD và NHNN chi nhánh đang tiếp tục thống kê và cập nhật số liệu", bà Hà Thu Giang chia sẻ.

Với dư nợ bị ảnh hưởng lớn, tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh: đây cũng là câu chuyện lớn đặt ra đối với ngành Ngân hàng. Nếu không có chính sách phù hợp kịp thời không chỉ khách hàng mà bản thân ngành Ngân hàng cũng gặp khó khăn. Đồng thời, ngành Ngân hàng phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để sớm khắc phục những hậu quả nặng nề của cơn bão số 3.

"Căn cứ tình hình thực tế trên và ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN tổ chức buổi làm việc triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 để triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành Ngân hàng", Phó Thống đốc cho biết và đề nghị các đại biểu phát biểu, trao đổi tập trung vào một số nội dung chính: đánh giá sơ bộ mức độ ảnh hưởng/thiệt haị của khách hàng; các giải pháp mà TCTD đã triển khai nhằm kịp thời hỗ trợ, khắc phục thiệt hại do bão, lũ lụt gây ra tại các địa phương và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ đồng thời đề xuất giải pháp cụ thể đối với khách hàng bị ảnh hưởng.

af2i7439.jpg
Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, thống kê trên 39 chi nhánh tại các tỉnh thành phía Bắc bị ảnh hưởng tác động, trong đó vẫn còn 2 chi nhánh bị tê liệt chưa hoạt động trở lại. Qua thống kê sơ bộ, dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 105 nghìn tỷ đồng (chiếm khoảng 7% tổng dư nợ toàn ngân hàng), trong đó ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp có khoảng 12.900 tỷ đồng. Ngân hàng đang tiếp tục rà soát thống kê các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Song song với đó, Vietcombank đã triển khai các giải pháp hỗ trợ cụ thể, như: ngay sau khi cơn bão đi qua, Vietcombank đã cho thống kê thiệt hại và đồng thời đề xuất các bộ phận chức năng xây dựng các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Sau khi rà soát, ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng hiện hữu bị tác động của bão và các khoản vay mới từ ngày 6/9, với mức giảm lãi suất là 0,5%; đồng thời, tích cực giãn, hoãn, cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng…

Tại BIDV, ông Trần Long, Phó Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết, thống kê sơ bộ có 727 khách hàng, với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 15.721 tỷ đồng trên tổng dư nợ khoảng 28.734 tỷ đồng của các khách hàng này, chiếm khoảng 0,9% tổng dư nợ của BIDV. Ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN, BIDV đã rà soát, đánh giá tình hình trong toàn hệ thống và chủ động thực hiện cơ cấu nợ và miễn giảm lãi cho khách hàng theo đúng tinh thần chỉ đạo của NHNN. Ngân hàng có kế hoạch giảm lãi suất cho vay và hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay mới, đặc biệt là khoản vay ngắn hạn, khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh phát sinh từ ngày 6/9. Mức hỗ trợ lãi suất cho vay mới dự kiến khoảng 1%; đối với khoản vay hiện hữu xem xét giảm lãi suất ở mức 0,5%...

Về phía VietinBank, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, Phó Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng hơn 1.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ, trong đó có 309 khách hàng doanh nghiệp và hơn 600 khách hàng bán lẻ, tổng dư nợ bị thiệt hại khoảng 42.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang yêu cầu các chi nhánh trao đổi trực tiếp với từng khách hàng để có các giải pháp hỗ trợ cụ thể, trong đó đã giảm lãi cho các khách hàng bị ảnh hưởng với mức giảm từ 0,5 – 1%. Đồng thời đang xem xét có chính sách cho các khoản vay mới…

Còn tại Agribank, ông Hoàng Minh Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Agribank cho biết, đến ngày 16/9, Agribank có hơn 12.600 khách hàng vay bị thiệt hại do bão số 3, ước tính dư nợ bị ảnh hưởng gần 25.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến trên 8.000 tỷ đồng, trong đó: riêng tại Quảng Ninh ước tính có hơn 3.000 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ dự kiến thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng; tại Hải Phòng có khoảng 300 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng. Căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5 – 2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9 – 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9-31/12/2024…

Tại buổi làm việc, đại diện các NHTM như: ACB, Techcombank, SHB, HDBank, Vietbank, Shinhan Bank… cũng chia sẻ những số liệu sơ bộ về những thiệt hại khách hàng của ngân hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3; đồng thời cho biết, đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp cụ để hỗ trợ, khắc phục khó khăn sau bão cho khách hàng như: miễn, giảm lãi suất; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn hoãn nợ…

af2i7418.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, cũng như những chỉ đạo kịp thời của Chính Phủ, NHNN nhằm giúp người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất kinh doanh. Về phía các TCTD cũng đã vào cuộc rất tích cực nhằm giúp người dân và khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ bằng những chính sách, giải pháp thiết thực và cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra rất lớn, để giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn cần có sự chung tay vào cuộc của các ngành, các địa phương. Đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các TCTD khi triển khai cho vay hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn.

Quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân, khách hàng vượt qua khó khăn

Kết luận tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú biểu dương các ngân hàng đã triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN, đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại bởi bão. Sự vào cuộc tích cực của các TCTD đã thể hiện rõ trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với xã hội, cộng đồng.

Cho rằng khó khăn vẫn còn nhiều, do vậy, Phó Thống đốc đề nghị các TCTD luôn luôn đồng hành, thể hiện trách nhiệm với tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ” với khách hàng. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức triển các giải pháp theo chỉ đạo của chính phủ, NHNN hay của chính các TCTD thì đều phải minh bạch, tuyệt đối không lợi dụng chính sách.

Đồng thời, chấp hành tốt các chỉ đạo của chính phủ, thủ tướng chính phủ và chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Nhanh chóng, khẩn trương, quyết liệt triển khai ngay những chương trình, chính sách đã công bố; xây dựng cơ chế thông tin báo cáo giám sát đầy đủ, kịp thời với cơ quan chức năng, NHNN, chính quyền địa phương; Tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường truyền thông cơ chế, chính sách, kế hoạch thực hiện tới toàn xã hội.

Phó Thống đốc yêu cầu, các TCTD, rà soát đánh giá thiệt hại đầy đủ, khách quan, không để lợi dụng chính sách trong thực hiện phân loại đối tượng bị thiệt hại, từ đó định hình ra các gói hỗ trợ phù hợp cho từng đối tượng khách hàng. Phó Thống đốc lưu ý: khi xây dựng các gói/chương trình hỗ trợ cần phù hợp với năng lực của từng TCTD và phải thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Với các khoản cho vay mới, dựa trên mức độ phục hồi của khách hàng, các TCTD nghiên cứu xem xét các hình thức cho, có thể như: vay tín chấp, cho vay dựa trên tài sản bảo đảm hình thành từ khoản vay mới… Đồng thời, quan tâm đến cho vay tiêu dùng đối với các khách hàng cần tiền để mua sắm các vật dụng thiết yếu phục vụ cuộc sống… để giúp khách hàng vượt qua khó khăn.

Tiếp tục phối hợp với bộ, ngành, địa phương và NHNN để chung tay khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra…

Phó Thống đốc lưu ý: Trong quá trình các TCTD triển khai hỗ trợ khách hàng, nếu có vấn đề khó khăn vướng mắc, cần chủ động báo cáo đề xuất cơ quan quản lý.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp giúp khách hàng vượt qua khó khăn do bão, lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO