Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, dù tiến độ thu ngân sách cơ bản bám sát dự toán, tuy nhiên số thu đang cho thấy dấu hiệu giảm mạnh. Tháng 8 năm 2023 thu ngân sách nhà nước (NSNN) giảm 60 nghìn tỷ đồng mức thu bình quân 7 tháng đầu năm. Lũy kế 8 tháng thu ngân sách nhà nước giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Đó là những số liệu được đưa ra tại Hội nghị giao ban công tác tháng 8/2023 và triển khai nhiệm vụ tháng 9/2023 của Bộ Tài chính vào chiều ngày 07/9 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính.
Thu nội địa tăng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 8 tháng thu NSNN ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán năm. Số thu này so với cùng kỳ năm 2022 đã giảm 8,8%. Thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 72,8% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 65,5% dự toán.
Trong đó, thu NSNN tháng 8/2023 ước đạt 88 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán, bằng 59,5% (giảm 60 nghìn tỷ đồng) mức thu bình quân 7 tháng đầu năm.
Cụ thể, thu nội địa ước đạt 71,8 nghìn tỷ đồng, bằng 5,4% dự toán. Tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm thấp, hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm mạnh; thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường xuất khẩu khó khăn; kết hợp với thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất mới ban hành làm giảm thu ngân sách. Số thu nội địa tháng 8 giảm khoảng 50,9 nghìn tỷ đồng so với mức thu bình quân 7 tháng đầu năm.
Thu từ dầu thô tháng 8/2023 ước đạt 4,4 nghìn tỷ đồng, bằng 10,5% dự toán. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt khoảng 11,8 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 27 nghìn tỷ đồng, bằng 6,4% dự toán, bằng 88,8% mức thu bình quân 7 tháng đầu năm, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ trong tháng khoảng 15,2 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế 8 tháng, thu NSNN ước đạt 1.124,5 nghìn tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán, giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 72,8% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 65,5% dự toán).
Thu nội địa ước đạt gần 931 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2022; không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước, số thu thuế, phí nội địa ước đạt 69,6% dự toán, giảm 0,3% so với cùng kỳ.
Lũy kế 8 tháng thu từ dầu thô ước đạt khoảng 39,7 nghìn tỷ đồng, bằng 94,6% dự toán, giảm 25,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng qua ước đạt 153,6 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Về số thu nội địa, đến hết tháng 8/2023, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán. Trong đó, các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh chiếm 53,3% dự toán tổng số thu nội địa, ước đạt 70,3% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp (chiếm gần 48% tổng số thu từ khu vực sản xuất - kinh doanh) đạt khá so dự toán và tăng 23,4% so với cùng kỳ, do doanh nghiệp đã tạm nộp 4/5 kỳ theo quy định, thì số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 91,6% cùng kỳ. Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 84% dự toán, tăng 20,1% so với cùng kỳ; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 94,9% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ...
Có 3 khoản thu không đạt tiến độ dự toán, gồm thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 37,2% dự toán, giảm 32,3% so cùng kỳ; các loại phí, lệ phí ước đạt 63,4% dự toán, giảm 12,2% so với cùng kỳ; các khoản thu về nhà, đất ước đạt 45,6% dự toán, giảm 54,2% so với cùng kỳ.
Về số thu trên địa bàn, ước tính có 27/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng đạt trên 68% dự toán; 9/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ; trong khi có tới 54 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.
Số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm là do hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng giảm so cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tính đến ngày 15/8/2023 đạt 402,6 tỷ USD, giảm 13,4%; trong đó kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá có thuế giảm 19,9% so với cùng kỳ.
Tổng thu do cơ quan thuế và hải quan quản lý có dấu hiệu giảm
Báo cáo tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành cho biết, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý ước thực hiện tháng 8/2023 là khoảng 85.980 tỷ đồng, đạt 6,3% dự toán pháp lệnh. Tổng thu lũy kế 8 tháng đầu năm 2023 do cơ quan Thuế quản lý ước đạt 973.000 tỷ đồng, bằng 70,9% dự toán pháp lệnh.
Đánh giá kết quả thu 8 tháng đầu năm 2023, Tổng cục trưởng cho biết nhìn chung về tổng thể tiến độ thu ngân sách 8 tháng đầu năm 2023 vẫn cơ bản đảm bảo tiến độ, “bám sát so với dự toán”.
Tuy nhiên, trước những tác động tiêu cực của tình hình chính trị, kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu của Việt Nam, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành bày tỏ lo ngại về những dấu hiệu giảm thu. Nếu loại trừ số thu phát sinh đột biến, thì từ tháng 1 đến nay số thu ngân sách do ngành Thuế quản lý giảm. Nếu như tháng 1/2023, số thu đạt 94 nghìn tỷ đồng, thì đến tháng 8/2023 chỉ còn 75 nghìn tỷ đồng.
Về công tác hoàn thiện xây dựng văn bản quy pháp pháp luật, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, Tổng cục Thuế tiếp tục rà soát sửa Luật Thuế GTGT về quy định hoàn thuế GTGT; về sửa Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2022 của Chính phủ quy định về hóa đơn, Tổng cục Thuế đang triển khai theo tiến độ và đang lấy ý kiến các bộ, ban, ngành.
Đối với công tác hoàn thuế GTGT, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành văn bản chỉ đạo Cục Thuế trên toàn quốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, qua đó tính hết tháng 8/2023 kết quả hoàn thuế GTGT đạt trên 90% so với cùng kỳ năm 2022.
Về kết quả triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền tính đến ngày 31/08/2023 đã có 31.060 doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền, số lượng hóa đơn có mã khởi tại từ máy tính tiền là 24,61 triệu hóa đơn.
Trong thời gian qua, công tác ứng dụng CNTT để ngăn chặn việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp đã có những kết quả khả quan. Theo đó, thông qua ứng dụng chặn xuất khống hóa đơn, cơ quan thuế sẽ có danh sách cảnh báo các DN có rủi ro về xuất khống HĐĐT. Đồng thời, Tổng cục Thuế đã triển khai Ứng dụng bản đồ số hộ kinh doanh áp dụng cho 5 Cục Thuế địa phương từ 1/8/2023 và sẽ triển khai trong toàn quốc từ đầu năm 2024.
Về tổng thu do Hải quan quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, do tình hình kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian qua giảm nên thu ngân sách hải quan 8 tháng đầu năm nay giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần tăng thu NSNN. Cùng với việc tạo thuận lợi thương mại, trong thời gian qua Tổng cục Hải quan cũng tập trung vào đấu tranh phòng chống ma túy. Từ đầu năm đến nay, cơ quan hải quan phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, biên phòng và đã chủ trì bắt giữ khoảng 1,5 tấn ma túy, riêng tháng 8/2023 đã bắt giữ 220 kg với 16 vụ và hơn 30 đối tượng.
Chi NSNN cho đầu tư tăng 40,3%
Về chi NSNN, thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, tổng chi cân đối NSNN tháng 8/2023 ước đạt 139 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 8 tháng đạt khoảng 1.081,2 nghìn tỷ đồng, bằng 52,1% dự toán, tăng 13% cùng kỳ.
Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 297,7 nghìn tỷ đồng, bằng 41% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 42,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 40,3% cùng kỳ, tương ứng tăng khoảng 85,4 nghìn tỷ đồng. Chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 65,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán. Còn chi thường xuyên ước đạt 715,9 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán, tăng 5,7%.
Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Đồng thời, ngân sách chủ động nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN từ ngày 1/7/2023...
Về cân đối NSNN, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/8/2023 đã phát hành 227,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,42 năm, lãi suất bình quân 3,45%/năm.
Đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ
Tại Hội nghị, nhiều vấn đề đã được Lãnh đạo bộ cùng đại diện các đơn vị đưa ra thảo luận nhằm tháo gỡ khó khăn, triển khai thực hiện trong thời gian tới như về vấn đề nâng hạng thị trường chứng khoán, đảm bảo lương thực dự trữ quốc gia, đầu tư công, tài chính hành chính sự nghiệp…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong bối cảnh dự báo nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, do đó, toàn ngành tài chính càng phải cùng nhau đoàn kết hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp quản lý thu thuế, tập trung thu đúng, thu đủ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN những tháng cuối năm 2023.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị phải tập trung, bám sát các nhiệm vụ được giao, hoàn thành kịp thời công việc, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Trong đó, cần đẩy nhanh thực hiện công tác phối hợp với các bộ, ngành; triển khai công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật, trọng tâm là Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; các Luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tối thiểu toàn cầu…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng yêu cầu các đơn vị bám sát kế hoạch để đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công, tập trung điều hành NSNN, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, chống thất thu thuế, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính…