Ứng phó với Covid-19 – Khôi phục dòng vốn bền vững và tài chính phát triển vững mạnh

Thanh Hải| 09/07/2020 14:07
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Ngày 8/7/2020, Ả-rập Xê-út - nước Chủ tịch G20 phối hợp với Diễn đàn Pari đã tổ chức Hội thảo trực tuyến cấp Bộ trưởng về “Ứng phó với Covid-19 - Khôi phục dòng vốn bền vững và tài chính phát triển vững mạnh”. Việt Nam tham dự Hội thảo trong vai trò Chủ tịch ASEAN.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Tiến trình Tài chính G20, tập trung thảo luận về việc phối hợp chính sách giữa các tổ chức tài chính quốc tế với các nước và khu vực nhằm hỗ trợ cho các nước tăng cường năng lực tài chính nhằm đối phó với những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra.

Tại hội thảo, các bên đã thảo luận các chương trình hành động của G20 như: Sáng kiến giãn/hoãn nợ của G20 cho các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, Chương trình Đầu tư châu Phi và các vấn đề khác như giải pháp chính sách và hỗ trợ phục hồi luồng vốn vào các thị trường mới nổi, củng cố nguồn tài chính bền vững cho phục hồi kinh tế.

Phát biểu tại phiên thảo luận về các giải pháp chính sách hỗ trợ phục hồi luồng vốn vào các thị trường mới nổi, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nhận định: Khác với các cuộc khủng hoảng trước đó như khủng hoảng châu Á 1997-1998 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khủng hoảng Covid-19 lần này đang ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia trên toàn thế giới.

Tại Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới (WEO) mới ban hành vừa qua, IMF đã dự báo tăng trưởng âm ở tất cả các khu vực dưới tác động của đại dịch. Vì vậy, luồng chu chuyển vốn toàn cầu, bên cạnh các yếu tố truyền thống, còn chịu tác động của các nhân tố khác như khả năng phòng chống dịch bệnh, nền tảng kinh tế trước dịch Covid-19 và cấu trúc của dòng vốn.

Chia sẻ về Việt Nam, Phó Thống đốc cho biết, tăng trưởng GDP trong 6 tháng đầu năm tăng 1,81% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tăng trưởng quý II chỉ đạt 0,36%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây, tuy nhiên vẫn duy trì ở mức dương trong khi các khu vực và các nền kinh tế khác đang tăng trưởng âm.

Về cơ cấu của nguồn vốn, FDI chiếm đa số trong khi vốn đầu tư gián tiếp chiếm tỷ trọng nhỏ. Vì vậy, tác động lên luồng vốn không đáng kể.

Trên thực tế, thị trường Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng trở lại của luồng vốn vào trong quý II nhờ có thành công của Chính phủ và các cơ quan quản lý trong kiểm soát dịch bệnh, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giúp tăng cường lòng tin của các nhà đầu tư.

Tại hội thảo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng kêu gọi các nước G20 và các tổ chức quốc tế chia sẻ thông tin, hợp tác nghiên cứu và hỗ trợ các nước đang phát triển trong các kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế nhằm lan tỏa hơn nữa các nỗ lực, hợp tác của G20 với mục tiêu đưa nền kinh tế toàn cầu sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh, bền vững, cân bằng và toàn diện.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với Covid-19 – Khôi phục dòng vốn bền vững và tài chính phát triển vững mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO