Tại hội nghị đối thoại và kết nối ngân hàng doanh nghiệp vừa được tổ chức trên địa bàn Quận 5, TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã phản ánh và trao đổi những thông tin về khó khăn vướng mắc liên quan đến tiếp cận vốn, dịch vụ ngân hàng, chính sách và các gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đây là hoạt động thường xuyên và mang lại ý nghĩa rất lớn trong hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi tín dụng và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương (NHTW) và UBND Thành phố.
Làm tốt hoạt động này đồng thời góp phần đưa cơ chế chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả, cũng như để các tổ chức tín dụng (TCTD) trong vai trò thực hiện chính sách, vai trò đáp ứng vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp, có những thay đổi, đổi mới quy trình, thủ tục và nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ khách hàng, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Câu hỏi có nội hàm không mới của doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn Quận 5 về: “Bí quyết nào để tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi?” đã đặt ra vấn đề cần quan tâm để làm tốt hơn hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp và công tác triển khai thực hiện chính sách.
Trước hết, về mặt chính sách và mục tiêu chính sách, nhất là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân: có thể khẳng định không có bí quyết nào và không cần bí quyết để người dân và doanh nghiệp tiếp cận chính sách và các gói tín dụng ưu đãi, bởi lẽ chính sách chung với mục tiêu phục vụ cho lợi ích chung của doanh nghiệp, người dân và toàn bộ nền kinh tế. Tất cả các doanh nghiệp và người dân đều tiếp cận được chính sách, miễn là đúng đối tượng, đủ điều kiện và thuộc phạm vi điều chỉnh của chính sách đó, của các gói tín dụng ưu đãi được ban hành.
Trên thực tế, các gói tín dụng ưu đãi được Chính phủ, NHTW và UBND thành phố đưa ra, với mục tiêu để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thông thường, các chính sách ưu đãi nhằm mục tiêu thúc đẩy các nhóm ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế hoặc lĩnh vực cần ưu tiên phát triển, hoặc hỗ trợ những vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa biên giới và hải đảo…. Vì vậy, các chính sách này có quy định rõ ràng về phạm vi, đối tượng, điều kiện và phương thức thực hiện….
Như vậy cần thêm một lần nữa khẳng định, ở góc độ tổ chức thực hiện chính sách, người dân và doanh nghiệp không cần bí quyết nào, chỉ cần đảm bảo đúng đối tượng, đủ điều kiện vay vốn và thuộc phạm vi hỗ trợ của chính sách là tiếp cận thuận lợi các chính sách ưu đãi, các gói tín dụng ưu đãi.
Chẳng hạn gói tín dụng hỗ trợ 2% lãi suất trước đây theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11, Nghị định 31 của Chính phủ, chỉ áp dụng cho các đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực bị tác động ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 như: hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội; nhà ở cho công nhân thuê, cải tạo chung cư cũ…và phải đảm bảo được các điều kiện hỗ trợ theo quy định, trong đó phải đảm bảo điều kiện vay vốn, được các TCTD xét duyệt cho vay và giải ngân theo đúng quy định về hoạt động tín dụng.
Trong quá trình này, trách nhiệm của các NHTM là thông tin, tư vấn rõ cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt cơ chế chính sách; các đối tượng được hỗ trợ; điều kiện được hỗ trợ… để người dân, doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi, cũng như giúp người dân doanh nghiệp hiểu rõ chính sách và thực hiện trách nhiệm, đảm bảo sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả.
Tại TP. Hồ Chí Minh, để thực hiện tốt hoạt động này, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với hiệp hội doanh nghiệp và sở công thương; trung tâm xúc tiến thương mại và UBND các quận huyện thực hiện chương trình kết nối ngân hàng doanh nghiệp và đối thoại doanh nghiệp để thông tin, phổ biến chính sách và triển khai các gói tín dụng ưu đãi để đưa cơ chế chính sách đi vào thực tiễn cuộc sống có hiệu quả. Nhờ đó, từ đầu năm đến nay đã có 60.955 khách hàng doanh nghiệp tiếp cận gói tín dụng ưu đãi của các NHTM trên địa bàn thành phố (ưu đãi về lãi suất; giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; cho vay mới với lãi suất thấp; cho vay lĩnh vực xuất khẩu; tăng hạn mức tín dụng…), với tổng dư nợ đạt trên 207 nghìn tỷ đồng, bằng 40,6% quy mô gói. Đây là thực tế minh chứng về chính sách hỗ trợ và gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn phát triển: Doanh nghiệp thực tế được hỗ trợ, có mục đích và địa điểm cụ thể, rõ ràng.
Chính sách ưu đãi và các gói tín dụng ưu đãi là biện pháp sử dụng nguồn lực chính sách, ngoài công tác triển khai thực hiện; công tác truyền thông chính sách, cần phải đảm bảo tính công khai minh bạch và tuân thủ quy định, mới đảm bảo phát huy hiệu quả. Yêu cầu đó, đòi hỏi trách nhiệm của các TCTD, của NHNN Chi nhánh và đơn vị phối hợp và của cả chính doanh nghiệp và người dân trong việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.