Nhìn ra thế giới

Đồng Yên phục hồi mạnh sau lần đầu tiên trượt qua mốc 160 Yên/USD kể từ năm 1990, nghi ngờ có sự can thiệp của BOJ

H.Y 29/04/2024 21:16

Đồng Yên bất ngờ có sự dao động mạnh trong điều kiện thị trường yếu đi trong kỳ nghỉ lễ, vượt qua mức 160 Yên/USD để chạm mức yếu nhất trong 34 năm trước, sau đó mọi khoản lỗ trong ngày đã được xoá sạch khi có sự phục hồi mạnh mẽ, trở lại mức 155,01 Yên/USD. Các nguồn tin thương mại cho biết các ngân hàng Nhật Bản đã bán đồng USD để lấy đồng Yên.

Các động thái này diễn ra trong bối cảnh thanh khoản yếu do đang là ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản, là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang lo lắng khi cân nhắc giữa triển vọng can thiệp chính thức với rủi ro từ những bình luận diều hâu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào cuối tuần này.

Rodrigo Catril, chiến lược gia tại Ngân hàng Quốc gia Úc, cho biết: “Thị trường rất biến động và không có nhiều thanh khoản, đồng Yên trở thành một món đồ chơi sắc bén”.

Ngân hàng trung ương của Mỹ dự kiến ​​tổ chức một cuộc họp chính sách trong tuần này, trong đó có thể đưa ra tín hiệu về sự cần thiết phải giữ lãi suất ở mức cao trong bối cảnh lạm phát vẫn dai dẳng - một động thái có thể hỗ trợ đồng USD và làm giảm sức hấp dẫn của tài sản bằng đồng Yên. Nhưng đằng sau những nguyên tắc cơ bản dẫn đến đồng Yên yếu hơn là rủi ro Nhật Bản sẽ hỗ trợ đồng tiền của mình, như đã làm vào năm 2022.

Fiona Lim, chiến lược gia cấp cao tại Malayan Banking, cho biết: “Nếu không có sự can thiệp, sẽ rất nguy hiểm nếu tóm đúng phải “dao đang rơi”, đặc biệt là khi FED có thể sẽ ra tín hiệu chờ đợi lâu hơn để cắt giảm lãi suất”. Động lực để tỷ giá Yên/USD di chuyển một cách dứt khoát trên mức 160 đã khá rõ và các thị trường đang kiểm tra khả năng chịu đựng của Nhật Bản đối với sự sụt giảm mạnh của đồng Yên.”

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuần trước cho biết các điều kiện tài chính sẽ vẫn dễ dàng, mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã nhiều lần cảnh báo rằng việc phá giá đồng Yên sẽ không được chấp nhận nếu đồng tiền này giảm giá quá nhanh và quá nhiều. Đầu tháng này, Bộ trưởng Tài chính của Nhật Bản cũng nêu lên mối lo ngại về sự sụt giảm của đồng Yên với người đồng cấp tại Mỹ, bà Janet Yellen, điều mà những người tham gia thị trường coi lời nói đó đặt nền tảng cho sự can thiệp.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Masato Kanda đã đưa ra một ví dụ về sự biến động được coi là nhanh khi đồng Yên giảm 10 đơn vị trong một tháng. Đồng tiền của Nhật Bản đã suy yếu khoảng 8 Yên cho mỗi một USD trong tháng trước, nhưng chỉ trong tuần trước đã giảm hơn 2% và giảm hơn 10% tính đến thời điểm hiện tại.

Ông Kanda nói với các phóng viên: “Những động thái này là quá mức và được dẫn dắt bởi các nhà đầu cơ”, đồng thời cho biết thêm rằng tác động tiêu cực của những biến động nhanh chóng như vậy đối với nền kinh tế “không thể chấp nhận được”.

Đồng Yên của Nhật Bản chịu áp lực bán mạnh tăng lên sau khi BOJ quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ tại cuộc họp hội đồng chính sách cuối tuần trước.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết trong cuộc họp báo sau cuộc họp rằng ông hiện không thấy tác động lớn nào từ sự sụt giảm mạnh gần đây của đồng Yên đối với giá cả, ngay cả khi đồng Yên yếu hơn làm tăng chi phí nhập khẩu.

Prashant Newnaha, chiến lược gia cấp cao về lãi suất châu Á-Thái Bình Dương của TD Securities tại Singapore, cho biết: “Tốc độ và cường độ của việc lấy lại mốc 155 từ mốc 160 mà không động lực rõ ràng cho thấy đã có sự can thiệp chính thức”. “Thời điểm không thể tốt hơn với tính thanh khoản thấp trong kỳ nghỉ lễ ở Nhật Bản".

Nicholas Chia, chiến lược gia vĩ mô châu Á của Ngân hàng Standard Chartered ở Singapore cho biết, động thái này thể hiện sự can thiệp của chính quyền và “khó có thể là động thái chỉ diễn ra một lần”.

“Với cuộc họp của Uỷ ban thị trường mở của FED (FOMC) và báo cáo việc làm được công bố trong tuần này, chúng ta có thể mong đợi nhiều động thái tiếp theo hơn từ Bộ Tài chính nếu tỷ giá Yên/USD lại xuống mức 160. Theo một nghĩa nào đó, mức 160 đại diện cho ngưỡng chịu đựng hoặc một ranh giới mới đối với cơ quan chức năng."

Tuy nhiên, chính quyền Nhật Bản tỏ ra miễn cưỡng hành động. Một lý do cho điều này có thể là sự can thiệp đơn thuần không thể làm thay đổi khoảng cách lớn về lãi suất, một phần nguyên nhân khiến đồng Yên sụt giảm. Mặc dù BOJ đã đưa lãi suất chính sách ra khỏi vùng âm, nhưng chúng vẫn còn cách xa mức có thể thu hút các nhà đầu tư khi lợi suất cao hơn được chào mời ở Mỹ và các quốc gia khác.

Vincent Chung, Phó giám đốc danh mục đầu tư tại T. Rowe Price, cho biết: “Tốc độ giảm giá hiện tại thấp hơn so với năm 2022 nên phản ứng can thiệp có thể ít gay gắt hơn”. “Ngoài ra, các thành viên thị trường đã đánh giá khả năng can thiệp của các cơ quan chức năng chỉ có sau cuộc họp của BOJ vào tháng 5”.

Theo các nhà giao dịch ở châu Á, việc đặt cược vào thị trường quyền chọn đã giúp làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của đồng Yên lần này, với các rào cản chống lại đồng USD và đồng Euro được nhắm đến vì rủi ro can thiệp có thể thấp trong kỳ nghỉ lễ ở Nhật Bản. So với đồng Euro, đồng Yên đã giảm xuống mức hơn 170 Yên/Euro, mức yếu nhất kể từ khi đồng tiền chung châu Âu được ra đời.

Homin Lee, chiến lược gia vĩ mô cấp cao tại Lombard Odier ở Singapore, cho biết: “Áp lực sẽ tiếp tục đè lên đồng Yên cho đến khi nhận được dữ liệu tăng trưởng và lạm phát ảm đạm hơn ở Mỹ cũng như sự chuyển hướng diều hâu rõ ràng hơn ở BOJ”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Yên phục hồi mạnh sau lần đầu tiên trượt qua mốc 160 Yên/USD kể từ năm 1990, nghi ngờ có sự can thiệp của BOJ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO