Nghiên cứu - Trao đổi

Truyền thông giúp người dân tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các công ty tài chính chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen

ThS. Trần Thị Thanh Bích 03/01/2023 15:15

Bài viết tập trung nêu bật điểm khác biệt giữa công ty tài chính tiêu dùng chính thức với hoạt động của các công ty tài chính không phải là TCTD, các cửa hàng cầm đồ; các App cho vay; các cá nhân, cho vay thông qua các hình thức hụi, họ, phường, hoặc cho vay của gia đình, bạn bè, người thân…). Gợi mở những giải pháp góp phần giúp các cơ quan quản lý, các cơ quan truyền thông và xã hội hiểu và tránh nhầm lẫn giữa hoạt động của các công ty tài chính chính thức với các loại hình này.

Tóm tắt: Bài viết sẽ tập trung nêu bật điểm khác biệt giữa công ty tài chính tiêu dùng chính thức với hoạt động của các công ty tài chính không phải là TCTD, các cửa hàng cầm đồ; các App cho vay; các cá nhân, cho vay thông qua các hình thức hụi, họ, phường, hoặc cho vay của gia đình, bạn bè, người thân…). Đồng thời gợi mở những giải pháp góp phần giúp các cơ quan quản lý, các cơ quan truyền thông và xã hội hiểu và tránh nhầm lẫn giữa hoạt động của các công ty tài chính chính thức với các loại hình này.

Media helps people access consumer finance from official financial companies, contributing to repelling black credit

Abstract: The article will focus on highlighting the difference between formal consumer finance companies and those that are not credit institutions (pawn shops; loan app; individuals lending through the form of informal capital mobilization or loans from family, friends, relatives...). At the same time, the author suggests recommendations for other relevant regulators, media and society understand and avoid confusing official financial companies with other unofficial types.

Không nằm ngoài xu thế ở các nước trên thế giới, sự phát triển của tài chính tiêu dùng tại Việt Nam trong những năm qua đã được ghi nhận không chỉ bởi sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng trưởng mà còn bởi những hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế xã hội. Số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%.

Để đạt được những kết quả trên, trong những năm qua, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là những công ty tài chính do NHNN cấp phép (công ty tài chính tiêu dùng chính thức) đã tích cực chủ động tuyên truyền và triển khai nhiều sản phẩm dịch vụ cho vay tiêu dùng giúp người dân tiếp cận được các dòng vốn chính thức một cách nhanh chóng và tiện lợi.

Thống kê đến hết tháng 4/2022, chỉ có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép (Công ty tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam; Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset (Việt Nam); Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC; Công ty tài chính TNHH HD Saison; Công ty tài chính TNHH MTV Home credit Việt Nam; Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam; Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội; Công ty tài chính TNHH MB Shinsei; Công ty tài chính TNHH MTV Bưu điện; Công ty tài chính TNHH MTV Cộng Đồng; Công ty tài chính cổ phần Điện Lực; Công ty tài chính cổ phần Handico; Công ty tài chính TNHH MTV Quốc tế Việt Nam JACCS; Công ty tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ; Công ty tài chính TNHH MTV Toyota Việt Nam; Công ty tài chính cổ phần Tín Việt), hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương...

Hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng chính thức đều tuân thủ nghiêm ngặt Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định khác có liên quan trong lĩnh vực ngân hàng. Dù đang tích cực giúp người dân tiếp cận được các nguồn vốn chính thức, qua đó góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen nhưng hoạt động của các công ty tài chính chính thức đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những hiểu nhầm từ xã hội khi đánh đồng với hoạt động của hàng trăm các công ty tài chính phi chính thức (là một số công ty tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, các công ty/cửa hàng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, các công ty cho vay online, các App cho vay... không phải do NHNN cấp phép, không phải là tổ chức tín dụng (TCTD) - nhưng những công ty này tự đặt tên mập mờ là “công ty tài chính” và cũng tự thực hiện hoạt động cho vay, dễ gây hiểu nhầm như công ty tài chính do NHNN cấp phép).

Từ những hệ lụy trên, việc nhận diện đúng hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó truyền thông - báo chí có vai trò rất quan trọng. Do đó, bài viết sẽ tập trung nêu bật điểm khác biệt giữa công ty tài chính tiêu dùng chính thức với hoạt động của các công ty tài chính không phải là TCTD, các cửa hàng cầm đồ; các App cho vay; các cá nhân, cho vay thông qua các hình thức hụi, họ, phường, hoặc cho vay của gia đình, bạn bè, người thân…). Đồng thời gợi mở những giải pháp góp phần giúp các cơ quan quản lý, các cơ quan truyền thông và xã hội hiểu và tránh nhầm lẫn giữa hoạt động của các công ty tài chính chính thức với các loại hình này.

1. Cơ sở pháp lý và hoạt động của công ty tài chính tiêu dùng chính thức

Công ty tài chính là loại hình doanh nghiệp chịu sự quản lý nhà nước của NHNN và thuộc phạm vi áp dụng pháp luật ngân hàng, cụ thể: Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị định số 86/2019/NĐ-CP quy định mức vốn pháp định của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Nghị định 39/2014/NĐ-CP về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 16/2019/NĐ-CP; Nghị định 16/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của NHNN...

Theo các quy định pháp luật, công ty tài chính mang đầy đủ các đặc trưng của một tổ chức tín dụng nói chung và những đặc điểm riêng được thể hiện ở các điểm sau: giống như các ngân hàng, công ty tài chính cũng phải có vốn pháp định theo đúng quy định của pháp luật khi thành lập; là một loại hình trung gian tài chính với chức năng cơ bản là chuyển vốn từ nơi dư thừa vốn tới nơi thiếu hụt vốn; công ty tài chính là doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh chính, chủ yếu, thường xuyên và mang tính nghề nghiệp một số các hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, khác với các ngân hàng được phép thực hiện tất cả các hoạt động ngân hàng, các công ty tài chính chỉ được thực hiện một hoặc một số các hoạt động ngân hàng. Ví dụ, theo quy định của pháp luật hiện hành, công ty tài chính sẽ không được thực hiện các hoạt động nhận tiền gửi của cá nhân và cung ứng các dịch vụ thanh toán qua tài khoản của khách hàng. Như vậy, hoạt động của công ty tài chính sẽ bị hạn chế hơn các NHTM.

Theo quy định tại Nghị định số 39/2014/NĐ-CP, hoạt động của công ty tài chính bao gồm: huy động vốn (nhận tiền gửi của các tổ chức; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; vay vốn của tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật; vay NHNN dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật NHNN Việt Nam); hoạt động cho vay (cho vay, bao gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng, các giấy tờ có giá khác); bảo lãnh ngân hàng (công ty tài chính được bảo lãnh dựa trên uy tín và khả năng tài chính của mình đối với người nhận bảo lãnh); phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán, cho thuê tài chính và các hình thức cấp tín dụng khác sau khi được NHNN chấp thuận.

Thực tế cho thấy, các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép đang hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật, góp phần hỗ trợ người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế không tiếp cận được nguồn vốn từ các NHTM. Nhưng với việc cho vay các đối tượng này thì thực tế đã cho thấy, đây là các khoản nợ rủi ro cao, dẫn đến nguy cơ nợ xấu cao hơn hẳn các NHTM, vì thế yêu cầu cho việc trích lập dự phòng rủi ro cũng sẽ phải cao.

Khách hàng của công ty tài chính là người dân, đặc biệt là những đối tượng yếu thế không tiếp cận được nguồn vốn từ các NHTM. Cho vay tiêu dùng của công ty tài chính thường gắn với rủi ro cao (bởi khách hàng công ty tài chính tiêu dùng là khách hàng phi chuẩn, các khoản vay có giá trị thấp, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, thời gian giải ngân nhanh) nên lãi suất cho vay tại các công ty tài chính thường cao hơn mức lãi suất của các NHTM.

2. Phân biệt hoạt động của công ty tài chính do NHNN cấp phép và hoạt động của các loại hình công ty tài chính khác

Theo NHNN cho biết, đến nay, cả nước chỉ có 16 công ty tài chính cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng, thị phần tập trung vào một số công ty tài chính lớn như: FE Credit, Home Credit, HD Saison, Mcredit, SHB Finance …

Song song với các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động theo các quy định nghiêm ngặt của pháp luật về ngân hàng, những năm qua thị trường cũng có sự hiện diện của các công ty tài chính (một số công ty dịch vụ tư vấn tài chính, công ty đầu tư tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ… nhưng các công ty này lại tự đặt tên là công ty tài chính) và các loại hình khác (cửa hàng cầm đồ; các App cho vay; các cá nhân cho vay thông qua các hình thức hụi, họ, phường, hoặc cho vay của gia đình, bạn bè, người thân…).

Trong khi các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, hoạt động theo Luật các TCTD với nhiều quy định nghiêm ngặt để bảo vệ an toàn hoạt động và bảo vệ quyền lợi khách hàng, thì ngược lại, các cửa hàng cầm đồ, các công ty tài chính phi chính thức lại cho vay dễ dàng với nhiều chiêu trò dụ dỗ, lừa đảo khách hàng trái pháp luật, gây hiểu lầm, làm ảnh hưởng đến uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép.

Do hạn chế về thông tin, nhiều khách hàng vẫn lầm tưởng, đánh đồng giữa các loại hình công ty này, đều được hiểu là công ty tài chính có hoạt động cho vay như nhau, điều đó phần nào cũng góp phần hạn chế việc tiếp cận khách hàng của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống và cũng sẽ làm tăng các chi phí trong hoạt động.

Điều 5 về “Sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, Luật Các TCTD đã quy định rất rõ ràng như sau: “Tổ chức không phải là tổ chức tín dụng không được phép sử dụng cụm từ hoặc thuật ngữ “tổ chức tín dụng”, “ngân hàng”, “công ty tài chính”, “công ty cho thuê tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh hoặc trong giấy tờ giao dịch hoặc quảng cáo của mình nếu việc sử dụng cụm từ, thuật ngữ đó có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng”.

3. Truyền thông, báo chí tích cực tuyên truyền giúp người dân tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các công ty tài chính chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen

Thời gian vừa qua, để dư luận xã hội có những hiểu nhầm về hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép, với các loại hình công ty tài chính khác, có một phần nguyên nhân đến từ sự thông tin không đầy đủ từ phía các công ty tài chính tiêu dùng chính thống và các cơ quan báo chí, truyền thông. Bên cạnh đó, công tác giáo dục về tài chính cho người dân vẫn còn nhiều hạn chế.

3.1. Về phía công ty tài chính tiêu dùng

Thực tế cho thấy, tài chính tiêu dùng có sự bùng nổ mạnh mẽ trong những năm gần đây, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân. Việc các công ty tài chính tập trung mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân đã góp phần hạn chế người dân tiếp cận vốn từ các kênh không chính thức, giúp giảm các hệ hụy tiêu cực từ việc đi vay “tín dụng đen”, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực trên, công tác giáo dục tài chính của các công ty tài chính dù đã được quan tâm nhưng vẫn chưa được triển khai thường xuyên.

Bên cạnh đó, sự phối hợp truyền thông của các công ty tài chính về hoạt động và sản phẩm/dịch vụ qua các trang báo/tạp chí của các cơ quan báo/tạp chí và các kênh truyền thông khác vẫn còn hạn chế. Chưa có các kế hoạch truyền thông bài bản để người dân thêm hiểu và thấu cảm hơn với hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những hiểu lầm không đáng có và bị xã hội đánh đồng với các công ty tài chính phi chính thức, gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung.

3.2. Vụ Truyền thông NHNN

Thời gian qua, Vụ Truyền thông đã chủ động cung cấp thông tin kịp thời về các chính sách liên quan tới điều hành về tín dụng, lãi suất… giúp dư luận hiểu và chia sẻ với áp lực điều hành chính sách tiền tệ của NHNN để ổn định an toàn hệ thống các TCTD.

Tích cực truyền thông các chính sách hỗ trợ lãi suất dành cho công nhân, nông dân, hộ gia đình thu nhập thấp có sự tham gia tích cực của các công ty tài chính như các gói hỗ trợ lãi suất, gói 20.000 tỷ đồng hỗ trợ giảm 50% lãi suất cho công nhân lao động …

Đặc biệt, Vụ Truyền thông thường xuyên phối hợp với các báo chí, phương tiện truyền thông trong và ngoài ngành để truyền thông về tín dụng tiêu dùng, các sản phẩm, dịch vụ tài chính tiêu dùng, hướng dẫn thủ tục và các bước thực hiện để người dân tiếp cận, những cảnh báo để người dân phòng tránh

Trong thời gian qua, Vụ Truyền thông cũng đã phối hợp với các vụ, cục và các đơn vị, TCTD để tổ chức nhiêu chương trình giáo dục tài chính có ý nghĩa và lan tỏa rộng như chương trình “ Tiền khéo tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa” trên đài Truyền hình Việt Nam…

3.3. Về truyền thông qua các trang báo/tạp chí và các kênh truyền thông khác

Có thể nói, ở góc độ tích cực các trang báo/tạp chí và các kênh truyền thông khác đang được xem là cánh tay nối dài của các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép tới các khách hàng. Thông qua các tin/bài, báo chí đã phản ánh chân thực hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng để khách hàng biết đến thương hiệu của các công ty này, góp phần giúp người tiêu dùng có thêm kênh thông tin, biết thêm địa chỉ tin cậy khi cần vay cho nhu cầu tiêu dùng cá nhân cũng như gia đình mình….

Những tin tức, bài viết, phóng sự được đăng tải trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng đã phần nào tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp phân biệt công ty tài chính do NHNN cấp phép và công ty tài chính mạo danh, cảnh giác với những thủ đoạn cho vay nặng lãi, giúp người dân nâng cao hiểu biết và có những lựa chọn đúng đắn với các gói dịch vụ tiêu dùng của các tổ chức tài chính chính thống, tránh được những rủi ro trong cuộc sống.

Bên cạnh mặt tích cực trên thì một số tin/bài trên nhiều trang báo/tạp chí hay các kênh truyền thông khác cũng dẫn đến những hiểu nhầm của xã hội về hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép. Có thể kể đến các bài viết với tiêu đề như: Cẩn trọng khi vay tiền từ các công ty tài chính; Vay tiền của công ty tài chính: Cẩn trọng với mức lãi suất cắt cổ; cẩn trọng với bẫy vay tiêu dùng từ các công ty tài chính; cẩn trọng với “bẫy” cho vay tiêu dùng từ công ty tài chính; công ty tài chính đòi nợ kiểu xã hội đen; rước họa oan vì bị công ty tài chính đòi nợ kiểu xã hội đen; núp bóng công ty tài chính, đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”…

Chính việc các tin/bài dùng các câu từ mập mờ, nội dung không có sự giải thích rõ ràng giữa các loại hình công ty tài chính “các công ty tài chính tự gắn mác, các loại hình cho vay qua App, cầm đồ…”, với “công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép hoạt động theo các quy định pháp luật của ngành Ngân hàng” như trên đã khiến xã hội hiểu nhầm/đánh đồng giữa các loại hình này với nhau.

3.4. Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam)

Trong vai trò là cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Ngân hàng, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ đã tích cực thông tin/tuyên truyền thông qua các bài viết/tuyến bài viết chuyên sâu về hoạt động của các công ty tài chính do NHNN cấp phép để góp phần chung tay nâng cao nhận thức của người dân về hoạt động cũng như lợi ích của tài chính tiêu dùng đối với người dân và xã hội. Đơn cử các tin/bài đã được đăng tải trên Tạp chí như: “Phát triển thị trường cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh”; “Chân trời đang rộng mở cho các công ty tài chính”; “Tài chính tiêu dùng: Góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, gia tăng công bằng xã hội và hạn chế tín dụng đen”; “Đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, hạn chế tín dụng đen”;...

Bên cạnh những tin/bài trên, Tạp chí cũng có nhiều tin/bài cảnh báo về hoạt động tín dụng đen, các chiêu trò của các đối tượng tội phạm này… nhằm giúp người dân cảnh giác trước những thủ đoạn của các loại hình tội phạm tín dụng đen núp bóng các công ty tài chính không do NHNN cấp phép và quản lý.

Bên cạnh đó, tạp chí có nhiều bài viết, bài phỏng vấn các lãnh đạo, các chuyên gia về các giải pháp để phát triển kênh tài chính tiêu dùng, các gợi mở, đề xuất để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho các công ty tài chính tiêu dùng hoạt động và phát triển bền vững; Những kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam…

Tạp chí đã phối hợp với Vụ Truyền thông và các cơ quan báo chí trong và ngoài ngành tích cực truyền thông các sản phẩm, dịch vụ tài chính tiêu dùng, truyền thông kịp thời các tọa đàm, hội thảo về tín dụng tiêu dùng, về những kết quả đạt được, những vướng mắc khó khăn của các công ty tài chính tiêu dùng, để người dân hiểu hơn về vai trò của các công ty tài chính tiêu dùng đối với xã hội

Dưới sự chỉ đạo của Hiệp hội Ngân hàng, Tạp chí cũng đã tổ chức thành công Hội thảo “Nhận diện tín dụng đen dưới góc nhìn pháp luật và giải pháp phát triển tín dụng khu vực nông thôn”. Thông tin từ hội thảo đã xuất hiện rộng rãi trên các trang báo/tạp chí, truyền hình, mạng xã hội… góp phần lan tỏa thông tin, giúp người dân thêm hiểu hơn về hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, đồng thời tránh xa tín dụng đen để tìm đến những công ty tài chính tiêu dùng chính thức vay vốn.

4. Đề xuất, kiến nghị

Những thành quả trong công tác giúp người dân tiếp cận với tài chính tiêu dùng, góp phần đẩy lùi tín dụng đen thời gian qua có vai trò đặc biệt quan trọng từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Công an, NHNN, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố… cũng như các TCTD nói chung, công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép nói riêng.

Sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, các TCTD… thời gian qua là những “chất liệu quý” đối với các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền, cảnh báo người dân về những hệ lụy của “tín dụng đen”, góp phần tuyên truyền cho tài chính tiêu dùng, đẩy lùi “tín dụng đen” đem lại bình yên cho xã hội.

Tuy nhiên, đôi khi vì một vài lý do, cơ quan báo chí vẫn gặp phải khó khăn trong việc khai thác, tiếp cận nguồn thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng, từ chính các công ty tài chính tiêu dùng, hay những cá nhân có liên quan khiến cho hoạt động truyền thông vẫn chưa phát huy hết hiệu quả như mong muốn.

Do đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác truyền thông về hoạt động tài chính tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi “tín dụng đen”, tác giả xin đưa ra một số đề xuất cụ thể như sau:

4.1. Đối với Chính phủ

- Cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thực hiện Chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó, đưa công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng.

- Cần quan tâm hơn nữa những vấn đề báo chí phản ánh, đề xuất để sớm có những giải pháp tháo gỡ các vướng mắc để kênh tài chính tiêu dùng phát huy hiệu quả và kịp thời ngăn chặn được những hiện tượng vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen.

- Chỉ đạo các bộ, ngành phối hợp để thực hiện tốt các chính sách về tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tín dụng tiêu dùng, phối hợp để thực hiện các gói hỗ trợ lãi suất cho nông dân, công nhân và người dân lao động có thu nhập thấp… Trước mắt, cần chỉ đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp chặt chẽ với NHNN để thực hiện hiệu quả gói 20.000 tỷ đồng cho công nhân vay được hỗ trợ 50% lãi suất, để lan tỏa tạo hiệu ứng mạnh để cho nhiều công ty tài chính (ngoài FE Credit và HD Saison) cùng tham gia, qua đó để công nhân, người lao động, người yếu thế cảm thấy yên tâm vay vốn, góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.

4.2. Đối với Bộ Công an

- Tăng cường trấn áp tội phạm, xử lý nghiêm minh đối tượng “tín dụng đen” bất hợp pháp, các tổ chức đòi nợ thuê “tín dụng đen”; phối hợp chính quyền địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phương thức, hậu quả của “tín dụng đen” để người dân hiểu, cảnh giác và không tham gia, đặc biệt là người dân ở nông thôn, đồng bào vùng sâu, vùng xa có ít thông tin, hiểu biết về “tín dụng đen”, không mắc phải những “chiêu, trò” của các tổ chức, cá nhân núp bóng công ty tài chính để thực hiện các hành vi lừa đảo.

- Tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông để tăng lượng tin, bài, phóng sự cảnh báo các thủ đoạn của “tín dụng đen”, các phương thức mới để người dân cảnh giác; và tăng cường nhắn tin cảnh báo kịp thời qua App Bộ Công an cho người dân.

- Phối hợp với NHNN, các cơ quan báo chí và các Bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội liên quan để xây dựng chương trình truyền thông dài kỳ, có chiều sâu để người dân đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi có thể nhận biết được các thủ đoạn, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”; có thể phân biệt được đâu là các công ty tài chính hoạt động đúng pháp luật, đâu là công ty tài chính phi pháp, trá hình để hoạt động “tín dụng đen”; tuyên truyền vận động nhân dân tránh xa tín dụng đen, để người dân hiểu và tìm đến các kênh tín dụng chính thức.

- Kiến nghị xây dựng và áp dụng các chế tài đủ sức răn đe đối với những doanh nghiệp, tổ chức đội lốt công ty tài chính thực hiện các hành vi “tín dụng đen”.

4.3. Đối với NHNN

- Để tuyên truyền phổ biến tài chính tiêu dùng, hạn chế và đẩy lùi “tín dụng đen”, Vụ Truyền thông cần tiếp tục phối hợp với báo chí trong và ngoài ngành tăng cường truyền thông về các cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về tín dụng từ các kênh cung cấp tín dụng chính thức.

- Tăng cường truyền thông những chỉ đạo của NHNN đối với các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng về mở rộng tín dụng, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chỉ đạo hệ thống ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn để nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay cho người dân cũng như doanh nghiệp khu vực nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh phối hợp với các bộ, ngành, chức năng trong “cuộc chiến” ngăn chặn và đẩy lùi “tín dụng đen”.

Phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan báo chí để triển khai truyền thông rộng rãi về các chính sách, chương trình giáo dục tài chính, tài chính cá nhân, phổ cập tài chính toàn diện để người dân nâng cao hiểu biết về tài chính, tiếp cận vay vốn tại các công ty tài chính chính thức, phòng tránh được nạn “tín dụng đen”.

4.4. Đối với Bộ Thông tin - truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện tốt công tác tuyên truyền theo chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa đấu tranh với tội phạm “tín dụng đen”.

- Đề xuất kinh phí với Bộ Tài chính, phối hợp với NHNN và các bên liên quan, triển khai các đề tài giáo dục tài chính, phổ cập tài chính toàn diện để nâng cao hiểu biết cho người dân, qua hình thức đặt các báo, tạp chí tham gia các đề tài tuyên truyền nội dung này.

- Khuyến khích các cơ quan báo chí định hướng dư luận, có nhiều bài viết tuyên truyền, phổ biến để người dân yên tâm, tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các nguồn tín dụng tiêu dùng chính thức, qua đó phòng tránh được nạn “tín dụng đen”.

- Phối hợp với Bộ Công an để phát hiện và ngăn chặn các thuê bao điện thoại, sim rác mà tội phạm “tín dụng đen” nhắn tin khủng bố, đe dọa người vay; hoặc giả mạo tin nhắn của các ngân hàng, công ty tài chính để lừa đảo, đe dọa, tống tiền…

4.5. Đối với các cơ quan báo chí, truyền thông

- Tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các công ty tài chính tiêu dùng truyền tải thông tin chính thống đến các đối tượng độc giả của các cơ quan báo chí.

- Trong các bài viết liên quan đến hoạt động tín dụng tiêu dùng, nội dung cần thể hiện rõ đang đề cập đến loại hình hoạt động nào…, từ đó giúp xã hội tránh hiểu nhầm/đánh đồng các loại hình công ty tài chính tiêu dùng do NHNN cấp phép với các loại hình công ty tài chính phi chính thức.

- Với các cơ quan báo chí trong ngành Ngân hàng, cần tích cực truyền thông góp phần hoàn thiện, bổ sung cơ chế chính sách cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.

- Cần tập trung tuyên truyền những kết quả tích cực của kênh tài chính tiêu dùng chính thức; là kênh dẫn vốn hiệu quả cho những người yếu thế, để người dân yên tâm sử dụng dịch vụ của ngân hàng và các công ty tài chính chính thức. Qua đó, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”, giúp xã hội ngày càng phát triển và công bằng.

4.6. Đối với các công ty tài chính tiêu dùng

- Tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí và các bên liên quan triển khai hơn nữa công tác giáo dục tài chính tới mọi thành phần trong xã hội. Qua đó giúp người dân có thêm kiến thức tài chính, tránh xa “tín dụng đen”.

- Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc cung cấp thông tin về hoạt động của công ty, của hệ thống các công ty tài chính để các cơ quan báo chí có thêm những thông tin/tư liệu chính thống phục vụ cho bài viết.

- Xây dựng các kế hoạch truyền thông thường xuyên, liên tục, dài kỳ, có hệ thống qua các phương tiện truyền thông giúp người dân dễ nắm bắt thông tin về hoạt động của các công ty tài chính và chủ động hơn trong các kế hoạch tài chính khi cần.

- Các công ty tài chính tiêu dùng cần nghiên cứu thiết kế thêm nhiều sản phẩm phù hợp với người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

- Cập nhật và cảnh báo các thủ đoạn, các chiêu trò, các hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen của các tổ chức, công ty tài chính phi chính thức để người dân cảnh giác và tránh hiểu nhầm với các công ty tài chính chính thức.

4.7. Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh thành, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ

- Phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tuyên truyền, vận động nông dân, phụ nữ, người dân tránh xa các thủ đoạn “tín dụng đen” (có thể phối hợp với công an phường để cập nhật các thông tin kịp thời, mới xảy ra trên địa bàn).

- Nghiên cứu để triển khai các chương trình phổ cập kiến thức tài chính bằng những hình thức hấp dẫn, dễ hiểu, để thu hút người dân (có thể phối hợp với ngân hàng, công ty tài chính tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề để nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân tại địa phương).

- Nắm bắt được hoàn cảnh từng gia đình trên địa bàn quản lý để kịp thời có những tư vấn phù hợp.

- Hỗ trợ các ngân hàng, công ty tài chính hoàn thành các thủ tục cho vay hỗ đúng đối tượng, đúng mục đích; Tạo thuận lợi trong việc thu hồi nợ và phòng tránh những hiện tượng chây ỳ trả nợ tại địa phương…

Thời gian qua, tín dụng tiêu dùng nói chung và kênh tài chính tiêu dùng của các công ty tài chính chính thức (được NHNN cấp phép) ngày càng mở rộng và hoạt động hiệu quả, được nhiều người dân là những người lao động thu nhập thấp, công nhân lao động, những người lao động tự do… đã đến vay vốn để phục vụ những mục đích chính đáng của mình như chữa bệnh, đi học nghề, mua các thiết bị gia dụng… và coi đây là kênh vay vốn đáng tin cậy. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn còn lo lắng và chưa mạnh dạn đến vay vốn tại các công ty tài chính vì còn thiếu thông tin, còn e ngại vướng phải “tín dụng đen”. Chính vì vậy, để phục vụ những người dân yếu thế tiếp cận được nguồn vốn tín dụng tiêu dùng chính thức thì ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, của các công ty tài chính, rất cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ban, ngành, các cơ quan đoàn thể, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và đặc biệt là sự phối hợp truyền thông có trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông, tuyên truyền hướng dẫn và định hướng dư luận, để người dân hiểu và yên tâm vay vốn từ những kênh tín dụng tiêu dùng chính thức, qua đó góp phần phòng tránh và đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 20 năm 2022

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông giúp người dân tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các công ty tài chính chính thức, góp phần đẩy lùi tín dụng đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO