Chứng khoán

Nỗ lực vùng lên của nhiều cổ phiếu sau chuỗi phiên bị "đè nén"

Mai Hương 16/01/2024 - 17:15

Thị trường đã bớt sự lệch lạc trong cấu trúc giao dịch khi đón nhận sự hồi phục mạnh của khá nhiều cổ phiếu thép, bán lẻ, năng lượng, đầu tư công, nông nghiệp…. Tỷ lệ các mã có xu hướng tăng ngắn hạn nhanh chóng cải thiện lên mức 57% trên HOSE.

Nỗ lực vùng lên của nhiều cổ phiếu sau chuỗi phiên bị

Định vị thị trường

Ngôi vương của chứng khoán châu Á vẫn là thuộc về thị trường Nhật Bản. Từ đầu năm đến nay, chỉ số NIKKEI 225 dẫn đầu với đà tăng 6,44%.

Trong khi đó, khá nhiều thị trường khác lại đang trả lại thành quả của đợt tăng cuối năm 2023 như Hàn Quốc, Đài Loan với việc mất lần lượt 5,94%, 3,26% so với đầu năm 2024.

Diễn biến này tạo thêm lý do để thị trường Việt Nam rơi vào trạng thái "tiến thoái lưỡng nan". Mức tăng của chỉ số từ đầu năm tới hết phiên hôm nay (16/01) đã đạt 2,94% nhưng để đi xa hơn thị trường đòi hỏi sự luân chuyển của dòng tiền tới nhiều nhóm ngành khác thay vì chỉ tập trung ở ngân hàng. Và phần nào đó, thị trường cũng đã đáp ứng kỳ vọng khi có nhiều mã như thép, bán lẻ, năng lượng bật lên sau chuỗi phiên bị "đè nén". Tỷ lệ các mã có xu hướng tăng ngắn hạn trên sàn đã hồi phục lên 57%.

ma20above-2516.png
Sự hồi phục của nhiều cổ phiếu giúp cải thiện tỷ lệ các mã xu hướng tăng ngắn hạn trên HOSE.

Chất xúc tác

So với phiên hôm qua, khớp lệnh chỉ tăng nhẹ gần 2% và tiếp tục duy trì ở dưới mức bình quân 20 phiên. Trạng thái thiếu hụt dòng tiền tất nhiên sẽ khó giúp thị trường có thể bứt phá lên nhưng cũng cần lưu ý tới sự kiện đáo hạn phái sinh vào ngày thứ Năm tới đây.

Khối lượng mở của HĐTL VN30F2401 hiện đã dần thu hẹp qua từng phiên nhưng vẫn còn khá cao cho tới đầu phiên giao dịch, đạt 53 nghìn đơn vị. Nhà đầu tư do đó vẫn chưa thể loại trừ đi hết những nhiễu động ở nhóm cổ phiếu Bluechips nên việc giảm tần suất các giao dịch trên thị trường là điều khó tránh khỏi.

Sự thuận lợi của dòng tiền hiện chỉ đến từ khía cạnh nhà đầu tư nước ngoài đang liên tiếp có các phiên mua ròng nhẹ. Theo thống kê, phiên hôm nay, HOSE tiếp tục được mua ròng hơn 150 tỷ đồng.

3ex-2024-01-16-3724.png

MWG (+147,75 tỷ đồng) là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, kế đến là các mã STB (+75,8 tỷ đồng), VPB (+50,9 tỷ đồng), VCB (+50,7 tỷ đồng).

Vận động thị trường

Trong hơn 2 tuần, cổ phiếu ngân hàng thu hút hết sự chú ý của giới đầu tư, số lượng các mã có xu hướng tăng ngắn hạn trên HOSE đã giảm từ mức 75% xuống 46% (tính đến trước phiên giao dịch 16/1).

Dù nhiều mã chỉ tạm đánh mất xu hướng ngắn hạn, nhưng tâm lý giao dịch của nhiều nhà đầu tư đã có chiều hướng trở nên chán nản do bị mất lãi thậm chí thua lỗ nhẹ trong khi nếu mua đúng các cổ phiếu ngân hàng (MBB, OCB, CTG) đã có thể đạt hiệu suất sinh lời trên 10%.

Chỉ tới phiên chiều nay, tâm lý căng thẳng này mới phần nào được giải tỏa khi các mã thép, bán lẻ, tiêu dùng, nông nghiệp, đầu tư công có dấu hiệu được dòng tiền "đánh thức".

Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu thép với SMC, NKG tăng trần trong khi HSG tăng 6%, POM tăng 5,7%. Cổ phiếu đầu ngành là HPG (+2,6%) cũng có sự hậu thuẫn tích cực về đà tăng lẫn giá trị giao dịch.

Kế đến là các cổ phiếu bán lẻ, tiêu dùng nhờ có sự thúc đẩy của MWG (+3,3%), MSN (+2,3%). Các mã PET (+4%), DGW (+2,2%), FRT (+1,3%) cũng đều tăng giá.

Nhóm cổ phiếu nông nghiệp có sự hồi phục mạnh của DBC (+5,2%) kéo theo các mã HAG (+1,5%), BAF (+2,34%). Trong khi đó, nhóm đầu tư công sự tăng giá khá đều của CII (+3,4%), VCG (+2,3%), LCG (+2,1%), FCN (+1,8%), DHA (+1,6%). Còn nhóm Năng lượng là các mã HDG (+6,5%), TV2 (+1,6%).

Tỷ lệ các mã xu hướng tăng ngắn hạn của sàn đã hồi phục lên mức 57% là sự khởi sắc rõ rệt của thị trường. Dù vậy, VN-Index hiện vẫn cần thêm thời gian để chứng minh sức mạnh. Chỉ số đóng cửa tăng 9 điểm lên 1.163,12 điểm (+0,78%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 13.130 tỷ đồng.

2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đều đóng cửa trong sắc xanh với thành quả +0,86% và +0,48%. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.900 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vùng lên của nhiều cổ phiếu sau chuỗi phiên bị "đè nén"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO