Nếu đồng đô la tiếp tục suy yếu sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng trung ương châu Á nới lỏng chính sách tiền tệ.
Ngày 5/8, các đồng tiền châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong 5 tháng so với đồng đô la Mỹ, trong bối cảnh thị trường toàn cầu có nhiều thay đổi lớn do nhiều lo ngại, đặc biệt là lo ngại các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã quá chậm trong việc nới lỏng chính sách. Đồng Ringgit của Malaysia dẫn đầu xu hướng tăng ở các thị trường mới nổi châu Á, tiếp theo là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Giá trị đồng nội tệ suy yếu là một trong những lý do khiến các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc thận trọng trong việc hạ lãi suất, mặc dù áp lực giá cả ở các thị trường mới nổi châu Á phần lớn thấp hơn so với hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu cao hơn của Mỹ đã khiến các quỹ đầu tư toàn cầu e ngại đầu tư vào châu Á. Điều này có thể sắp thay đổi khi các khoản cược tăng lên đối với việc Ngân hàng Trung ương của Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, làm thay đổi cán cân có lợi cho khu vực này.
"Đồng đô la yếu và lợi suất ở Mỹ thấp hơn sẽ tạo thêm không gian cho các ngân hàng trung ương châu Á để nới lỏng tiền tệ, nếu các điều kiện vĩ mô trong nước cho phép cắt giảm lãi suất", Frances Cheung - chiến lược gia lãi suất tại Oversea-Chinese Banking Corp cho biết.
Các nhà đầu tư đã tăng cường đặt cược vào việc FED sẽ chuyển hướng sang cắt giảm lãi suất sau cuộc họp chính sách tuần trước, trong đó, Chủ tịch Jerome Powell ám chỉ rằng việc cắt giảm lãi suất có thể được xem xét vào tháng 9.
Thị trường hoán đổi đang định giá một đợt cắt giảm lãi suất gần 50 điểm cơ bản của FED vào tháng 9, trong khi dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy kỳ vọng về lãi suất chính sách thấp hơn trong những tháng tới đã tăng lên ở Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia.
Dữ liệu cho thấy, nền kinh tế Indonesia đã tăng trưởng cao hơn so với dự báo trong quý trước, đồng Rupiah và các đồng tiền khác trong khu vực cũng đã tăng trong phiên ngày 5/8. Các số liệu lạm phát của Philippines, Thái Lan trong tuần này sẽ giúp hình thành kỳ vọng của các nhà đầu tư về hướng đi của chính sách ở các nền kinh tế này.
Việc đồng đô la Mỹ yếu hơn sẽ giúp Indonesia đảo ngược chính sách tiền tệ sau khi nước này thực hiện chính sách tăng lãi suất vào đầu năm nay để bảo vệ đồng nội tệ. Ngân hàng trung ương Ấn Độ được dự đoán sẽ chuyển sang lập trường trung lập vào cuối tuần này, trong khi các quyết định về lãi suất của Philippines, Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc sẽ được đưa ra vào cuối tháng 8 này.
"Cho đến nay, đồng tiền của các nước ASEAN vẫn được giữ vững. Nếu tình hình này vẫn tiếp tục, thì khả năng cao Philippines sẽ cắt giảm lãi suất vào tuần tới và có thể Indonesia sẽ làm điều tương tự vào tuần sau đó", Tamara Mast Henderson, chuyên gia kinh tế của Bloomberg Economics nhận định.
Trong khi đó, thị trường trái phiếu của Trung Quốc đã tăng lên nhờ kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn.
"Các ngân hàng trung ương châu Á hiện có nhiều quyền tự chủ hơn để điều chỉnh chính sách hướng tới các mục tiêu trong nước nếu cần thiết… Một số đợt cắt giảm lãi suất có thể sắp diễn ra đối với các ngân hàng trung ương đã bị hạn chế trong năm qua”, theo báo cáo của DBS Group Holdings.
Tuy nhiên, mọi thứ vẫn chưa ổn định. Lạm phát toàn phần đã tăng lên ở Hàn Quốc và Ấn Độ trong những tháng gần đây. Vai trò trú ẩn an toàn của đồng đô la có thể phát huy tác dụng nếu thị trường tiếp tục dao động hoặc các mối đe dọa địa chính trị ở Trung Đông leo thang.
Tương tự, “Trump trade” có thể quay trở lại với các khoản đặt cược vào tài sản như đồng đô la, được coi là có lợi từ chính sách tài khóa nới lỏng hơn và thuế quan cao hơn nếu cựu tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng.
"Các ngân hàng trung ương châu Á có thể sẽ không cắt giảm lãi suất cho đến khi FED thực hiện trước … Đặc biệt là khi thị trường vẫn còn rất biến động", Jon Harrison, giám đốc điều hành chiến lược vĩ mô thị trường mới nổi tại GlobalData TS Lombard ở London dự báo.