Nhật Bản có thể đã chi khoảng 5 nghìn tỷ yên (32 tỷ USD) vào thứ Hai (ngày 29/4) để can thiệp vào thị trường tiền tệ, dữ liệu của ngân hàng trung ương và các nguồn thị trường hôm nay là bằng chứng rõ ràng nhất về nỗ lực của quốc gia này nhằm làm chậm sự sụt giảm nhanh của đồng Yên.
Tuy nhiên, Chính phủ Nhật Bản vẫn chưa xác nhận việc đã can thiệp sau khi đồng Yên ngày 29/4 lao dốc so với đồng USD, vượt ra khỏi ngưỡng 160, mức thấp nhất trong 34 năm, rồi nhảy lên vùng 154 trong một khoảng thời gian ngắn.
Sự can thiệp mua đồng Yên, bán USD bị nghi ngờ có thể gần bằng số tiền 5,62 nghìn tỷ Yên mà Nhật Bản đã chi cho lần can thiệp thị trường vào ngày 21/10/2022, khoản can thiệp lớn nhất trong một ngày từ trước đến nay. Nhật Bản đã tiến hành 3 lần can thiệp thị trường ngoại hối trong năm 2022, với tổng trị giá gần 9,2 nghìn tỷ Yên.
Con số mới nhất được tính toán bằng cách xem xét sự khác biệt giữa ước tính số dư tài khoản vãng lai của khu vực tư nhân tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và số liệu do chính Ngân hàng Trung ương cung cấp.
BOJ công bố ước tính số dư tài khoản vãng lai hằng ngày và báo cáo sửa đổi cuối cùng hai ngày làm việc sau đó. Ngày 30/4, BOJ cho biết ước tính tài khoản vãng lai của mình sẽ giảm 7,56 nghìn tỷ Yên do các yếu tố tài chính, lớn hơn nhiều so với mức giảm từ 2,05 - 2,3 nghìn tỷ Yên mà các nguồn thị trường dự đoán. Khoảng cách này có thể cho thấy quy mô can thiệp thị trường.
Theo thông lệ, Bộ Tài chính sẽ công bố dữ liệu về can thiệp tiền tệ vào cuối tháng 5, số liệu của khoảng một tháng từ ngày 26/4 đến ngày 29/5.
Bất chấp thị trường cho rằng Nhật Bản đã can thiệp để làm chậm sự suy yếu nhanh chóng của đồng Yên, nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu của nước này, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Masato Kanda vẫn chưa công khai xác nhận điều này.
Tuy nhiên, ông cho biết tác động tiêu cực đến sinh kế của người dân do sự biến động quá mức của đồng Yên là “không thể chấp nhận được”.
Đồng USD được giao dịch quanh mức 157 Yên trong hầu hết ngày hôm nay do nghi ngờ có sự can thiệp của chính phủ Nhật Bản khiến những thành viên tham gia thị trường thận trọng.
Sự sụt giảm của đồng Yên được đẩy nhanh hơn bởi những bình luận của Chủ tịch BOJ Kazuo Ueda vào tuần trước cho thấy ông không quan tâm đến sự sụt giảm của đồng nội tệ.
Chênh lệch lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ là nguyên nhân chính làm suy yếu đồng Yên, kể từ khi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.
BOJ, vốn đã tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên sau 17 năm vào tháng 3 vừa rồi, dự kiến sẽ giữ vững lập trường chính sách hỗ trợ trong thời điểm hiện tại.