Các Hiệp hội ngành, nghề

VAFI đề xuất các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế với lãi suất huy động giảm mạnh

P.V 13/06/2023 16:28

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước về việc Đề xuất các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế với lãi suất huy động giảm mạnh.

Theo VAFI, lãi suất trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp hiện hành cũng như trong các năm qua còn rất cao so với các nước trong khu vực và các quốc gia phát triển (cao hơn 2 lần về trái phiếu chính phủ và gấp 3 lần về trái phiếu doanh nghiệp).

Mặt khác, Việt Nam chưa tạo dựng khuôn khổ pháp lý an toàn hiệu quả cho khu vực dân cư tham gia đông đảo tích cực vào thị trường trái phiếu.

Những trường hợp phát hành trái phiếu doanh nghiệp đầy rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân như Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…cần rút ra các bài học sâu sắc và quan trọng hơn, cần các giải pháp gần như tuyệt đối an toàn để thu hút đông đảo người dân tích cực tham gia đầu tư thị trường trái phiếu.

Vì vậy, VAFI đề xuất các giải pháp an toàn hiệu quả cho các nhà đầu tư cá nhân tích cực tham gia thị trường trái phiếu, đồng thời cũng đề xuất các giải pháp góp phần giảm lãi suất phát hành các loại trái phiếu.

Thứ nhất, cần tạo lập khung khổ pháp lý gần như tuyệt đối an toàn cho nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu.

Xây dựng các loại trái phiếu gần như tuyệt đối an toàn là trái phiếu được bảo lãnh thanh toán tiền lãi và vốn gốc đúng hạn trong mọi tình huống, nhưng có thể có rủi ro nhỏ như lạm phát, VND mất giá.

Với trái phiếu chính phủ, là loại luôn luôn được chính phủ bảo lãnh thanh toán đúng hạn lãi suất và vốn gốc khi hết kỳ hạn và gần như tuyệt đối an toàn cho nhà đầu tư cá nhân, tuy nhiên chưa thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bên cạnh đó, VAFI đề xuất xây dựng loại trái phiếu do các ngân hàng kinh doanh hiệu quả, tình hình tài chính lành mạnh phát hành và được Ngân hàng Nhà nước bảo lãnh thanh toán.

Ngoài ra, có thể xây dựng trái phiếu do chính quyền địa phương phát hành hoặc do tổ chức tài chính nhà nước phát hành và được Bộ Tài chính bảo lãnh thanh toán.

Thứ hai, cần miễn các loại thuế về kinh doanh trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Lý giải cho đề xuất này, theo VAFI, nếu trái phiếu phát hành có lãi suất huy động trên 10%/năm thì chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chiếm khoảng 2%/năm, còn trái phiếu có lãi suất huy động dưới 10%/năm thì chi phí thuế TNDN khoảng 1,5%. Nếu miễn loại thuế này thì lãi suất huy động cũng gần như được giảm tương ứng thêm 1,5-2%/năm.

Việc miễn thuế này không làm lợi cho tổ chức mua trái phiếu mà chỉ có lợi cho tổ chức phát hành, trong đó hưởng lợi nhất là trái phiếu chính phủ vì nhà nước là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu.

Nếu đứng trên bình diện kinh tế vĩ mô thì lãi suất cho vay giảm, hệ thống các doanh nghiệp được giảm chi phí đi vay và từ đó kích thích nền kinh tế phát triển mạnh hơn.

Ngân sách Nhà nước có thể giảm 1 phần nhỏ từ thuế thu nhập về lãi trái phiếu nhưng trên quan điểm chi phí lợi ích thì nhà nước bỏ ra 1 đồng vốn mà thu được lợi ích gấp 100 lần.

Còn đối với miễn thuế TNDN cho nhà đầu tư cá nhân, VAFI cho rằng, từ trước tới nay tiền gửi tiết kiệm của khu vực dân cư không bị đánh thuế nhưng nếu nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào trái phiếu thì phải chịu thuế lợi tức ở mức 5%/năm và chịu thuế chuyển nhượng trái phiếu 0,1% trên giá trị giao dịch. Chính vì bất cập này nên việc đầu tư vào trái phiếu kém hấp dẫn hơn nhiều so với tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn.

Về phương diện kinh tế vĩ mô thì cần nhiều giải pháp để hệ thống ngân hàng thương mại dễ dàng huy động vốn dài hạn và cho vay dài hạn, đồng thời nguồn vốn huy động dài hạn phải nhiều thì sẽ góp phần giảm lãi suất phát hành trái phiếu dài hạn và từ đó góp phần hạ mặt bằng huy động vốn & từ đó lãi suất cho hệ thống doanh nghiệp vay dài hạn sẽ được giảm.

Cho nên, VAFI đề nghị Chính phủ, Quốc hội, Bộ Tài chính xem xét miễn thuế lợi tức, thuế chuyển nhượng trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân để kích thích thị trường huy động vốn dài hạn phát triển.

Việc miễn các loại thuế này cũng không làm lợi cho nhà đầu tư cá nhân mà chỉ lợi cho nền kinh tế mà thôi. Khi miễn thuế này thì lãi suất huy động dài hạn cũng giảm theo và việc miễn này thì nhà đầu tư cá nhân cũng không hưởng lợi.

Thứ ba, về thủ tục thực hiện, VAFI nêu rõ, nếu Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội đồng ý các giải pháp của VAFI thì cần xem xét sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành về thuế, về ngân hàng và chứng khoán.

Trình tự thủ tục phát hành các loại trái phiếu an toàn phải đơn giản nhanh chóng hơn nhiều so với loại trái phiếu có rủi ro.

Loại trái phiếu an toàn có khối lượng phát hành lớn nên thời gian xét duyệt cần giản đơn và nhanh chóng, vì nếu phức tạp thì khó huy động vốn vì nhiều thủ tục hành chính cản trở.    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
VAFI đề xuất các giải pháp tăng cường huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế với lãi suất huy động giảm mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO