Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhà thơ tỉnh Tiền Giang Bảo Định Giang đã ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Trong tâm thức của nhà thơ Bảo Định Giang, Chủ tịch Hồ Chí Minh là đại diện những gì cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. Người là vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc đã soi đường dẫn lỗi cho “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!” (thơ Nguyễn Đình Thi) làm cách mạng chống thực dân phong kiến và vươn lên xây dựng cuộc đời mới tươi đẹp trong chế độ mới của dân, do dân, vì dân.
Khắc ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nam Bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, Nhân dân miền Nam kết thành một “Thành đồng Tổ quốc” kháng chiến chống thực dân Pháp quay trở lại xâm lược. Khi thực dân Pháp đổ quân xuống Điện Biên Phủ, miền Nam đánh mạnh hơn để phân tán lực lượng... Miền Nam cùng miền Bắc kết “vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” khiến thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phải thất bại nhục nhã.
Trong ách kìm kẹp của chế độ Mỹ - ngụy, đồng bào miền Nam luôn nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Trước khi xung trận, những chiến sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam hướng về ảnh Người tuyên thệ để thêm niềm quyết tâm. Trong ngục tù, những chiến sỹ quả cảm của cách mạng mỗi ngày luôn nhẩm đọc lời Người dạy để tiếp thêm niềm tin chiến đấu. Anh Nguyễn Văn Trỗi (Quảng Nam), người anh hùng tiêu biểu cho cả lớp người yêu nước ở miền Nam đã mang hình ảnh Bác trong trái tim của mình. Khi bị Mỹ- ngụy xử bắn, anh Trỗi đã hô to ba lần “Hồ Chí Minh muôn năm!” thể hiện tấm lòng kiên trung, son sắt với sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh mất (tháng 9/1969), Nhân dân miền Nam nghẹn ngào, đau đớn. Bất chấp mọi hiểm nguy đến tính mạng, đồng bào miền Nam tổ chức Lễ Truy điệu Người, lập bàn thờ Người ở chiến khu, ở ngay trong ấp chiến lược, ở ngay trong nhà, dưới hầm bí mật... Chỉ tính vùng đồng bằng sông Cửu Long trong 4 tháng cuối năm 1969 có gần 30 đền thờ Bác Hồ. Trong bài “Đền thờ Bác Hồ ở chót mũi Cà Mau”, nhà thơ tỉnh Tiền Giang Diệp Minh Tuyền đã viết: “Ở tận cùng mũi đất phương Nam/ Trong xanh rờn rừng đước/ Giữa ba bề rì rầm sóng nước/ Người quê tôi theo cách riêng mình/ Dựng một ngôi đền/ Thờ Bác kính yêu”.
Nhà thơ tỉnh Quảng Nam Thu Bồn cũng đã nói thay Nhân dân miền Nam tri ân công lao Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiếc rằng trước lúc chia ly/ Con chưa thấy được dáng đi của Người/ Hẳn trong đôi mắt sáng ngời/ Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam…/ Việt Nam ơi giống Tiên Rồng/ Bốn nghìn năm lấy máu hồng làm hoa/ Gửi lòng con đến cùng Cha/ Chiến công đất nước kết hoa triệu vòng”. Đó là tấm lòng chân thành với vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc trong bài thơ “Gửi lòng con đến cùng Cha” được nhà thơ Thu Bồn viết ngay trong tháng 9/1969.
Ngay trong tháng 9/1969, sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam qua đời, 5 tộc người dân tộc thiểu số bao gồm Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Bru – Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quyết định mang họ Bác Hồ. Trong bài thơ “Bác ơi!” viết vào ngày 6/9/1969, nhà thơ xứ Huế Tố Hữu đã xúc động dâng trào: “Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha!”.
Bà Phạm Thị Thu Hồng, sinh năm 1941, quê quán xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, kể lại: “Năm 1969, Đoàn văn công quân giải phóng Trị Thiên - Huế chúng tôi được ra an dưỡng ở miền Bắc… Lúc này Bác đã ốm nặng, nghe tin đoàn chúng tôi ra, nhưng đi an dưỡng ở Hạ Long chưa về Bác đã gọi điện cho các đồng chí Trung ương dặn phải chăm sóc Đoàn cẩn thận từ khâu ăn uống, thuốc men, áo quần... Chúng tôi vô cùng cảm động khi biết rằng Bác dù đang ốm vẫn không nguôi lo nghĩ việc nước, vẫn quan tâm chăm lo đến đời sống và sinh hoạt của tất cả mọi người, trong đó có đoàn văn công quân giải phóng chúng tôi. Chúng tôi an dưỡng ở Hạ Long được khoảng mười ngày thì được tin Bác mất, cả Đoàn chúng tôi lặng người. Tin Bác qua đời đối với chúng tôi quá đột ngột. Đoàn chúng tôi được về Hà Nội dự lễ tang Bác. Anh chị em trong Đoàn nhiều người quá thương tiếc Bác đã ngất đi. Riêng tôi lòng đau như cắt, hình ảnh của Bác thân thương, gần gũi hiện về trước mắt tôi”.
Biến muôn vàn đau thương thành quyết tâm cách mạng theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy lúc sinh thời, Nhân dân miền Nam cùng với quân dân cả nước chiến đấu anh dũng, kiên cường, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Vào 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Đó chính là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng và miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Tháng 4/1976, nhà thơ Viễn Phương (tỉnh An Giang) ra thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một cảm xúc đang trào: “Bác nằm trong giấc ngủ bình yên/ Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền/ Vẫn biết trời xanh là mãi mãi/ Mà sao nghe nhói ở trong tim/ Mai về miền Nam thương trào nước mắt/ Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác/ Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây/ Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” (Viếng lăng Bác).
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 2/7/1976) đã xem xét và thảo luận rằng: Nhân dân Thành phố Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người; trong công cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, Thành phố Sài Gòn - Gia Định đã không ngừng phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, lập được nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Do đó, Quốc hội đã Quyết nghị: “Chính thức đặt tên Thành phố Sài Gòn - Gia Định là Thành phố Hồ Chí Minh”.
Cảm nhận sâu sắc về tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với miền Nam, đồng chí Trần Bạch Đằng (Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định giai đoạn 1968 – 1971) khẳng định rằng: “Đối với miền Nam, vai trò lãnh tụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 30 năm chiến tranh khốc liệt và mãi mãi là không thể thay thế. Đó là vai trò của trí tuệ, của tấm lòng, của thái độ đối với cuộc sống. Đó là biểu tượng chân, thiện, mỹ; biểu tượng của hào khí và đức độ. Bác Hồ thuyết phục và cảm hóa. Bác Hồ là gắn chặt truyền thống dân tộc với điều kiện hiện đại, hòa lẫn cái tinh anh của quá khứ với cái tân kỳ của thế kỷ 20”[1].