Các Hiệp hội ngành, nghề

Vốn tín dụng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới

Thanh Thanh 17/07/2023 - 21:25

Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 – 2025, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình, trong đó hơn 74% là vốn tín dụng.

von-tin-dung.png
Toàn cảnh hội nghị

Thông tin tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức ngày 17/7, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng điều phối NTM trung ương, Bộ NN&PTNT cho biết, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 khoảng 1.752.000 tỷ đồng.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương đóng vai trò "vốn mồi", hỗ trợ trực tiếp khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình MTQG, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.

Theo Chánh Văn phòng điều phối NTM trung ương Ngô Trường Sơn, đến nay, Chương trình MTQG xây dựng NTM có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương cao nhất trong 3 chương trình MTQG (xây dựng NTM; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xóa đói giảm nghèo bền vững)

Bên cạnh kết quả đạt được, hiện hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình ở cấp trung ương chậm được ban hành, nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án phân bổ kế hoạch, giao vốn ngân sách trung ương.

“Tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương năm 2022 (bao gồm cả kế hoạch vốn năm 2021 chuyển sang thực hiện năm 2022) và giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Nhiều địa phương chưa thực hiện việc giải ngân ngay sau khi hoàn thành công tác giao kế hoạch vốn…”, ông Sơn chỉ ra các tồn tại.

xay-dung-ntm.png
Đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM

Chương trình MTQG xây dựng NTM đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Phấn đấu cả nước có từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng NTM phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí NTM các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền.

Đặc biệt, sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình. Quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật. Quyết tâm giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình MTQG theo Kế hoạch được giao của năm 2022 và 2023. Tăng cường các hoạt động vận động các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hỗ trợ nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện các nội dung liên quan đến những vấn đề cấp thiết của Chương trình.

Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) để hỗ trợ thực hiện xây dựng NTM.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp nguồn vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025, để tạo điều kiện cho các bộ, ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương được giao.

Đã có gần 74% xã đạt chuẩn nông thôn mới

Báo cáo của Văn phòng điều phối NTM trung ương cũng cho biết, sau 3 năm triển khai Chương trình, đến nay, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, có 4 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc TW đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước).

Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vốn tín dụng giữ vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO