Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam: Nhìn từ hoạt động thẻ ngân hàng

TS. Nguyễn Cảnh Hiệp| 09/05/2023 06:51
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Bài viết nghiên cứu tình hình phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng từ khi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 22/1/2020).

Tóm tắt: Bài viết nghiên cứu tình hình phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng từ khi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 22/1/2020). Trên cơ sở phân tích những kết quả đạt được trong việc phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng từ đầu năm 2020 đến nay, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm mở rộng hơn nữa số lượng thẻ ngân hàng được phát hành và sử dụng để giao dịch thanh toán, hướng tới đạt được mục tiêu về thanh toán không dùng tiền mặt mà Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đã đặt ra.

Promoting Financial Inclusion in Vietnam: A Perspective from Bank Card Activity

Abstract: This article reviews the reality of issuance and transaction using bank cards since the National Financial Inclusion Strategy to 2025 with orientation to 2030 approved by the Prime Minister on January 22, 2020. Based on analyzing the results achieved in the issuance and use of bank cards from the beginning of 2020 up to now, the author makes some recommendations to further expand number of bank cards issued and used for payment transactions, towards achieving the goal of non-cash payments set out by the National Financial Inclusion Strategy.

1. Đặt vấn đề

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020 đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20-25% hằng năm.

Tại Việt Nam, theo quy định của pháp luật hiện hành, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán bao gồm: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Điều đó có nghĩa, thẻ ngân hàng là một loại phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt và việc mở rộng giao dịch thanh toán sử dụng thẻ ngân hàng cũng là góp phần thực hiện mục tiêu về thanh toán không dùng tiền mặt được đặt ra tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Chính vì vậy, song song với việc đẩy mạnh hoạt động thanh toán bằng các phương tiện giao dịch không sử dụng tiền mặt khác, việc mở rộng phát hành thẻ ngân hàng cũng như đẩy mạnh hoạt động thanh toán sử dụng thẻ ngân hàng là những giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

2. Thực trạng hoạt động phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán từ khi thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, thẻ ngân hàng bao gồm thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng và thẻ trả trước, do ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc công ty tài chính phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thoả thuận.

Bảng 1. Các chủ thể phát hành thẻ ngân hàng ở Việt Nam

Nguồn: Tổng hợp từ Thông tư số 19/2016/TT-NHNN

Đối tượng được sử dụng thẻ ngân hàng có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Mặc dù các đối tượng này có sự thay đổi qua một số lần điều chỉnh chính sách của NHNN, song nhìn chung, đối tượng được sử dụng thẻ ngân hàng ngày càng được mở rộng. Theo đó, tổ chức sử dụng thẻ ngân hàng theo quy định hiện hành có thể có hoặc không có tư cách pháp nhân, còn cá nhân sử dụng thẻ ngân hàng bao gồm những người từ đủ 15 tuổi trở lên không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, người từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng được sử dụng thẻ ngân hàng với tư cách là chủ thẻ phụ nếu được người đại diện theo pháp luật của mình đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ. Trong các đối tượng này, những tổ chức và cá nhân là chủ thẻ ghi nợ đều phải có tài khoản thanh toán mở tại tổ chức phát hành thẻ.

Bảng 2. Đối tượng được sử dụng thẻ ngân hàng theo quy định hiện hành

Nguồn: Tổng hợp từ các thông tư liên quan của NHNN

1. Theo quy định tại Thông tư số 26/2017/TT-NHNN của NHNN, trường hợp đối tượng sử dụng thẻ là người nước ngoài thì phải được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên.

2. Trước đây, theo quy định của NHNN tại Thông tư số 19/2016/TT-NHNN, các chủ thẻ chính từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong việc sử dụng thẻ, và chỉ được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước.

3. Theo quy định tại Thông tư số 02/2019/TT-NHNN của NHNN, tổ chức được mở tài khoản thanh toán gồm: pháp nhân, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và các tổ chức khác được mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của pháp luật.

4. Trước đây, theo quy định của NHNN tại Thông tư số 19/2016/TT-NHNN, các chủ thẻ phụ từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý bằng văn bản về việc sử dụng thẻ.

5. Trước đây, theo quy định của NHNN tại Thông tư số 19/2016/TT-NHNN, các chủ thẻ phụ từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 chỉ được sử dụng thẻ ghi nợ không được thấu chi, thẻ trả trước

Với hành lang pháp lý được quy định như trên, trong những năm gần đây, việc phát hành thẻ ngân hàng đã được các ngân hàng và công ty tài chính thực hiện một cách rộng rãi. Kết quả là, số lượng thẻ ngân hàng không ngừng tăng lên mỗi năm với tốc độ khá cao. Thống kê của NHNN cho thấy, nếu như tại thời điểm đầu năm 2020, cả nước chỉ có 99 triệu thẻ ngân hàng lưu hành thì đến hết quý I/2022, số thẻ ngân hàng lưu hành đã tăng lên gấp 1,34 lần, đạt 133 triệu thẻ. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi quý, số lượng thẻ ngân hàng lưu hành tăng thêm 3,3%. Còn tính riêng trong 2 năm 2020-2021, số lượng thẻ ngân hàng lưu hành tăng bình quân 14,3%/năm, trong đó năm 2020 tăng 12,1%, còn năm 2021 tăng 16,5%. (Hình 1)

Hình 1. Số lượng thẻ ngân hàng lưu hành từ năm 2020 đến nay

Nguồn: NHNN

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát hành thẻ ngân hàng như trên, từ khi Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được thực hiện đến nay, các ngân hàng cũng không ngừng đầu tư trang bị thêm các thiết bị giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng như máy giao dịch tự động (ATM) và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS). Thống kê cho thấy, tại thời điểm cuối năm 2019, số lượng ATM và POS của toàn hệ thống ngân hàng là 296.941 thiết bị, trong đó có 19.178 ATM và 277.754 POS, song đến hết quý I/2022, đã có thêm 64.466 thiết bị giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng được trang bị, trong đó có 1.363 ATM và 63.103 POS, đưa tổng số thiết bị giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng lên 361.407 chiếc, tăng 21,7% so với cuối năm 2019. Nếu thống kê theo năm, thì trong giai đoạn 2020-2021, mỗi năm số lượng ATM và POS tăng thêm 7,6%. (Hình 2)

Hình 2. Số lượng ATM và POS từ năm 2020 đến nay

Nguồn: NHNN

Đi cùng với sự tăng trưởng về số lượng thẻ ngân hàng và thiết bị giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng như trên, trong hơn 2 năm thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, quy mô các giao dịch thanh toán sử dụng thẻ ngân hàng cũng tăng lên đáng kể. Số liệu thống kê cho thấy, nếu trong quý I/2020, số lượng giao dịch thanh toán nội địa sử dụng thẻ ngân hàng mới chỉ đạt hơn 85,9 triệu món thì đến quý I/2022, con số này đã tăng lên gấp 2,1 lần, đạt hơn 181 triệu món. Nếu thống kê theo năm, thì trong giai đoạn 2020-2021, tốc độ tăng trưởng số lượng giao dịch thanh toán nội địa sử dụng thẻ ngân hàng đạt bình quân 24%/năm. (Hình 3)

Hình 3. Quy mô giao dịch thanh toán nội địa sử dụng thẻ ngân hàng từ năm 2020 đến nay

Nguồn: NHNN

Có nhiều nguyên nhân giải thích cho sự tăng trưởng mạnh về quy mô phát hành thẻ và giao dịch thanh toán sử dụng thẻ ngân hàng trong thời gian qua. Bên cạnh việc NHNN mở rộng đối tượng được mở tài khoản thanh toán và sử dụng thẻ ngân hàng (chẳng hạn, không yêu cầu cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi phải có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong việc mở tài khoản thanh toán hoặc sử dụng thẻ ngân hàng) cũng như đơn giản hoá các quy định về thủ tục mở tài khoản thanh toán và phát hành thẻ ngân hàng (chẳng hạn, cho phép mở tài khoản thanh toán và phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử), sự tăng trưởng về phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng còn bắt nguồn từ những nỗ lực của các ngân hàng trong việc thực hiện các giải pháp được đề ra theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cũng như các văn bản hướng dẫn của NHNN, như phát triển các ứng dụng ngân hàng điện tử có chức năng mở tài khoản thanh toán và phát hành thẻ, không thu phí mở tài khoản và phát hành thẻ, miễn phí quản lý tài khoản, phí thường niên hoặc phí rút tiền đối với một số đối tượng sử dụng thẻ, mở rộng lắp đặt hệ thống ATM và POS…

Sự tăng lên của quy mô giao dịch thanh toán sử dụng thẻ ngân hàng như trên, đã góp phần tích cực vào việc làm tăng quy mô giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của cả nền kinh tế. Nếu như trong quý I/2020 chỉ có hơn 534 triệu giao dịch thanh toán nội địa không dùng tiền mặt được thực hiện thì đến quý I/2022 con số này đã tăng lên 2,7 lần, đạt hơn 1.462 triệu món. Bình quân trong giai đoạn 2020-2021, số lượng giao dịch thanh toán nội địa không dùng tiền mặt đã tăng thêm 52,8%/năm. (Hình 4)

Hình 4. Quy mô giao dịch thanh toán nội địa không dùng tiền mặt từ năm 2020 đến nay

Nguồn: NHNN

Nếu xét về tốc độ tăng trưởng, trong giai đoạn 2020-2021, số lượng giao dịch thanh toán sử dụng thẻ ngân hàng chỉ tăng bình quân 24%/năm, thấp hơn so với tốc độ tăng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (bình quân 52,8%/năm). Đồng thời, tỷ trọng giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng trong giao dịch này cũng có xu hướng giảm dần, từ 19% trong năm 2019 giảm xuống còn 15,4% trong năm 2020 và tiếp tục hạ xuống 12,5% trong năm 2021. Những diễn biến tiêu cực này có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân: nhưng đáng kể đến là tác động của các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó có những biện pháp gây khó khăn cho việc sử dụng thẻ ngân hàng để giao dịch như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tụ tập đông người, hạn chế thời gian hoạt động của các cơ sở kinh doanh… Tuy nhiên, kể từ quý IV/2021, sau khi các biện pháp ứng phó với dịch bệnh được điều chỉnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/20/2021 của Chính phủ quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tốc độ tăng số lượng giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng luôn cao hơn so với tốc độ tăng số lượng giao dịch của các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác (séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, hối phiếu, lệnh phiếu, thư tín dụng nội địa, giấy chuyển tiền, giấy chuyển khoản), đồng thời tỷ trọng số lượng giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng trong tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng dần lên. (Hình 5)

Hình 5. Tốc độ tăng và tỷ trọng của giao dịch thanh toán nội địa sử dụng thẻ ngân hàng từ năm 2020 đến nay

Nguồn: NHNN

Số liệu trình bày trên Hình 5 cho thấy trong quý III/2021, trong khi số lượng giao dịch sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác tăng 5,3% thì số lượng giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng lại giảm 22,2%. Tuy nhiên, sang quý IV/2021 và quý I/2022, trong khi số lượng giao dịch sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt khác tăng với tốc độ lần lượt là 38,4% và 10% thì số lượng giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng lại tăng với tốc độ cao hơn, tương ứng là 39,3% và 26,2%. Cùng với đó, tỷ trọng số lượng giao dịch thanh toán nội địa sử dụng thẻ ngân hàng trong tổng số lượng giao dịch thanh toán nội địa không dùng tiền mặt cũng lần lượt tăng lên 11% trong quý IV/2021 và 12,4% trong quý I/2022, cao hơn so với tỷ trọng 10,9% của quý III/2021. Điều này cho thấy, thẻ ngân hàng tiếp tục có đóng góp quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế theo mục tiêu đặt ra của Chiến lược tài chính toàn diện.

 3. Một số vấn đề đặt ra trong phát triển hoạt động thẻ ngân hàng theo Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia

Tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, một trong những quan điểm được nhấn mạnh là lấy ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo làm thành tố quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện. Chiến lược này cũng đưa ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu về phổ cập các dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có những giải pháp được kỳ vọng làm cho việc sử dụng dịch vụ thanh toán của người dân và doanh nghiệp trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn, như: thực hiện xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử trực tuyến (e-KYC); đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động; sắp xếp, phát triển hợp lý mạng lưới ATM và POS; khuyến khích cung cấp tài khoản thanh toán không chịu phí duy trì tài khoản và số dư tài khoản tối thiểu; khuyến khích phát triển các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…

Đối chiếu với các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nói trên, có thể thấy việc sửa đổi, bổ sung chính sách của NHNN về hoạt động thẻ ngân hàng cũng như việc triển khai các giải pháp của các ngân hàng nhằm phát triển hoạt động thẻ ngân hàng trong những năm gần đây đã được thực hiện phù hợp với nội dung của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Tuy nhiên, nếu đặt trong mối quan hệ tổng thể với hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế, số lượng giao dịch sử dụng thẻ ngân hàng có tỷ trọng còn khiêm tốn và tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của các loại phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Trong khi đó, nếu đứng trên quan điểm về ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo được đưa ra tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, thì thẻ ngân hàng và hoạt động giao dịch thanh toán sử dụng thẻ ngân hàng có thể được coi là thành tố rất quan trọng thúc đẩy tài chính toàn diện nói chung và dịch vụ thanh toán nói riêng, bởi đây là sản phẩm có hàm lượng công nghệ rất cao. Chính vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh phát hành thẻ ngân hàng cùng với mở rộng quy mô giao dịch sử dụng loại phương tiện thanh toán này trong thời gian tới cần tiếp tục được coi là một giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của nền kinh tế nhằm đạt được mục tiêu được đặt ra tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Để đáp ứng được yêu cầu này, bên cạnh việc tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định của NHNN để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động thẻ ngân hàng, việc triển khai thực hiện các giải pháp được đề ra tại Chiến lược tài chính quốc gia cần có sự nỗ lực rất lớn của các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng cần từng bước mở rộng thực hiện một số giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng, như:

- Bố trí thêm thiết bị giao dịch cho thẻ ngân hàng tại các địa bàn có điều kiện khó khăn, mở rộng lắp đặt các ATM có chức năng gửi tiền và phát hành thẻ để thuận tiện cho khách hàng khi có nhu cầu phát hành thẻ hoặc nộp tiền vào tài khoản phục vụ việc giao dịch thanh toán bằng thẻ ngân hàng;

- Đa dạng hoá tiện ích và đơn giản hoá giao diện của các ứng dụng ngân hàng điện tử trên điện thoại thông minh để thu hút nhiều khách hàng sử dụng các ứng dụng này trong việc mở tài khoản, phát hành thẻ, nộp tiền;

- Xem xét tiếp tục giảm hoặc miễn các loại phí liên quan đến việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán cũng như phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng (phí mở tài khoản, phí duy trì tài khoản, phí phát hành thẻ, phí rút tiền, phí chuyển tiền,…), đặc biệt là đối với những khách hàng thuộc đối tượng có thu nhập không cao (học sinh, sinh viên, công nhân, người về hưu…);

- Mở rộng liên kết và miễn hoặc giảm phí giao dịch tại ATM của các ngân hàng ngoài hệ thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng của các ngân hàng được sử dụng ATM của ngân hàng khác để giao dịch…

Việc thực hiện các giải pháp nói trên trước mắt có thể làm tăng thêm chi phí đầu tư hoặc giảm bớt một phần thu nhập của các tổ chức tín dụng từ các khoản phí. Tuy nhiên, về lâu dài, khi lượng khách hàng mở tài khoản thanh toán cũng như phát hành và sử dụng thẻ ngân hàng tăng lên, các khoản chi phí đầu tư tăng thêm hoặc thu nhập bị sụt giảm nói trên sẽ được bù đắp lại bằng những lợi ích khác mà các ngân hàng thu được qua việc sử dụng lượng tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản thanh toán (CASA) với giá rẻ hoặc qua các khoản phí phát sinh từ việc sử dụng thẻ của khách hàng cũng như các khoản thu phát sinh từ việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng khác.

Tài liệu tham khảo:

- NHNN (2020), Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-NHNN ngày 28/12/2020 về Thông tư hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán

- NHNN (2021), Văn bản hợp nhất số 15/VBHN-NHNN ngày 17/12/2021 về Thông tư quy định về hoạt động thẻ ngân hàng

- NHNN (2022), Thống kê về hoạt động thanh toán, truy cập ngày 20/7/2022 tại https://www.sbv.gov.vn/webcenter/portal/vi/menu/trangchu/tk/hdtt/

- Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 17 năm 2022

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam: Nhìn từ hoạt động thẻ ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO