Ngày 20/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị Triển khai các giải pháp tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì hội nghị.
Cùng tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; lãnh đạo UBND 26 tỉnh, thành phố; các vụ, cục, đơn vị NHNN; đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; lãnh đạo các TCTD. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối đến điểm cầu của NHNN các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, bão số 3 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 70 năm qua tại đất liền, là siêu bão với sức tàn phá lớn, ảnh hưởng rộng, có 26 địa phương chịu tác động nặng nề. Cơn bão đã tác động trực tiếp tới nền kinh tế, theo số liệu thống kê đến ngày 17/9, thiệt hại đối với nền kinh tế là trên 50.000 tỷ đồng, dự báo làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế là 0,15%. Những ngày này bão lũ đã qua đi, nhưng vẫn còn rất nhiều hình ảnh địa phương gặp vất vả trong việc ổn định cuộc sống của người dân.
Đối với ngành Ngân hàng, doanh nghiệp người dân là khách hàng của các TCTD chịu ảnh hưởng nặng nền của cơn bão dẫn đến khó khăn trong việc trả nợ, không đáp ứng các điều kiện vay… Con số thống kê cho thấy, dư nợ của TCTD bị ảnh hưởng do bão lũ, sạt lở là khoảng 100.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều quan tâm, chỉ đạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo đã vào cuộc quyết liệt để ứng phó, khắc phục hậu quả do bão gây ra. Về phía NHNN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã vào cuộc khẩn trương, quyết liệt, ngay lập tức ban hành văn bản yêu cầu các TCTD chủ động rà soát dư nợ ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, chủ động thực hiện các giải pháp như miễn giảm lãi, giãn, hoãn nợ… phối hợp với các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, các TCTD cũng đã đóng góp vào công tác an sinh xã hội do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động với gần 40 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các vụ, cục chức năng của NHNN cũng đã nhanh chóng vào cuộc, làm việc với các địa phương, TCTD để bàn giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, NHNN cũng đã tổ chức hội nghị về vấn đề này.
Thống đốc cho biết, ngày 17/9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Trong đó, NHNN được giao 2 nhiệm vụ đó là: căn cứ quy định tại Khoản 4 Điều 147 Luật Các TCTD năm 2024 để báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2024 về việc phân loại tài sản có, mức trích lập dự phòng rủi ro, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý rủi ro nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Đồng thời, chỉ đạo các TCTD chủ động tính toán phương án hỗ trợ, thực hiện cơ cấu lại thời hạn, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay cho các khách hàng bị thiệt hại, xây dựng các chương trình tín dụng mới với lãi suất phù hợp, tiếp tục cho vay mới đối với khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định pháp luật hiện hành.
Với tinh thần đó, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hội nghị được tổ chức nhằm bàn các giải pháp nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Các TCTD dựa trên nguồn lực, tình hình "sức khoẻ" của riêng mình để có các chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp người dân ổn định cuộc sống sau thiên tai, bão lũ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định lại, thiệt hại do bão số 3 gây ra là rất lớn, do đó, cần có những cơ chế, chính sách cụ thể tương xứng để khắc phục.
Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, Phó Thống đốc Thường trực cho biết, NHNN đã có và sẽ tiếp tục có những cơ chế chính sách hỗ trợ. Còn với các tổ chức tín dụng (TCTD) việc hỗ trợ sẽ tuỳ thuộc vào khả năng của mỗi đơn vị, tuy nhiên, việc hỗ trợ cần triển khai kịp thời, giúp người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Báo cáo tại hội nghị, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank cho biết, thống kê sơ bộ đến thời điểm hiện tại (ngày 20/9) có 60/75 chi nhánh tại 25 tỉnh, thành phát sinh thiệt hại. Trong đó, gần 15.000 khách hàng vay, với ước tính dư nợ bị ảnh hưởng trên 30.000 tỷ đồng, dư nợ bị thiệt hại dự kiến gần 11.000 tỷ đồng; trong đó, cho vay theo Nghị định 55 (lĩnh vực chế biến, nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng trọt, chăn nuôi ...) với tổng số khoảng trên 10.700 khách hàng (tổng dư nợ ảnh hưởng trên 5.500 tỷ đồng, tổng dư nợ dự kiến phải cơ cấu nợ là trên 1.700 tỷ đồng).
“Riêng tại tỉnh Quảng Ninh ước tính có hơn 2.000 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ dự kiến thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng, dư nợ bị ảnh hưởng thuộc đối tượng Nghị định 55 là 650 tỷ đồng. Tại TP. Hải Phòng có khoảng 300 khách hàng bị ảnh hưởng, tổng dư nợ hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ bị thiệt hại hơn 1.200 tỷ đồng, dư nợ bị ảnh hưởng thuộc đối tượng Nghị định 55 là trên 500 tỷ đồng”, ông Vượng thông tin.
Nhằm đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn, ông Vượng cho biết, Agribank đã chủ động triển khai chương trình giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng vay vốn bị thiệt hại do bão số 3, theo đó đối với khoản vay có dư nợ nội bảng, Agribank căn cứ mức độ thiệt hại của khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3 và lũ lụt để điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,5-2%/năm và miễn giảm 100% lãi quá hạn, lãi chậm trả trong thời gian từ ngày 6/9/2024 đến hết ngày 31/12/2024; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay so với lãi suất cho vay đối với khoản vay phát sinh từ ngày 6/9/2024 đến ngày 31/12/2024. Trong thời gian tới, Agribank sẽ ban hành các chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão, mưa lũ với quy mô tối thiểu khoảng 20.000 tỷ đồng đối với khách hàng cá nhân trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão, lũ lụt như nuôi trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi… với lãi suất ưu đãi.
Tại Vietcombank, ông Lê Quang Vinh, Phó Tổng Giám đốc chia sẻ, bên cạnh triển khai các gói an sinh xã hội, Vietcombank cũng triển khai các gói hỗ trợ lãi suất ngay sau khi cơn bão đi qua. Sau khi đánh giá lại tình hình thiệt hại của các khách hàng, Vietcombank triển khai giảm lãi suất lên đến 2% cho các ngành nghề và khu vực bị ảnh hưởng cụ thể. Theo đó, Vietcombank chủ động thực hiện giảm lãi suất từ ngày 6/9 cho các khoản vay cũ và các khoản vay mới, với quy mô vốn khoảng 160.000 tỷ đồng, với số khách hàng khoảng 25.500 khách hàng.
Tại VietinBank, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng Giám đốc cho biết, thống kê sơ bộ từ 39 chi nhánh tại 26 tỉnh/thành bị thiệt hại do bão số 3 gây ra có hơn 400 khách hàng doanh nghiệp có dư nợ bị ảnh hưởng, với số dư nợ là hơn 40.000 tỷ đồng; gần 1.000 khách hàng cá nhân với dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 20.000 tỷ đồng. Nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, VietinBank đã xây dựng gói hỗ trợ lãi suất 1% dành cho cả khoản vay cũ và vay mới, với quy mô 100.000 tỷ đồng, chương trình kéo dài đến hết năm 2024. Ngoài ra, ngân hàng sẽ tiếp tục triển khai các chương trình an sinh xã hội và triển khai thêm các gói ưu đãi khác để hỗ trợ khách hàng.
Ông Đoàn Việt Nam, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, nhằm hỗ trợ khách hàng, ngân hàng đã triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp, trong đó: giảm ngay lãi suất từ 0,5 – 2% tuỳ theo mức độ thiệt hại của khách hàng, cho vay cả khách hàng hiện hữu và cho vay mới. Quy mô gói hỗ trợ này là 40.000 tỷ đồng dành cho khách hàng hiện hữu. Ngoài ra, triển khai thêm gói tín dụng ưu đãi 60.000 tỷ đồng dành cho các khách hàng chưa có quan hệ tín dụng với BIDV. Thời gian áp dụng từ ngày 20/9 – 31/12/2024.
Ông Nam cũng thông tin, đến nay, BIDV đã dành trên 30 tỷ đồng, cùng với đó ngân hàng cũng kêu gọi các cán bộ, nhân viên ủng hộ 1 ngày lương để chia sẻ khó khăn với người dân các tỉnh bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Ngoài các ngân hàng trên, tại hội nghị, đại diện các ngân hàng: MB, Sacombank, TPBank, LPBank, HDBank, Nam A Bank, Shinhan Bank, EximBank, SeABank, Techcombank, VietABank, MSB… cũng đã chia sẻ về những chương trình/gói tín dụng và các chương trình an sinh xã hội cụ thể nhằm giúp người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 vượt qua khó khăn.
Như tại MB, ông Trần Minh Đạt, Phó Tổng Giám đốc cho biết, ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. MB chủ động triển khai chính sách giảm lãi suất 2% cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, với thời gian triển khai từ ngày 20/9-31/12/2024; đồng thời chủ động triển khai gói 2.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm tới 1% cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh với đa dạng các mục đích tái thiết cuộc sống sau bão lũ; hay gói tín dụng 7.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay giảm 1% để hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại; với các khách hàng khó khăn, ngân hàng cũng thực hiện gia hạn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Hay tại TPBank, ông Nguyễn Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc thông tin, qua thống kê sơ bộ có hơn 100 khách hàng doanh nghiệp và hơn 26.000 khách hàng cá nhân bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, TPBank triển khai nhiều hoạt động/chương trình thiết thực, có thể kể đến như: giảm tối đa 50% số tiền lãi hiện tại cho khách hàng cá nhân hiện hữu chịu ảnh hưởng do bão lũ gây ra bởi cơn bão 3, quy mô của gói tín dụng này lên tới 2.000 tỷ đồng…
Tại Sacombank, đại diện ngân hàng cho biết, để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngân hàng đã triển khai miễn giảm lãi vay 2% cho tất cả các khách hàng bị thiệt hại. Chương trình áp dụng cho khách hàng hiện hữu và cho vay mới. Đồng thời, Sacombank cũng thực hiện giảm 50% phí dịch vụ so với hiện hành…
Phát biểu tại hội nghị, bên cạnh việc thông tin về những thiệt hại do bão số 3 gây ra, đại diện tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn cũng bày tỏ lời cảm ơn chân thành đối với những chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của ngành Ngân hàng đối với người dân, doanh nghiệp tại các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
“Chúng tôi rất cảm ơn ngành Ngân hàng đã có những chính sách kịp thời. Qua báo cáo của các ngân hàng tại hội nghị, chúng tôi rất mừng khi thấy các ngân hàng đều đã khẩn trương triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã phối hợp tích cực với các ngân hàng trong việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3”, ông Cao Tường Huy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, bày tỏ tại hội nghị.
Ông Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, cũng chia sẻ: “Với tinh thần khẩn trương, nghĩa cử cao đẹp, ngành Ngân hàng đã hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do mưa bão, trong đó có tỉnh Bắc Kạn”.
Nhằm phát huy có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ông Phạm Toàn Vượng đề nghị, Chính phủ, chỉ đạo UBND các tỉnh/thành phố rà soát, đánh giá thực trạng các vùng bị ảnh hưởng/thiệt hại do thiên tai (bão, lũ), trường hợp thiệt hại, ảnh hưởng trên phạm vi rộng, cần sớm có văn bản thông báo tình trạng thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng để hỗ trợ người dân/khách hàng vay vốn có điều kiện được khoanh nợ theo quy định pháp luật nhằm giảm bớt khó khăn.
“Các TCTD cũng là doanh nghiệp, Agribank sẽ chủ động trong phạm vi nguồn lực tài chính để hỗ trợ khách hàng nhưng cũng đề nghị các bộ, ngành nghiên cứu hỗ trợ một số cơ chế chính sách để Agribank có thể tái đầu tư, hỗ trợ tốt hơn đối với khách hàng như: cơ chế hỗ trợ tài chính, cơ chế trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro, chỉ tiêu lợi nhuận; cơ chế cơ cấu laij hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão, lũ lụt, trên cơ sở cân đối dòng tiền của khách hàng (thời hạn cơ cấu lại dựa trên dòng tiền, nguồn thu của khách hàng, không giới hạn tối đa theo chu kỳ sản xuất kinh doanh), không giới hạn thời điểm giải ngân, được áp dụng đối với khoản nợ đến hạn trước ngày 30/6/2025. Đồng thời có cơ chế trích lập và phân bổ dự phòng rủi ro phù hợp cho các TCTD”, ông Vượng kiến nghị.
Với NHNN, ông Vượng đề nghị, NHNN báo cáo Chính phủ xem xét có cơ chế hỗ trợ các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, du lịch, xây dựng, thương mại,… bị thiệt hại bởi bão lũ (cơn bão số 3) nhưng không thuộc các đối tượng được quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng được hưởng chính sách hỗ trợ khoanh nợ trong trường hợp các đối tượng nông nghiệp nông thôn thuộc Nghị định 55/2015/NĐ-CP được khoanh nợ.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đánh giá cao và biểu dương các ngân hàng đã tích cực, nhiệt tình triển khai các gói/chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Đồng thời đề nghị toàn ngành Ngân hàng tích cực chia sẻ bằng chính nguồn lực của mình (từ lợi nhuận, tiết giảm chi phí….) để miễn giảm lãi cho vay, khoanh nợ, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị thiệt hại.
Về quan điểm điều hành thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ kịp thời, linh hoạt, tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá để hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô.
“Dù ảnh hưởng của bão số 3 sẽ làm giảm tăng trưởng GDP nhưng ngành Ngân hàng sẽ quyết tâm cùng với các bộ, ngành triển khai các giải pháp hỗ trợ để phấn đấu đảm bảo tăng trưởng tín dụng 15%, đảm bảo nguồn vốn để đảm bảo đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% Chính phủ đã đặt ra”, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chia sẻ và cho biết: "NHNN sẽ nghiên cứu và sớm trình chính phủ các vấn đề liên quan đến trích lập dự phòng rủi ro, từ đó làm căn cứ cho việc xây dựng chính sách riêng cho các đối tượng bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, góp phần đảm bảo có hành lang pháp lý để các TCTD hỗ trợ khách hàng hiệu quả hơn".
Đối với các TCTD, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú yêu cầu: tiếp tục đánh giá các thiệt hại, có báo cáo thống kê xác thực trong thời gian sớm nhất; có văn bản chỉ đạo ngay các chi nhánh, phòng giao dịch tại 26 tỉnh thành phố để triển khai ngay các chương trình/gói tín dụng hỗ trợ đã xây dựng, để làm sao các công bố được đưa vào cuộc sống, tới đúng đối tượng thụ hưởng. Phối hợp chặt chẽ với NHNN các tỉnh/thành phố trong việc giám sát các chi nhánh/phòng giao dịch trong quá trình triển khai; quan tâm, đẩy mạnh cho vay tiêu dùng; tăng cường công tác truyền thông để người dân, doanh nghiệp nắm được các cơ chế, chính sách ngân hàng triển khai.
Trên cơ sở các hướng dẫn, thực hiện ngay miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng. Linh hoạt trong hoạt động cho vay (cho vay tín chấp….) nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.
“Thực hiện hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện. Tuỳ theo năng lực của mình, các ngân hàng triển khai các chương trình hỗ trợ tương xứng. Khi thực hiện phải công khai minh bạch, không để tình trạng trục lợi chính sách”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh và đề nghị: Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam kêu gọi sự đồng thuận của các ngân hàng khi triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ này.
Đối với NHNN chi nhánh tỉnh/thành phố, Phó Thống đốc yêu cầu: thực hiện tổng hợp, thống kê, đánh giá kịp thời những thiệt hại của ngành, của khách hàng để báo cáo kịp thời; chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn triển khai tốt các gói hỗ trợ đã cam kết; nắm bắt nhu cầu, đề xuất kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn; tăng cường truyền thông chính sách trên địa bàn tỉnh.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu triển khai ngay các chính sách đã ban hành đến tay người dân tại các địa phương bị thiệt hại bởi bão, lũ.
Đối với các vụ, cục NHNN, trên tinh thần Thống đốc đã phê duyệt chương trình hành động, trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, cần nhanh chóng triển khai các nhiệm vụ được đề ra tại chương trình hành động. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú yêu cầu, khi xây dựng các chính sách phải hài hoà với thực tế.