Ký hợp đồng tín dụng cho vay 4.000 tỷ đồng với Vietnam Airlines

T.D| 07/07/2021 17:31
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - 3 ngân hàng thương mại gồm: Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) vừa chính thức ký kết hợp đồng tín dụng cho vay 4.000 tỷ đồng với Vietnam Airlines.

Số tiền 4.000 tỷ đồng nằm trong gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua vào tháng 12/2020 sẽ hỗ trợ Hãng hàng không quốc gia vượt qua khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19. Hiện tại, Vietnam Airlines đang tiếp tục triển khai các bước theo quy định liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng để có thể hoàn tất thủ tục phát hành vào cuối quý III/2021.

Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa khẳng định: Sau khi giải ngân 4.000 tỷ đồng dưới hình thức vay ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, Vietnam Airlines sẽ sử dụng nguồn lực này để thanh toán các khoản nợ quá hạn và thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất kinh doanh phát sinh tại thời điểm giải ngân, tuyệt đối không dùng cho các hoạt động đầu tư, mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Vietnam Airlines ký kết hợp đồng tín dụng với SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền 4.000 tỉ đồng. Ảnh: VGP/Phan Trang

Cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines đã và đang triển khai nhiều giải pháp tự thân nhằm cắt giảm chi phí như: Tái cơ cấu doanh nghiệp; thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo quy mô thị trường; tối ưu hóa hoạt động bảo dưỡng tàu bay; đàm phán với các nhà cung ứng giãn, hoãn thanh toán và áp dụng chính sách tiền lương trong giai đoạn COVID-19... Những giải pháp này đã tiết kiệm được một phần rất lớn chi phí cho Vietnam Airlines.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Vietnam Airlines đã kiến nghị Chính phủ gói trợ cấp trị giá 12.000 tỷ đồng, gồm việc cho vay tái cấp vốn (4.000 tỷ đồng) và phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ (8.000 tỷ đồng). Ngoài ra, trong giai đoạn trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay giai đoạn 2021-2025.

Cuối tháng 11/2020, Quốc hội đồng ý "giải cứu" Vietnam Airlines với việc cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần với ngân hàng để cho Hãng hàng không quốc gia được vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh; cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.

Cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm cho các ngân hàng để cho Vietnam Airlines vay trước ngày 31/12/2021, lãi suất 0%/năm, được trích lập dự phòng trong 3 năm. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Tháng 6/2021, đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dự kiến số lỗ của Vietnam Airlines trong quý I/2021 sẽ ở mức 4.800 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Số nợ phải trả quá hạn đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.  

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ký hợp đồng tín dụng cho vay 4.000 tỷ đồng với Vietnam Airlines
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO