Thị trường

Tài chính-Tiền tệ, tuần 31/7–4/8: Chứng khoán tăng tích cực, thanh khoản đạt trung bình gần 24.800 tỷ đồng/phiên

Thanh Hải 07/08/2023 - 09:27

Kinh tế xã hội nhiều điểm sáng, tỷ giá trung tâm tăng mạnh, lãi suất liên ngân hàng biến động nhẹ, thị trường chứng khoán tiếp tục đà tăng tích cực, Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ, BOE tăng lãi suất cơ sở… là những thông tin kinh tế, tài chính, tiền tệ chính trong tuần qua.

ktxh-1.jpg

Tổng quan: Kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng

Tại phiên thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023, để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng của năm, Chính phủ nhận định, kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng, tháng 7 tốt hơn so tháng 6 và cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực.

Các kết quả kinh tế tích cực trong 7 tháng gồm: Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần; chỉ số CPI bình quân 7 tháng tăng 3,12%. Thu NSNN 7 tháng đạt trên 1 triệu tỷ đồng, bằng 62,7% dự toán. Xuất nhập khẩu tiếp tục đà tăng trở lại; trong 7 tháng, xuất khẩu đạt 195,4 tỷ USD, nhập khẩu đạt 178,9 tỷ USD; xuất siêu 16,5 tỷ USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt. Nông nghiệp tiếp tục có nhiều điểm sáng; xuất khẩu gạo 7 tháng tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá. Sản lượng thủy sản tháng 7 tăng 2,6%, 7 tháng tăng 1,9%. Xuất khẩu nông sản tháng 7 đạt 4,62 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ; 7 tháng đạt hơn 29 tỷ USD; riêng rau củ quả đã xuất khẩu 3,2 tỷ USD.

Công nghiệp tiếp đà phục hồi, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tháng 7 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 3,7% so cùng kỳ.

Thương mại, dịch vụ tăng trưởng tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng 1,1% so tháng trước và tăng 7,1% so cùng kỳ, 7 tháng tăng 10,4%; khách quốc tế tháng 7 đạt hơn 1 triệu lượt người, tăng 6,5% so tháng trước và gấp gần 3 lần so cùng kỳ; 7 tháng đạt gần 6,6 triệu lượt khách, gấp 6,9 lần so cùng kỳ.

Vốn đầu tư đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 267,63 nghìn tỷ đồng, đạt 37,85% kế hoạch, tăng 3,38% về tỷ lệ và tăng 80,78 nghìn tỷ đồng về số tuyệt đối. Tổng vốn FDI đăng ký tháng 7 đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước, 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5%.

Tình hình phát triển doanh nghiệp tích cực hơn. Tháng 7 có 13.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,3% về số doanh nghiệp và tăng 2,4% về vốn đăng ký so cùng kỳ. Tính chung 7 tháng có 131.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, cao hơn số rút lui khỏi thị trường là 113.300 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Những vấn đề quan trọng nhất là: (1) ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; (2) thu NSNN 7 tháng giảm so cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao, hấp thụ vốn yếu, tiếp cận vốn còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng thấp; (3) điều hành chính sách tiền tệ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; (4) khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; (5) cầu trên các thị trường chính, truyền thống suy giảm; (6) công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm.

Vì vậy, Chính phủ đưa ra trọng tâm chỉ đạo điều hành từ tháng 8 cho đến cuối năm gồm: Ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của người dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công tác đối ngoại.

Trong đó lưu ý: (1) đảm bảo và cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá; (2) ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhất là 3 động lực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; (3) chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, tăng cung tiền và tăng tín dụng phù hợp; (4) chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đầu tư công; (5) đảm bảo an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia; (6) rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế cũng như các văn bản quy định pháp luật.

Chính phủ cũng khẳng định, không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của cả năm 2023 là 6,5%. Do đó, những tháng cuối năm phải có mức tăng trưởng khoảng 9%.

Tóm lược thị trường trong nước

Thị trường ngoại tệ: Trong tuần từ ngày 31/7 - 4/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng qua các phiên. Chốt ngày 4/8, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.825 VND/USD, tăng mạnh 81 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.966 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục giao dịch tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên ngày 4/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.725 VND/USD, tăng tiếp 40 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng mạnh trong tuần qua. Chốt phiên ngày 4/8, tỷ giá tự do tăng 100 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.730 VND/USD và 23.780 VND/USD.

Thị trường tiền tệ liên ngân hàng: Tuần từ ngày 31/7 - 4/8, lãi suất VND liên ngân hàng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 4/8, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: Qua đêm là 0,26% (+0,03 đpt); 1 tuần là 0,46% (-0,01 đpt); 2 tuần là 0,70% (không đổi); 1 tháng là 1,90% (-0,03 đpt).

Lãi suất USD liên ngân hàng tăng nhẹ ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Phiên cuối tuần (ngày 4/8), lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: Qua đêm là 5,03% (+0,02 đpt); 1 tuần là 5,12% (+0,01 đpt); 2 tuần là 5,21% (không đổi) và 1 tháng là 5,33% (không đổi).

Thị trường mở: Trên thị trường mở tuần từ ngày 31/7 - 4/8, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.

NHNN tiếp tục không chào thầu tín phiếu NHNN.

Thị trường trái phiếu: Ngày 2/8, Kho bạc Nhà nước (KBNN) chào thầu thành công toàn bộ 5.000 tỷ đồng TPCP. Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 30 năm cùng huy động được 500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500 tỷ đồng và kỳ hạn 15 năm huy động được 2.500 tỷ đồng. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm là 1,8% (-0,2 đpt so với lần trúng thầu trước), 10 năm là 2,37% (-0,08 đpt), 15 năm là 2,60% (-0,10 đpt) và 20 năm là 3,05% (-0,05 đpt).

Trong tuần này, ngày 9/8, KBNN chào thầu 5.500 tỷ đồng TPCP, trong đó: Kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ đồng, 10 năm và 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn và 30 năm chào 1.000 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.038 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 5.292 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP tuần qua giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn và tăng nhẹ ở kỳ hạn 15 năm. Chốt phiên ngày 4/8, lợi suất TPCP 1 năm giao dịch quanh 1,68% (-0,01 đpt so với tuần trước); 2 năm là 1,68% (-0,01 đpt); 3 năm là 1,72% (-0,00 đpt); 5 năm là 1,82% (-0,03 đpt); 7 năm là 2,11% (-0,03 đpt); 10 năm là 2,42% (-0,00 đpt); 15 năm là 2,66% (+0,02 đpt); 30 năm là 3,06% (không thay đổi).

Thị trường chứng khoán: Tuần từ ngày 31/7 - 4/8, thị trường chứng khoán tiếp tục đà tăng tích cực dù có sự rung lắc ở một số phiên trong tuần. Chốt phiên cuối tuần 4/8, VN-Index đứng ở mức 1.225,98 điểm, tăng 18,31 điểm (+1,52%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index tăng 4,87 điểm (+2,05%) đạt 242,41 điểm; UPCom-Index thêm 2,79 điểm (+3,14%) lên mức 91,70 điểm.

Thanh khoản thị trường dâng lên mạnh với trung bình gần 24.800 tỷ đồng/phiên từ mức 19.400 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 645 tỷ đồng trên cả 3 sàn trong tuần qua.

Tin quốc tế

Fitch hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ, bên cạnh đó quốc gia này cũng ghi nhận một số thông tin kinh tế quan trọng.

Về Fitch, ngày 1/8, tổ chức này công bố hạ mức tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống còn AA do chất lượng quản trị của Mỹ suy giảm và tình hình tài khóa có thể tiếp tục xuống cấp trong 3 năm tới.

Fitch chỉ ra rằng Mỹ liên tiếp rơi vào bế tắc khi đàm phán trần nợ trong thời gian vừa qua và chỉ tìm được giải pháp vào phút chót.

Trước Fitch, Standard & Poors cũng hạ tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+ kể từ năm 2011, và Moody’s vẫn đang giữ xếp hạng tín nhiệm Mỹ với AAA-.

Liên quan đến kinh tế Mỹ, Viện quản lý cung ứng Mỹ ISM cho biết, Chỉ số PMI lĩnh vực sản xuất tại nước này trong tháng 7 ở mức 46,4%, tăng nhẹ từ mức 46,0% của tháng 6 nhưng chưa đạt mức 46,9% theo dự báo.

PMI lĩnh vực dịch vụ đạt 52,7% trong tháng vừa qua, giảm xuống từ 53,9% của tháng 6 và cũng thấp hơn mức 53,1% theo dự báo.

Tại thị trường lao động, nước Mỹ tạo ra 187.000 việc làm mới trong tháng 7, tương đương với mức 185.000 của tháng 6 và thấp hơn mức 205.000 việc làm theo kỳ vọng. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ vẫn giảm xuống 3,5% trong tháng vừa qua, trái với dự báo đi ngang ở 3,6% như kết quả thống kê tháng 6. Thu nhập bình quân theo giờ của người dân Mỹ cũng tiếp tục tăng 0,4% m/m trong tháng 7, nối tiếp đà tăng 0,4% của tháng trước đó và cao hơn mức 0,3% theo dự báo.

Cuối cùng, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tuần kết thúc ngày 29/7 là 227.000 đơn, tăng từ 221.000 đơn của tuần trước đó và gần khớp với mức 226.000 đơn theo dự báo.

NHTW Anh (BOE) nâng lãi suất cơ sở trong cuộc họp đầu tháng 8/2023. Ngày 3/8, BOE cho biết, lạm phát tại tháng 6 đã giảm tốc còn 7,9% từ mức 8,7% của tháng trước đó, và có thể sẽ tiếp tục xuống còn 5% vào cuối năm 2023. Cơ quan này khẳng định luôn ưu tiên đưa lạm phát trở lại ổn định ở mức mục tiêu 2,0%.

Để đạt mục tiêu trên, BOE quyết định tăng lãi suất cơ sở thêm 25 điểm cơ bản, từ mức 5,0% lên mức 5,25%, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 14 liên tiếp và cũng là mức lãi suất cơ sở cao nhất trong vòng 15 năm.

BOE sẽ tiếp tục quan sát các chỉ báo kinh tế và có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu có dấu hiệu lạm phát cao dai dẳng.

Liên quan đến kinh tế Anh, Chỉ số PMI lĩnh vực xây dựng của nước này ở mức 51,7 điểm trong tháng 7, tăng lên từ 48,9 điểm của tháng trước đó và trái với dự báo giảm xuống còn 48,1 điểm. PMI lĩnh vực sản xuất của nước Anh cũng chính thức ghi nhận mức 45,3 điểm trong tháng vừa qua, điều chỉnh tăng nhẹ từ mức 45,0 điểm theo khảo sát sơ bộ.

Cuối cùng, số hợp đồng vay thế chấp mua nhà được duyệt tại Anh ở mức 55.000 trong tháng 6, cao hơn mức 51.000 của tháng 5 và cũng cao hơn mức 49.000 theo dự báo. Đây là lượng hợp đồng được chấp thuận cao nhất tại nước này kể từ đầu năm.

Tỷ giá ngày 4/8:

-     USD = 0.908 EUR (-0.60% d/d); EUR = 1.101 USD (0.60% d/d)

-     USD = 0.784 GBP (-0.28% d/d); GBP = 1.275 USD (0.28% d/d)

-     GBP = 1.158 EUR (-0.33% d/d); EUR = 0.864 GBP (0.33% d/d)

Nguồn: MSB Research

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tài chính-Tiền tệ, tuần 31/7–4/8: Chứng khoán tăng tích cực, thanh khoản đạt trung bình gần 24.800 tỷ đồng/phiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO