Nhờ làm tốt công tác chỉ đạo triển khai kịp thời các chủ trương chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và địa phương, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng tạo lập dòng tiền, luân chuyển vốn không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gặp khó mà đối với các doanh nghiệp hoạt động bình thường, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng của nền kinh tế.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm 2024, ngành Ngân hàng Đồng Tháp đã nỗ lực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, thể hiện rõ sự đoàn kết, năng động, trách nhiệm, sẻ chia, đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.
Điều này sẽ có ý nghĩa lan tỏa mạnh mẽ. Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có dòng tiền và trả nợ ngân hàng tạo luân chuyển vốn và đem lại hiệu ứng tích cực đối với các doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực khác phục hồi và tăng trưởng.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp, trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành Ngân hàng tỉnh tiếp tục theo dõi, chỉ đạo triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các quy định về hoạt động ngân hàng đối với các tổ chức tín dụng. Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng, đẩy mạnh cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng; triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm, thủy sản theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước... kết quả đến cuối tháng 6/2024, huy động vốn toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh ước đạt 68.455 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 456 tỷ đồng, tăng 0,67%; dư nợ cho vay đạt 108.095 tỷ đồng, so với tháng trước tăng 520 tỷ đồng, tăng 0,48%; tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ được kiểm soát dưới 2%.
Đối với các chương trình tín dụng ưu đãi, hiện nay, hệ thống ngân hàng tại Đồng Tháp cho vay mạnh nhất vào các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 71.370 tỷ đồng; cho vay nuôi trồng, chế biến thủy sản đạt 13.555 tỷ đồng; cho vay lúa gạo đạt 14.397 tỷ đồng; cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 12.500 tỷ đồng.
Ông Vương Trí Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp cho biết, đơn vị đã yêu cầu giám đốc các tổ chức tín dụng trên địa bàn tổ chức quán triệt, phổ biến Công điện của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024; tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2024, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.
Theo đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay (tiết giảm chi phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số...); thực hiện công bố công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có).
Đồng thời, triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, các chương trình tín dụng ưu đãi phù hợp đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn; cân đối và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như: tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân... theo đăng ký tham gia của 11 ngân hàng thương mại; kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật...
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng chấp hành đúng quy định về việc niêm yết công khai tỷ giá và việc mua, bán, cho vay ngoại tệ; tiếp tục tham gia đóng góp các chương trình an sinh xã hội tại địa phương với tổng số tiền gần 5 tỷ đồng.
Ông Phan Duy Phúc, Giám đốc Vietcombank chi nhánh tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, đơn vị đã bám sát phương châm hành động và quan điểm chỉ đạo điều hành. Qua đó, tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm, đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh 6 tháng đầu năm 2024. Cụ thể, huy động vốn thị trường ước đạt 5.150 tỷ đồng, đạt 100,5% kế hoạch; dư nợ tín dụng ước đạt 9.000 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch; nợ xấu kiểm soát ở mức 0,65% trên tổng dư nợ.
Song song đó, Vietcombank còn triển khai các chương trình cho vay ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giảm chi phí, vượt qua khó khăn trong hoạt động sản suất, kinh doanh. Đơn vị cũng thực hiện triển khai mạnh mẽ các dự án chuyển đổi số; thanh toán không tiền mặt đến doanh nghiệp, người dân...
Được biết, ngành Ngân hàng Đồng Tháp đã phối hợp các đơn vị có liên quan chuyển đổi hình thức chi trả trợ cấp từ tiền mặt sang không dùng tiền mặt đối với các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ, hướng dẫn triển khai chi trả an sinh xã hội. Các tổ chức tín dụng cũng tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ thanh toán, dịch vụ thanh toán số trong các sự kiện của tỉnh... Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Tháp đã ký kết kế hoạch phối hợp với các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Bên cạnh đó, song hành với tín dụng thương mại, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh cũng được thúc đẩy để các đối tượng chính sách được thụ hưởng.
Theo báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Đồng Tháp, 5 tháng đầu năm 2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 5.661,6 tỷ đồng, tăng hơn 154,5 tỷ đồng so với năm 2023. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là gần 4.221,9 tỷ đồng; nguồn vốn huy động của tổ chức, cá nhân trên 754,5 tỷ đồng, tăng hơn 46 tỷ đồng so với đầu năm; nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương hơn 685,2 tỷ đồng, tăng 87 tỷ đồng so với năm 2023, hoàn thành 259,37% kế hoạch.
Doanh số cho vay đạt trên 723,4 tỷ đồng, với 20.776 lượt hộ vay vốn. Trong đó, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 11.677 lượt hộ; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm 5.915 lượt hộ; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 846 lượt hộ; cho vay 818 lượt hộ mới thoát nghèo, 536 lượt hộ cận nghèo, 262 lượt hộ nghèo...
Ông Phong cho biết, trong những tháng tiếp theo của năm 2024, ngành Ngân hàng Đồng Tháp sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đẩy mạnh “tín dụng xanh”.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định lãi suất huy động, lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; đẩy mạnh các giải pháp thu hút nguồn vốn huy động tại chỗ, tranh thủ nguồn vốn điều hòa từ Hội sở để đáp ứng nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tiếp tục xem xét, điều chỉnh lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, chia sẻ khó khăn với khách hàng.
Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, đảm bảo an toàn hoạt động; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm; triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng...
Cùng với đó, triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng công tác thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh...