Kết nối

Kiến nghị mở đường cho công nghệ mới qua cơ chế sandbox và thu hút nhân tài

Minh Nhật 26/03/2025 - 11:43

Cho ý kiến về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, nhiệm kỳ khóa XV ngày 25/3, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra kiến nghị liên quan đến mở rộng cơ chế thí điểm có kiểm soát (sandbox) cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ số và thu hút nhân tài công nghệ cao

Tại hội nghị, các đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; tạo nền tảng pháp lý vững chắc, đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống, thúc đẩy công nghiệp công nghệ số trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, đa số các đại biểu cũng cho rằng, cần mở rộng phạm vi cơ chế sandbox nhằm mở đường cho công nghệ mới.

db-pham-trong-nghia.jpg
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn. (Ảnh: QH)

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) nhận định, hiện nay cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đã được quy định trong một số văn bản luật như Luật Thủ đô năm 2024, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, trong một số nghị quyết của Quốc hội như Nghị quyết số 136 ngày 26/6/2024 về chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TP Đà Nẵng, Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh. HĐND TP Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Nghị quyết số 20 ngày 14/01/2024 quy định về tiêu chí, lĩnh vực, nội dung hỗ trợ thử nghiệm có kiểm soát giải pháp công nghệ mới về phương tiện bay không người lái và xe tự hành trong phạm vi khu công nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo có báo cáo thêm về ưu điểm, hạn chế cũng như thuận lợi, khó khăn, tác động của việc thực hiện các quy định hiện hành về cơ chế sandbox để làm cơ sở thực tiễn xem xét về quy định này trong dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ 9.

Cùng với đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng quan tâm đến vấn đề nhân lực. Cho rằng việc thu hút nhân lực, nhất là tài năng công nghệ số đòi hỏi cạnh tranh quốc tế rất cao, các chính sách ưu đãi phải vượt trội, đặc thù, phải đủ sức cạnh tranh với các quốc gia khác, do vậy, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cơ quan soạn thảo tham khảo thêm các kinh nghiệm về các chính sách ưu đãi của một số quốc gia trong khu vực ASEAN.

db-tran-van-khai.jpg
Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. (Ảnh: QH)

Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy quản lý, tránh "không quản được thì cấm", đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) khẳng định cần mở đường cho công nghệ mới qua cơ chế sandbox.

Nhận định dự thảo Luật dù đã có bước tiến với quy định cơ chế thử nghiệm (Chương V) nhưng đại biểu Trần Văn Khải cũng chỉ ra phạm vi thử nghiệm còn quá hẹp, bỏ sót nhiều đổi mới sáng tạo; đồng thời, liệt kê nhiều hành vi bị cấm còn chung chung và đặt thêm một số điều kiện kinh doanh.

Cho rằng cách quản lý quá thận trọng này sẽ kìm hãm đổi mới sáng tạo, khiến doanh nghiệp e ngại thử nghiệm công nghệ mới tại Việt Nam, đại biểu Trần Văn Khải kiến nghị mở rộng phạm vi cơ chế sandbox cho mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới chưa được pháp luật điều chỉnh; đơn giản hóa thủ tục phê duyệt thử nghiệm; lược bỏ các quy định cấm, điều kiện không thực sự cần thiết; trao quyền cho Chính phủ tạm thời cho phép thí điểm những công nghệ, mô hình mới chưa có luật điều chỉnh rồi báo cáo Quốc hội sau...

Liên quan đến chính sách thu hút nhân tài, đại biểu Trần Văn Khải đánh giá, Dự thảo Luật đã nêu vấn đề này (Điều 25) nhưng còn chung chung, chưa cụ thể hóa những ưu đãi vượt trội. Từ đó, đại biểu đến từ đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam kiến nghị bổ sung các chính sách đột phá trong thu hút nhân tài nhằm tạo lợi thế cho Việt Nam trong cạnh tranh nhân lực chất lượng cao như: miễn, giảm thuế thu nhập cho chuyên gia công nghệ; đơn giản hóa thủ tục lưu trú cho chuyên gia nước ngoài và tăng cường hỗ trợ đào tạo nhân tài công nghệ số…

db-ly-tiet-hanh.jpg
Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định. (Ảnh: QH)

Quan tâm đến quyền và trách nhiệm trong thử nghiệm cũng như là miễn trừ trách nhiệm trong các hoạt động thử nghiệm, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho rằng đây là một lĩnh vực rất mới, rất khó và rất quan trọng trong giai đoạn tới, do vậy, cần tạo hành lang pháp lý thông thoáng để thu hút các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đầu vào trong lĩnh vực này, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo vấn đề về an ninh quốc gia, vấn đề môi trường, các vấn đề về khai thác tài nguyên và với chủ quyền an ninh quốc gia.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cảm ơn các ý kiến phong phú, đa chiều, trách nhiệm và mang tính xây dựng của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách về Luật Công nghiệp công nghệ số. Nêu rõ đây là một luật mới rất khó, chưa có nhiều kinh nghiệm quốc tế, Bộ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu kỹ và tiếp thu tối đa để hoàn thiện dự thảo luật.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị mở đường cho công nghệ mới qua cơ chế sandbox và thu hút nhân tài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO