Nghiên cứu - Trao đổi

Kinh nghiệm quốc tế về quản lí nhà nước đối với thị trường tài chính trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam

ThS. Phạm Thành Công 13/10/2024 07:02

Bài viết phân tích kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính của một số nước như Anh, Nhật Bản, EU, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính của Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.

Tóm tắt: Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội theo những cách chưa từng có trước đây, theo cả bề rộng và chiều sâu, làm thay đổi căn bản hành vi của các cá nhân và cách vận hành của các doanh nghiệp, tổ chức. Quản lí nhà nước (QLNN) đối với thị trường tài chính cũng không nằm ngoài xu thế chịu tác động to lớn của CMCN 4.0. Thực tiễn quá trình hình thành các thị trường trên thế giới cho thấy, thị trường tài chính (TTTC) là một trong những yếu tố cấu thành không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc huy động tiết kiệm và phân bổ các nguồn vốn. Bài viết phân tích kinh nghiệm quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính của một số nước như Anh, Nhật Bản, EU, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao vai trò quản lý nhà nước đối với thị trường tài chính của Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0.

INTERNATIONAL EXPERIENCE ON STATE MANAGEMENT OF THE FINANCIAL MARKET IN THE CONTEXT OF the 4.0 INDUSTRIAL REVOLUTION AND LESSONS FOR VIETNAM

Abstract: The 4.0 Industrial Revolution (Industry 4.0) is strongly affecting all aspects of economic and social life in unprecedented ways, in both breadth and depth, fundamentally changing individuals behavior and the way businesses and organizations operate. State management of the financial market is also greatly affected by the Industry 4.0. The reality in the formation process of markets in the world shows that financial market is a one of the indispensable components in the market economy and plays a particularly important role in mobilizing savings and allocating capital sources. This article will analyze the experience of state management of financial markets in some countries such as the UK, Japan, and the EU, thereby offering some solutions to enhance the role of state management in the financial sector of Vietnam in the context of Industry 4.0.

1. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ QLNN ĐỐI VỚI TTTC TRONG BỐI CẢNH CMCN 4.0

Các quốc gia trên thế giới có những hướng tiếp cận khác nhau đối với CMCN 4.0 nói chung và khu vực tài chính - ngân hàng (TCNH) trong thời đại CMCN 4.0 nói riêng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực TCNH, phản ứng của các quốc gia có thể chia thành hai dạng tiếp cận: Phản ứng chủ động và phản ứng thụ động. Trong đó, các quốc gia chọn hướng phản ứng tiếp cận chủ động thường quan tâm tương tác chặt chẽ với các nhà sáng tạo để nắm bắt những phát triển mới của công nghệ tài chính (Fintech), các trở ngại pháp lý đối với sự đổi mới và hỗ trợ khởi nghiệp nhằm giải quyết những thách thức đặt ra. Các chính sách phổ biến được hướng tới như: Khuôn khổ pháp lý thử nghiệm, ký kết các thỏa thuận hợp tác đa quốc gia và xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo... Các quốc gia theo cách tiếp cận này thường có thị trường phát triển, công nghệ đổi mới rất cao.

Đối với các quốc gia chọn hướng tiếp cận phản ứng thụ động, các nhà hoạch định chính sách đóng vai trò tích cực trong việc cố gắng làm cho Fintech thành công, nhưng phản ứng thường không tích cực và sẵn sàng điều chỉnh các quy định pháp lý khi cần thiết. Cách tiếp cận này chủ yếu được áp dụng ở các quốc gia cho rằng CMCN 4.0 không gây ảnh hưởng quá lớn tới thị trường của họ. Các quốc gia này thường có nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và thể chế. Những yếu tố này trở thành trở ngại của tiến trình đổi mới, khó đưa công nghệ của CMCN 4.0 vào ứng dụng. Do đó, các nhà quản lý thường ít bị áp lực hơn trong việc điều chỉnh khuôn khổ pháp lý, trong khi mức độ thay đổi của công nghệ là quá nhanh so với sự thay đổi của khuôn khổ pháp lý.

Để chuẩn bị tốt cho việc hình thành khung pháp lý, một số quốc gia đã tiến hành xây dựng các cơ chế thử nghiệm có kiểm soát “sandbox”. Các sandbox pháp lý chung cung cấp môi trường để thử nghiệm các sản phẩm và dịch vụ mới mà nhà phát triển đang tìm cách đưa ra thị trường. Trong quá trình này, các công ty Fintech được miễn một số yêu cầu pháp lý hoặc quy định nhất định có thể cản trở sự phát triển của công nghệ. Các sandbox của ngành được dẫn dắt và tài trợ bởi các bên liên quan trong ngành và cung cấp các cơ hội để thử nghiệm sản phẩm trong môi trường thị trường mô phỏng không có khách hàng. Ngoài ra, một số quốc gia chọn phản ứng tiếp cận theo hướng “thử nghiệm và học hỏi”, như: Indonesia, Philippines, Kenya...; hay “chờ đợi và xem xét”, như Trung Quốc. (Hà Văn Dương, Hà Phạm Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Mỹ Lệ, 2018)

2. KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ QLNN ĐỐI VỚI TTTC TRONG BỐI CẢNH CMCN 4.0

2.1 Kinh nghiệm của Anh

Đối với thị trường tài chính, chính phủ Anh đã và đang hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế đảm bảo tiền tệ ổn định với mức lạm phát mục tiêu là 2%. Trong bối cảnh CMCN 4.0, đối với thị trường tài chính, mục tiêu chủ yếu của chính phủ là đảm bảo hỗ trợ phát triển mô hình kinh do-anh mới và công nghệ mới. Việc khuyến khích đổi mới dịch vụ tài chính được cho là ưu tiên hàng đầu, chính phủ tạo ra môi trường pháp lý phù hợp để đảm bảo cho sự cạnh tranh lành mạnh và phát triển của thị trường tài chính, đặc biệt là Fintech – xu hướng mới của thị trường tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0.

Theo số liệu từ “Báo cáo khảo sát Fintech UK 2017”, thị trường Fintech tại Anh phát triển với tốc độ 22% trong giai đoạn 2012-2016. Chính quyền Anh đã xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm (Regulatory Sandbox) cho phép các công ty Fintech được thử nghiệm các giải pháp đổi mới công nghệ trong môi trường được kiểm soát trong khoảng thời gian xác định trước khi chính thức mở rộng cung ứng trên thị trường. (Emanuel Kopp, Lincoln Kaffenberger, Christopher Wil-son, 2017)

Trong Chiến lược phát triển lĩnh vực Fintech 2018 (Fintech Sector Strategy: Securing the Future of UK Fintech), Bộ Tài chính Anh đề cập đến các chính sách hướng tới việc gia tăng cạnh tranh bình đẳng, xóa bỏ các rào cản tăng trưởng và gia nhập thị trường đối với các công ty Fintech. Cụ thể:

- Xây dựng một hệ thống thanh toán mới cho phép các ngân hàng và Fintech tiếp cận với hệ thống này một cách công bằng, đảm bảo hệ thống thanh toán phục vụ lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp từ năm 2015. Kết quả là năm 2017, các doanh nghiệp Fintech đã được tiếp cận và tham gia vào hệ thống thanh toán như các ngân hàng lâu đời trong nước.

- Pháp lý hóa yêu cầu các ngân hàng lớn chia sẻ dữ liệu tín dụng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa để chia sẻ với các doanh nghiệp Fintech hoặc giới thiệu các doanh nghiệp bị ngân hàng từ chối cấp tín dụng tới các nền tảng cung cấp tín dụng phù hợp.

- Triển khai mô hình ngân hàng mở (Open Banking) vào năm 2016. Mô hình này được triển khai tại 9 ngân hàng lớn nhất tại Anh, cung cấp quyền truy cập bảo đảm với các tài khoản vãng lai cho một bên thứ ba. Điều này cho phép khách hàng và SMEs được phép tiếp cận với nhiều dịch vụ mới và sáng tạo, đáp ứng tốt nhu cầu của mình; ví dụ như việc có thể có các khoản vay thấu chi với lãi suất thấp hơn mà không phải thay đổi nhà cung cấp dịch vụ.

Chính phủ Anh cũng xây dựng các trung tâm và chính sách tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Fintech như:

- Trao quyền cho Cơ quan quản lý và giám sát tài chính thiết lập Trung tâm đổi mới sáng tạo (in-novation hub). Trung tâm này giúp các doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm Fintech, tìm hiểu về các quy định quản lý có liên quan đến sản phẩm của mình, nộp hồ sơ để đánh giá khả năng đáp ứng các yêu cầu pháp lý, sau đó là giới thiệu các sản phẩm đã được quản lý tới thị trường.

- Thông qua khung quản lý “Regulatory Sandbox” để hỗ trợ doanh nghiệp Fintech vào năm 2016. Khung quản lý này hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp Fintech sáng tạo phát triển các sản phẩm đáp ứng các điều kiện quản lý nhà nước, gia tăng cơ hội nhận vốn đầu tư, đồng thời giảm thiểu tối đa các gánh nặng quản lý và chính sách lên các công ty này. Sự thành công của khung quản lý này đã được học hỏi và triển khai sau đó tại nhiều các quốc gia khác trên thế giới.

- Tăng cường trao đổi thông tin - đối thoại chính sách và tìm hiểu về nhu cầu, thực trạng của các doanh nghiệp Fintech. Năm 2017, Báo cáo khảo sát “UK Fintech Census” ra đời; thông qua đó, chính phủ đã nhận được các ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp Fintech về những khó khăn liên quan tới vốn, tới nguồn nhân lực, tiếp cận thị trường, mức độ cạnh tranh công bằng với các ngân hàng… Đây là cơ sở để Chiến lược phát triển Fintech “Fintech Sector Strategy” ra đời năm 2018 với các chính sách và sáng kiến cụ thể nhằm giúp giải quyết khó khăn của các doanh nghiệp Fintech trong ngắn hạn và dài hạn.

2.2 Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0, Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho Fintech phát triển thông qua việc xây dựng các quy định mới về giao diện lập trình ứng dụng (API), đầu tư ngân hàng trong các dự án Fintech, gọi vốn và tiền kỹ thuật số, cũng như các yêu cầu tài chính để đáp ứng các công nghệ mới; thành lập bộ phận hỗ trợ Fintech và các ủy ban để thúc đẩy hoạt động Fintech. Chính phủ cũng xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phép các công ty Fintech, trước khi chính thức mở rộng cung ứng trên thị trường, được thử nghiệm và điều chỉnh sản phẩm của mình trong thời gian tối đa một năm mà không phải tuân thủ các yêu cầu cấp phép. Bên cạnh đó, việc sửa đổi Đạo luật Ngân hàng Nhật Bản có hiệu lực vào tháng 4/2017 và cho phép các ngân hàng hoặc công ty ngân hàng sở hữu hơn 5% vốn của công ty công nghệ, tạo nhiều thuận lợi cho các ngân hàng tham gia liên kết với các công ty Fintech.

Năm 2017, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã xây dựng và công bố chiến lược phát triển: Japan’s Fintech Vision, First Comprehensive Policy Recommendations (APEC Policy Support Unit, 2017). Chiến lược hỗ trợ sự phát triển của thị trường tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0 dựa trên 4 trụ cột chính như sau:

Một là, xây dựng các điều kiện nền tảng cho sự phát triển của các công ty Fintech

- Xây dựng môi trường thuận lợi để chia sẻ dữ liệu: Phát triển các nguyên tắc và quy trình giúp cá nhân quản lý và sử dụng dữ liệu cá nhân; gia tăng sự chia sẻ thông tin giữa các nhóm doanh nghiệp, nhóm ngành.

- Hiện thực hóa nền kinh tế thanh toán không dùng tiền mặt thông qua phát triển các phương tiện thanh toán điện tử: Đặt chỉ tiêu về tỉ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thử nghiệm dự án hóa đơn điện tử.

- Nâng cao vấn đề an toàn và bảo mật trong thanh toán trực tuyến thông qua nâng cao và đồng bộ hóa chip IC trong các cổng thanh toán thẻ.

Hai là, hỗ trợ sự lưu thông tiền tệ

- Số hóa nhận diện cá nhân: tạo điều kiện thuận lợi để điện tử hóa thông tin nhận dạng cá nhân (eKYC) trong quá trình mở tài khoản dịch vụ cũng như phòng chống rửa tiền; nghiên cứu thử nghiệm việc sử dụng Thẻ thông tin cá nhân (Individual Number Card); tích hợp khả năng nhận diện thông tin cá nhân được điện tử hóa vào các thiết bị điện thoại thông minh.

- Mở hệ thống dữ liệu quản lý và số hóa quy trình quản lý của cơ quan công quyền: Xây dựng một cổng thông tin chia sẻ toàn bộ quy trình quản lý công giữa các bộ ngành; xây dựng nền tảng hỗ trợ các quỹ tài trợ khởi nghiệp; phác thảo hướng dẫn tiếp cận truy cập mở với các quy trình quản lý nhà nước.

Ba là, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận và sử dụng dịch vụ Fintech

- Tăng cường tự động hóa và nâng cao hiệu quả của việc quản lý kinh doanh và kế toán (các bộ phận hỗ trợ trong doanh nghiệp): Tăng cường việc sử dụng các công nghệ điện toán đám mây (cloud service) hay việc sử dụng ngân hàng điện tử trong các doanh nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp SMEs sử dụng các công nghệ Fintech thông qua giới thiệu về các dịch vụ Fintech và lợi ích kèm theo.

- Tăng cường tự động hóa trong hoạt động gửi - rút tiền và quản lý quỹ để rút ngắn thời gian chuyển đổi của tiền trong chuỗi cung ứng (supply chain cash conversion cycle): Giới thiệu và khuyến khích sử dụng việc ghi chép điện tử đối với các giao dịch liên quan đến tiền và cho vay dựa trên tài sản.

Bốn là, thiết lập hệ thống chính sách và quy định quản lý tạo điều kiện cho sự sáng tạo

- Cải cách hệ thống chính sách quản lý tạo điều kiện phát triển Fintech và đổi mới sáng tạo thông qua khung quản lý “Regulatory Sandbox”. Khung quản lý này hướng tới việc việc thử nghiệm quản lý và giám sát các dịch vụ Fintech mới, sau đó để các bên có liên quan đánh giá, xác nhận; sau quá trình thử nghiệm - đánh giá và nhận diện sai sót - cải thiện, thì phương án quản lý phù hợp và hiệu quả đối với dịch vụ sẽ được nhận diện. Các biện pháp cụ thể hơn bao gồm nghiên cứu về hệ thống pháp lý liên quan; hỗ trợ cải cách chính sách và tiêu chuẩn hóa, phát triển môi trường thuận lợi cho các quỹ đầu tư Fintech hay RegTech - doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ quản lý và giám sát có liên quan đến công nghệ cho các tổ chức tài chính.

- Xây dựng và đổi mới thị trường tài chính trên nền tảng Fintech với năng lực cạnh tranh toàn cầu.

- Phát triển nguồn nhân lực được trang bị cả kiến thức chuyên môn và các kỹ năng công nghệ phục vụ cho hoạt động của các công ty Fintech, tạo điều kiện chuyển đổi công việc và gắn kết trong nội bộ một hoặc nhiều doanh nghiệp.

2.3 Kinh nghiệm của EU

Tại châu Âu (EU), chiến lược hành động hướng tới một khu vực tài chính cạnh tranh và sáng tạo (Fintech Action Plan: For a more competitive and innovative European financial sector) được Uỷ ban châu Âu công bố trong năm 2018. Trong chiến lược này, một mặt, Ủy ban châu Âu nhấn mạnh sự đảm bảo các điều kiện an toàn, tuân thủ các điều lệ và quy định về giám sát tài chính đã có từ trước đây như Chỉ thị về dịch vụ thanh toán (Payment Services Directive), Quy định về thị trường và công cụ tài chính (Regulation on financial markets and instruments), Chỉ thị về phòng, chống rửa tiền (Anti-Money Laundering Directive); mặt khác, Ủy ban cũng đã điều chỉnh và công bố một số chính sách mới để tạo điều kiện phát triển cho thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường Fintech trong bối cảnh CMCN 4.0. Các kế hoạch hành động và chính sách tập trung vào các khía cạnh chính như:

Thứ nhất, tạo điều kiện cho mô hình kinh doanh sáng tạo phát triển rộng khắp trên toàn châu Âu (Authony Saunders & Marcia Millon Cornett, 2006)

- Tạo điều kiện cho các mô hình kinh doanh sáng tạo (như crowdfunding hay P2P) phát triển rộng khắp thông qua việc thống nhất các yêu cầu về điều kiện thành lập và giấy phép hoạt động. Sau khi nhận được giấy phép, hay EU Passport, các doanh nghiệp này được phép hoạt động ở bất kỳ quốc gia nào trong liên minh châu Âu mà không cần phải xin phép chính phủ của các quốc gia đó.

- Tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường cũng như hợp tác giữa các chủ thể trên thị trường thông qua các tiêu chuẩn chung. Ví dụ, Chỉ thị về dịch vụ thanh toán (Payment Services Di-rective) được điều chỉnh sẽ yêu cầu ngân hàng mở các kênh trao đổi thông tin với các Fintech để cung cấp các dịch vụ dựa trên tính năng truy cập vào tài khoản vãng lai của khách hàng.

- Tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh sáng tạo trên toàn châu Âu thông qua các sáng kiến kích hoạt (dưới dạng trung tâm sáng tạo innovation hubs, hay regulatory sand-box) để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường và tăng mức độ am hiểu cũng như đáp ứng các yêu cầu về quản lý và chính sách.

Thứ hai, hỗ trợ phát triển các sáng tạo công nghệ trong thị trường tài chính (European Commis-sion, 2018)

- Đánh giá và xem xét sự phù hợp của các điều kiện đảm bảo tính an toàn cho các công nghệ mới được phát triển trong khu vực tài chính. Cụ thể là, công bố các hướng dẫn về việc chấp nhận các thông tin nhận dạng cá nhân điện tử (e-identification) hay các quy trình nhận dạng khách hàng từ xa. Điều này tạo điều kiện phát triển các công cụ thanh toán điện tử xuyên biên giới đã được đề cập trong khung quản lý eIDAS, đảm bảo các các giao dịch diễn ra an toàn, và khách hàng có thể nhận diện được các rủi ro, trong đó có rủi ro từ hoạt động rửa tiền.

- Gỡ bỏ các rào cản liên quan đến dịch vụ điện toán đám mây. Các doanh nghiệp thường sử dụng dịch vụ điện toán đám mây thuê ngoài của bên thứ ba; các bên tham gia sẽ phải tuân thủ các điều kiện pháp lý về việc trao đổi thông tin. Quy định về bảo mật thông tin (General data protection regulation) có hiệu lực vào năm 2018, điều chỉnh việc sử dụng thông tin của các dịch vụ tài chính sáng tạo, đảm bảo việc trao đổi thông tin phi cá nhân diễn ra tự do trong khuôn khổ thị trường chung châu Âu.

- Tăng cường ứng dụng Fintech bao gồm các ý tưởng về công nghệ chuỗi khối (Blockchain) hay sổ cái phân tán. Liên minh châu Âu đã thành lập sáng kiến “Blockchain Observatory and Forum” từ năm 2018, định kỳ tổ chức 2 năm một lần, nhằm đánh giá và quan sát sự phát triển, xu hướng của công nghệ này cũng như nhằm quy tụ các chuyên gia nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan tới việc sử dụng công nghệ chuỗi khối xuyên biên giới. Một ý tưởng khác là thành lập European Financial Transparency Gateway (EFTG), một dự án thử nghiệm sử dụng công nghệ sổ cái phân tán để tăng cường tiếp cận thông tin về tất cả các doanh nghiệp niêm yết tại châu Âu.

- Trang bị kỹ năng và kiến thức của các nhà hoạch định chính sách và giám sát tài chính thống qua EU Fintech Lab. Ý tưởng của Fintech Lab là diễn đàn để các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tài chính Fintech trên toàn châu Âu có thể giới thiệu về sản phẩm của mình, trao đổi với các chuyên gia, gặp gỡ trực tiếp với các nhà hoạch định chính sách và giám sát về các vấn đề có liên quan.

- Tăng cường công nghệ hỗ trợ việc cung ứng các sản phẩm đầu tư cá nhân trong khuôn khổ thị trường chung. Hoạt động này hướng đến cung ứng các sản phẩm đầu tư cho các nhà đầu tư cá nhân dựa trên nền tảng công nghệ và thân thiện với người dùng, tích hợp các dữ liệu có sẵn với các công cụ tính toán trực tuyến, so sánh trực tuyến và tư vấn tự động…

Thứ ba, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên châu Âu trong việc đảm bảo an ninh mạng để đảm bảo an toàn trong thị trường tài chính 4.0

Ủy ban nghiên cứu việc sử dụng các bài kiểm tra về mức độ nhạy cảm trước các rủi ro/đe dọa từ tấn công mạng qua chương trình Threat Intelligence Based Ethical Red Reaming của thị trường tài chính các nước thành viên. Bên cạnh đó, Ủy ban cũng đã xây dựng chương trình hành động giáo dục số (Digital Education Action Plan) để nâng cao kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số trên toàn châu Âu, trong đó bao gồm an ninh mạng.

2.4 Thảo luận kết quả nghiên cứu

Dựa trên việc phân tích kinh nghiệm của một số quốc gia kể trên về việc xây dựng chiến lược, chính sách hỗ trợ sự phát triển của các thị trường tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0, một số thông lệ phổ biến có thể được nhận diện như sau:

Thứ nhất, thành lập các trung tâm sáng tạo và tổ chức hỗ trợ Fintech. Nổi bất nhất có thể kể đến là sự hình thành Trung tâm sáng tạo (Innovation hub) nhằm tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Fintech ra thị trường. Bên cạnh đó là khung quản lý “Regulatory Sandbox” tạo ra một cơ chế năng động, khuyến khích những thay đổi nhỏ trong khuôn khổ pháp lý có sẵn, tạo điều kiện cho hoạt động đổi mới, sáng tạo cũng như các mô hình kinh doanh mới, đồng thời giảm bớt các gánh nặng tuân thủ pháp lý có thể gây cản trở cho sự phát triển của Fintech. Bên cạnh đó, thiết lập các diễn đàn để tăng cường đối thoại giữa các doanh nghiệp Fintech, các nhà quản lý và giám sát thị trường để chia sẻ tri thức và tìm đến các giải pháp chung giải quyết các vấn đề có liên quan.

Thứ hai, đảm bảo tính cạnh tranh bình đẳng trên thị trường tài chính, đặc biệt giữa các doanh nghiệp Fintech và các ngân hàng lớn. Đó có thể là việc giảm bớt các điều kiện gia nhập thị trường, cho phép các doanh nghiệp Fintech tham gia vào hệ thống thanh toán quốc gia, yêu cầu các ngân hàng lớn chia sẻ quyền truy cập thông tin vào tài khoản vãng lai để các dịch vụ Fintech được giới thiệu tới khách hàng…

Thứ ba, phát triển số hóa nhận diện cá nhân (e- identification) hay nhận biết khách hàng, KYC (Know your customers). Đây là sự khởi tạo và số hóa các thông tin cá nhân, sau đó sẽ được dùng để tích hợp với các thiết bị thông minh hỗ trợ các tiện ích thanh toán trực tuyến, hay xuyên biên giới. Các quốc gia đều cam kết tạo lập một dữ liệu với các thông tin cá nhân được số hóa như vậy để tạo nền tảng đầu vào cho việc phát triển các ứng dụng Fintech.

Thứ tư, tạo lập khuôn khổ pháp lý bảo đảm an toàn chia sẻ thông tin và an ninh mạng. Bản chất của Fintech là việc sử dụng dữ liệu lớn hoặc AI để phân tích các dữ liệu và thông tin. Các quốc gia đều cam kết tạo lập một môi trường an toàn để thu thập, chia sẻ và sử dụng dữ liệu (trong đó có dữ liệu cá nhân) một cách an toàn và hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, tiêu chí đảm bảo an ninh mạng, phòng chống các cuộc tấn công mạng được ưu tiên hàng đầu tại Hồng Kông, Trung Quốc hay châu Âu.

Thứ năm, bản thân các cơ quan quản lý nhà nước hay giám sát tài chính cũng năng động và tiên phong tìm hiểu và ứng dụng Fintech vào hoạt động của chính mình. Một số ngân hàng trung ương các nước đã và đang tìm hiểu ứng dụng công nghệ sổ cái phân tán vào hoạt động của ngân hàng mình. Hay Liên minh châu Âu cũng đang triển khai dự án sử dụng công nghệ chuỗi khối để việc tiếp cận với thông tin của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể diễn ra dễ dàng ở mọi thị trường thành viên.

Thứ sáu, tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin trên phạm vi khu vực hoặc thị trường liên kết. Sự hợp tác này diễn ra trong cộng đồng các nước thuộc liên minh châu Âu hoặc các trung tâm tài chính lớn như Hồng Kông, Anh, Mỹ. Tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin giúp các nhà quản lý và các doanh nghiệp cập nhật về xu thế phát triển Fintech, cũng như những sáng kiến hay thông lệ quốc tế tốt nhất (như innovation hub hay regulatory sandbox); từ đó điều chỉnh để áp dụng vào quốc gia mình. Ngoài ra, việc thống nhất cách hiểu, các quy định giữa các quốc gia cũng sẽ giúp các doanh nghiệp Fintech có thể dễ dàng mở rộng thị phần. Do quy mô thị trường là rất quan trọng đối với các công ty công nghệ, những quốc gia có quy mô thị trường nhỏ, như Anh Quốc, đã đẩy mạnh các thỏa thuận song phương liên quan đến Fintech (Fintech Bridges) với các quốc gia khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Fintech có thể nhanh chóng mở rộng thị phần ra thị trường quốc tế.

3. KẾT LUẬN VÀ GỢI Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM

3.1 Kết luận

Như vậy, qua những nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế về thị trường tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0, cụ thể là qua kinh nghiệm của Anh, Nhật Bản và châu Âu đã đưa ra một cái nhìn tổng quan về những chính sách của các quốc gia nhằm đáp ứng những thay đổi của thị trường tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0. Trong đó chủ yếu là các chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của thị trường Fintech – xu hướng nổi bật của thị trường tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0. Khi đó, với hành lang pháp lý được hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước, công nghệ sẽ giúp cho việc phân phối các sản phẩm tài chính, sản phẩm đầu tư… đến người dùng hiệu quả hơn với chi phí thấp hơn.

Tại Việt Nam, lĩnh vực tài chính - ngân hàng luôn chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, bởi đây vốn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đã có nhiều bộ luật, quy định của Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng truyền thống như Luật Các tổ chức tín dụng (2010, 2017), Luật Các công cụ chuyển nhượng (2005), Pháp lệnh Ngoại hối (2005), Luật Phòng, chống rửa tiền (2012, 2022), Luật Bảo hiểm tiền gửi (2012), Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối (2013),... Tuy nhiên, vẫn chưa có hệ thống văn bản pháp luật đầy đủ điều chỉnh, quản lý hoạt động của những xu thế mới của TTTC 4.0 như trong lĩnh vực Fintech. Trong bối cảnh CMCN 4.0 bùng nổ mạnh mẽ và sự ra đời của các công ty Fintech trở thành xu thế tất yếu, nếu hệ thống pháp lý và thể chế của Việt Nam không nhanh chóng thay đổi để kịp thời nắm bắt xu hướng thì sẽ là rào cản lớn cho sự phát triển của TTTC. Việc quản lý nhà nước một cách có hiệu quả, xây dựng một hành lang pháp lý cũng như có những cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển của TTTC trong bối cảnh CMCN 4.0 là vô cùng cần thiết và cấp thiết.

3.2 Một số khuyến nghị đối với Việt Nam

Dựa trên những kinh nghiệm quốc tế về QLNN đối với thị trường tài chính trong bối cảnh CMCN 4.0, để hiện thực hóa các cơ hội phát triển, đồng thời hạn chế những thách thức đối với thị trường tài chính Việt Nam trong bối cảnh CMCN 4.0, đòi hỏi thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp sau trong việc QLNN đối với thị trường tài chính Việt Nam sau:

- Thống nhất khái niệm, cách hiểu về các sản phẩm của TTTC 4.0 dựa trên thông lệ quốc tế và hệ thống pháp lý hiện hành. Việc thống nhất cách hiểu là rất quan trọng cho việc rà soát các văn bản pháp lý liên quan, cũng như phân công trách nhiệm quản lý cho các bộ, ngành liên quan.

- Rà soát, sửa đổi các văn bản pháp lý hiện hành theo hướng tạo điều kiện cho ứng dụng, giao dịch, phát triển các sản phẩm của TTTC 4.0. Hiện nay ở Việt Nam còn nhiều văn bản pháp lý khi được ban hành thì các sản phẩm, hoạt động của TTTC 4.0 chưa ra đời và do đó có những điểm chưa phù hợp với xu hướng phát triển.

- Ban hành khung khổ pháp lý thử nghiệm có kiểm soát (sandbox). Các sandbox cần phải bảo đảm các tiêu chí trước và sau khi một sản phẩm - hoạt động được đưa vào sandbox. Trước khi đưa một sản phẩm - hoạt động vào sandbox, sản phẩm được chọn phải là một sản phẩm - hoạt động mới của TTTC 4.0, tạo ra giá trị gia tăng tích cực cho xã hội. Khi được đưa vào sandbox, sản phẩm này sẽ vượt qua các rào cản pháp lý và cơ chế kiểm tra, kiểm soát hiện nay. Vì vậy, việc đưa ra các tiêu chí để phòng ngừa việc lợi dụng sandbox cho các mục đích tiêu cực là cần thiết, như việc lợi dụng sandbox để thực hiện các hoạt động phi pháp, hay cố tình đưa một sản phẩm với công nghệ bình thường vào sandbox để trốn thuế. Sau một thời gian hoạt động, cần có một ủy ban chuyên trách theo dõi, đánh giá để sau một thời gian thử nghiệm, các thông tư, luật lệ liên quan có thể nhanh chóng được ban hành. Điều này sẽ tránh được việc độc quyền trên thị trường và tránh tạo ra các cơ chế xin – cho.

- Cần hoàn thiện theo hướng giống hoặc tiệm cận các chuẩn mực về công nghệ, về thể chế, về luật pháp quốc tế; sớm ban hành các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là bộ phận thanh tra, giám sát phù hợp với bối cảnh khu vực TTTC 4.0, đồng thời xây dựng các giải pháp, chính sách để khuyến khích các Fintech mở rộng quy mô ở cả thị trường Việt Nam lẫn thị trường quốc tế.

- Về vai trò cung cấp các dịch vụ công nhằm thể hiện tính chất định hướng của Nhà nước đối với việc thúc đẩy TCNH 4.0 ở Việt Nam, nhà nước cần tích cực áp dụng TTTC 4.0 trong cung cấp và thanh toán cho các dịch vụ công. Hiện tại, tỷ lệ thanh toán các dịch vụ công sử dụng tiền mặt của Việt Nam vẫn cao hơn khá nhiều so với các quốc gia trong khu vực và các quốc gia có trình độ phát triển tương đương hoặc kém hơn trên thế giới. Điều này có thể nhanh chóng được thay đổi nếu Nhà nước áp dụng các công nghệ thanh toán mới trong thanh toán các dịch vụ công. Trong dài hạn, điều này còn có thể giúp giảm biên chế và tiết kiệm ngân sách. Ngoài ra, Nhà nước cần chỉ đạo các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước, đặc biệt là các doanh nghiệp, tập đoàn đang cung cấp các dịch vụ công tạo điều kiện và có cơ chế khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện thanh toán mới.

- Nhà nước cần tích cực áp dụng công nghệ 4.0 trong thanh tra, giám sát hệ thống TCNH (reg-tech) theo hướng tự động hóa và/hoặc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Điều này giúp tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của khu vực TCNH. Hiện nay, việc phát hiện các hoạt động "làm giá" cổ phiếu bằng cách sử dụng trí tuệ nhân tạo đã được áp dụng ở một số quốc gia tiên tiến.

- Thành lập Trung tâm đổi mới, sáng tạo là nơi có thể thử nghiệm các sản phẩm - hoạt động mới của TCNH 4.0. Các khung pháp lý thử nghiệm (regulatory sandbox) cũng có thể được đặt ở đây. Đối với TCNH 4.0, địa điểm đặt trung tâm này cần phải ở vị trí thuận lợi cho việc kết nối với các doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tài chính... và các bộ, ban, ngành liên quan. Trung tâm này có nhiệm vụ thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ tài chính công nghệ, phác thảo các hành lang pháp lý để nhanh chóng đưa các sản phẩm, dịch vụ này áp dụng đại trà. Các sandbox đặt trong trung tâm sau một thời gian thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ cần phải phác thảo các hành lang pháp lý cần thiết (đề xuất sửa đổi, xây dựng mới...). Sau đó, các bộ, ngành liên quan cần phải đưa ra những văn bản pháp luật chi tiết. Ngoài ra, để nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng cho phát triển TCNH 4.0, Nhà nước cần sớm thiết lập hạ tầng nhận diện điện tử quốc gia, phù hợp với thông lệ quốc tế và có thể được chấp nhận trong các giao dịch quốc tế; các cơ quan quản lý nhà nước cần tích cực số hóa các dịch vụ cung cấp và số hóa các quy trình quản lý khi có thể; nâng cao năng lực của Trung tâm an ninh mạng quốc gia.

- Có chiến lược đào tạo các cán bộ quản lý nhà nước liên quan để đáp ứng các công tác quản lý nhà nước cho TTTC 4.0. Bối cảnh CMCN 4.0 đặt ra nhiều vấn đề cho công tác quản lý, như các luật và chính sách mới ban hành, sự đa dạng các hình thức mới trong hoạt động TCNH... đòi hỏi cán bộ quản lý nhà nước không ngừng nâng cao trình độ nghiệp vụ. Cần có chiến lược đào tạo các cán bộ quản lý trong ngành TCNH, đặc biệt là cán bộ quản lý cấp cao theo hướng vững vàng về chuyên môn và thường xuyên cập nhật các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn quốc tế

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.APEC Policy Support Unit (2017) Japan: Financial Services Sector Reform, trực tuyến tại

https://www.apec.org/docs/defa..., truy cập 28 tháng 4 năm 2023

2. Authony Saunders & Marcia Millon Cornett (2006) Financial Institutions Management. McGraw – Hill, Irwin, Fifth Edition

3.Emanuel Kopp, Lincoln Kaffenberger, Christopher Wilson (2017) Cyber Risk, Market Failures, and Financial Stability, IMF Working Paper

4.European Commission (2018), Fintech Action Plan: For a more competitive and innovative European financial sector, trực tuyến tại

https://eur-lex.europa.eu/reso..., truy cập 28 tháng 4 năm 2023

5.Hà Văn Dương, Hà Phạm Diễm Trang, Nguyễn Hoàng Mỹ Lệ (2018), FINTECH: Hệ sinh thái ở các nước và vận dụng tại Việt Nam, trực tuyến tại https://www.sbv.gov.vn/webcent..., truy cập 28 tháng 4 năm 2023

6.Bùi Văn Thạch (2010), Vai trò của nhà nước trong việc phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 15 năm 2023

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm quốc tế về quản lí nhà nước đối với thị trường tài chính trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và một số khuyến nghị đối với Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO