Kinh nghiệm quốc tế về quản lý căng thẳng tài chính và bài học cho Việt Nam

TS. Vũ Thị Kim Oanh| 21/02/2021 12:12
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Trong bài viết, tác giả sẽ nghiên cứu về thực trạng căng thẳng tài chính tại Singapore và Trung Quốc và kinh nghiệm quản lý căng thẳng tài chính của hai quốc gia này, từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam trong quá trình mở cửa hội nhập đang diễn ra ngày càng sâu rộng.

Căng thẳng tài chính là tình trạng xảy ra khi có sự gián đoạn trong việc thực hiện chức năng của thị trường tài chính. Theo Illing và Liu (2003), căng thẳng tài chính là sản phẩm của những tổn thương trong cấu trúc của hệ thống tài chính (thị trường tiền tệ, ngân hàng, chứng khoán và ngoại hối) và cú sốc ngoại sinh. Một cú sốc thường dẫn đến căng thẳng (mạnh nhất là khủng hoảng) khi các điều kiện tài chính yếu kém. Quy mô của cú sốc cùng với sự yếu kém của hệ thống tài chính quyết định mức độ căng thẳng của khu vực tài chính. Căng thẳng khu vực tài chính diễn ra khiến cho các chức năng và tính toàn vẹn của hệ thống tài chính bị gián đoạn, ảnh hưởng đến các hoạt động của nền kinh tế thực, làm suy giảm hoạt động đầu tư, tín dụng, tiêu dùng, từ đó dẫn đến suy giảm sản lượng nền kinh tế. Trong bài viết này, tác giả sẽ nghiên cứu về thực trạng căng thẳng tài chính tại Singapore và Trung Quốc và kinh nghiệm quản lý căng thẳng tài chính của hai quốc gia này, từ đó rút ra một số bài học cho Việt Nam trong quá trình mở cửa hội nhập đang diễn ra ngày càng sâu rộng.

1. Kinh nghiệm của Singapore

Kể từ khi giành độc lập năm 1965, Singapore đã đạt được sự phát triển kinh tế rất nhanh chóng, là ví dụ điển hình của một quốc gia nhỏ bé với nền kinh tế mở và đạt được tốc độ tăng trưởng GDP và GDP trên đầu người rất cao. Trong suốt hơn 50 năm phát triển từ năm 1965 đến nay, kinh tế Singapore tăng trưởng trung bình mỗi năm 5,253%, đưa Singapore trở thành một hiện tượng thần kỳ của Đông Nam Á. Sự phát triển đó cho thấy sự thành công của Singapore trong chiến lược phát triển mở cửa và hướng ra bên ngoài.        

Singapore là một trong những trung tâm tài chính lớn trên thế giới, ngoài rất nhiều các ngân hàng trong nước lớn và đa dạng, Singapore còn hấp dẫn rất nhiều ngân hàng quốc tế lớn. Hệ thống tài chính Singapore có một số đặc điểm nổi bật như: Đa phần các tổ chức tài chính trên thị trường là ngân hàng; Một số ít ngân hàng nội địa có vai trò rất quan trọng trong hệ thống - 3 ngân hàng nội địa lớn nhất chiếm 30% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng (tương đương với 180% GDP).

Giai đoạn căng thẳng tài chính

Căng thẳng tài chính ở Singapore xảy ra trước hết do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Trong khi ảnh hưởng của khủng hoảng châu Á đối với Singapore qua rất nhanh thì khủng hoảng tài chính toàn cầu (bắt đầu, vào khoảng quý III/2008) lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ngân hàng và tài chính của Singapore. Phần lớn cú sốc đến Singapore thông qua khu vực thương mại và các dòng chu chuyển vốn và tài chính đến nền kinh tế thực.

Hình 1: Chỉ số căng thẳng tài chính (FSI) của Singapore tính theo PCA  (SNG_PC) và trọng số phương sai bằng nhau (SNG_SUM)

Nguồn: Park & Mercado, 2013

Hình 1 cho thấy giai đoạn 1998 và 2008 là những giai đoạn có chỉ số FSI cao nhất, phản ánh tình trạng căng thẳng tài chính của Singapore.

  • Khu vực ngân hàng

Khu vực ngân hàng của Singapore ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng do có ít tài sản chất lượng xấu gắn với các khoản cho vay thế chấp nhà cửa ở Mỹ hoặc gắn với các tổ chức tài chính gặp căng thẳng như Bear Stearn hay Lehman Brothers. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng khiến các ngân hàng địa phương phải bán các trái phiếu cấu trúc, gây ra những khó khăn nhất định cho các ngân hàng và các cơ quan quản lý. Rất nhiều nhà đầu tư bị ảnh hưởng đã kiện các nhà phân phối và yêu cầu phải được trả lại tiền. Nhiều tổ chức tài chính đã phải bồi thường cho các nhà đầu tư bị ảnh hưởng. Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) ước tính con số thanh toán lên tới 105 triệu SGD (năm 2007). Cuộc khủng hoảng đã khiến giá cổ phiếu các ngân hàng giảm mạnh khoảng 50% do suy giảm lòng tin của nhà đầu tư. Kinh tế toàn cầu khiến hoạt động kinh doanh bị kéo chậm lại, các ngân hàng địa phương cho thấy sự suy giảm trong nhu cầu đi vay. Các ngân hàng cũng thận trọng hơn, phòng ngừa rủi ro để giữ tỷ lệ an toàn vốn lành mạnh, do đó giảm cho vay những khách hàng có mức độ rủi ro cao như SMEs. Cho vay bằng đơn vị tiền tệ châu Á (Asian currency unit – ACU) giảm 16% từ mức đỉnh điểm vào tháng 10/2008. (Hình 3 trang bên) cho thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng Singapore giảm mạnh từ nửa cuối năm 2008, đặc biệt là hoạt động cho vay doanh nghiệp. Chất lượng tài sản cũng suy giảm khi tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ khoảng 1,5% vào quý IV/2008 lên 2,5% vào quý IV/2009.

Hình 2: Cho vay đối với khách hàng phi ngân hàng, 2007 – 2009

Nguồn: www.mas.org

 

  •  Thị trường tiền tệ và thị trường ngoại hối

Hình 3: Diễn biến lãi suất SIBOR và USD LIBOR

Nguồn: www.mas.org

Hình 4: Tỷ giá hối đoái SGD/USD

Nguồn: www.mas.org

Do Singapore là một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thương mại nên sẽ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong tỷ giá chứ không phải những thay đổi trong lãi suất. Do đó, Singapore thực hiện chính sách tiền tệ bằng cách điều chỉnh tỷ giá chứ không điều chỉnh lãi suất. Để điều hành chính sách tiền tệ, MAS quản lý tỷ giá hiệu dụng danh nghĩa trong một biên độ, thu hẹp biên độ trong giai đoạn suy giảm kinh tế và tăng trong giai đoạn bùng nổ kinh tế. Trước khi khủng hoảng xảy ra, tháng 4/2008, MAS đã quyết định tập trung biên độ tỷ giá đồng đô la Singapore (SGD) và tiếp tục thực hiện chính sách lên giá đồng SGD trong 4 năm. Trong cuộc khủng hoảng 2008, do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và ảnh hưởng của cầu thế giới về hàng hóa và dịch vụ khiến đồng SGD bắt đầu giảm hơn 1/10 giá trị so với đồng đô la Mỹ (USD), trở thành một trong những đồng tiền có diễn biến kém nhất ở châu Á, MAS đã quyết định dừng chính sách đồng SGD mạnh. Dù việc này không đủ để giải quyết tình trạng suy thoái nhưng cũng giúp giảm bớt căng thẳng và tạo sự tự tin cho các nhà xuất khẩu trong nước.

  • Thị trường vốn và dòng chảy danh mục đầu tư

Ảnh hưởng gần như ngay lập tức và nghiêm trọng nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu đến Singapore là đối với thị trường vốn. Thị trường vốn Singapore đã phát triển với tốc độ rất nhanh chóng cùng với chính sách tự do hóa tài chính và phát triển sâu rộng thị trường vốn. Mức vốn hóa thị trường tăng từ 130% GDP (98 tỷ USD) lên 319% GDP (776 tỷ USD vào năm 2007), ngay trước khi giảm xuống chỉ còn 385 tỷ USD vào năm 2008. Chỉ số Straits Times cũng tăng từ 2400 vào giữa năm 2006 đến 3800 vào cuối năm 2007, trước khi mất đến hơn 50%, giảm xuống còn 1600 vào tháng 2/2009.

Hình 5: Tổng dòng vốn vào giai đoạn 2002 – 2008

Nguồn: Mas, 2009

Hình 6: Tốc độ tăng trưởng GDP thực

Nguồn: Mas, 2009

Ảnh hưởng của căng thẳng tài chính

Sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Singapore là nước Đông Nam Á đầu tiên gặp khủng hoảng. Nền kinh tế Singapore có sự sụt giảm đáng kể do các ngành sản xuất, giao thông, vận tải và các ngành thương mại bán buôn đều gắn chặt với các dòng chảy thương mại toàn cầu và khu vực. Quý I/2009 chứng kiến sản lượng nền kinh tế giảm khoảng 10% so với năm trước, mức giảm mạnh nhất trong lịch sử.

Sự lan truyền từ kênh thương mại và tài chính đã dẫn đến nền kinh tế thực, thể hiện trong chỉ số sản xuất công nghiệp của Singapore (IPI). Từ tháng 3/2008 đến tháng 2/2009, IPI cho cả khu vực sản xuất giảm 28%. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là điện lực, giảm 40%, theo sau là hóa học (33%), ngành dệt may cũng giảm khoảng 24%.

Khi sản xuất công nghiệp giảm, niềm tin của các doanh nghiệp cũng suy giảm dẫn đến đầu tư giảm. Theo cơ quan thống kê của Singapore, các chỉ số trong quý IV/2008 giảm mạnh: kỳ vọng của doanh nghiệp giảm 57%, lao động giảm 28%, sản lượng giảm 52%, lượng đặt hàng mới cũng giảm 39%. Tất cả những biến động này khiến cho tăng trưởng GDP thực giảm từ 6,7% vào quý 1 năm 2008 xuống - 4,1% vào quý IV/2008. Tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư giảm từ 30% trong quý I/2008 xuống -10% vào quý 4/2008 và -10,2% vào quý IV/2009. Tăng trưởng tiêu dùng công và tư nhân cũng suy giảm xuống còn 0,9% và 0% vào quý IV/2008.

Giải pháp của Chính phủ Singapore

* Duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính

Để giải quyết tình trạng căng thẳng tài chính, MAS đã tập trung duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính Singapore bằng việc thực hiện một loạt các biện pháp nhằm đảm bảo sự vận hành các chức năng của thị trường, duy trì lòng tin của các nhà đầu tư.

Thứ nhất, MAS đã tăng cường giám sát các tổ chức tài chính (TCTC) thông qua việc giám sát chặt chẽ sự lành mạnh tài chính, thường xuyên thảo luận với ban quản trị, kiểm toán viên của các tổ chức tài chính; đối với các tổ chức tài chính nước ngoài, thường xuyên trao đổi với các nhà quản lý ở nước chủ quản và kiểm toán viên của trụ sở chính. Nhấn mạnh việc thực hiện đánh giá sức chịu đựng rủi ro (stress test) của TCTC để MAS có thể đánh giá mức độ bền vững của các ngân hàng và bảo hiểm trước những kịch bản vĩ mô nghiêm trọng, đồng thời hướng sự tập trung của các TCTC vào việc quản lý rủi ro và bảo đảm khả năng thanh khoản, thu nhập và vốn để đảm bảo vững mạnh trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái.

Thứ hai, thực hiện các giải pháp đảm bảo sự vận hành tốt các chức năng của thị trường. MAS đảm bảo với các TCTC là họ có thể tiếp cận với nguồn SGD và USD thanh khoản. MAS duy trì khả năng thanh khoản cao của hệ thống ngân hàng, cho phép các ngân hàng khả năng tiếp cận với các phương tiện hỗ trợ thanh khoản.

Thứ ba, thực hiện các biện pháp để duy trì lòng tin của các nhà đầu tư ở Singapore: vào ngày 16/10/2008, chính phủ Singapore đã tuyên bố đảm bảo cho các khoản tiền gửi của các cá nhân và khách hàng phi ngân hàng tại các ngân hàng ở Singapore.

Thứ tư, chính sách của MAS được điều chỉnh nhằm duy trì định hướng trung hạn và đảm bảo duy trì sự ổn định của đồng SGD, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng tài chính tăng cao. Tháng 10/2007, MAS thắt chặt chính sách tiền tệ bằng việc cho phép sự lên giá của biên độ chính sách tỷ giá hiệu dụng danh nghĩa. Tháng 10/2008, MAS thay đổi định hướng chính sách khi quyết định dừng chính sách đồng đô la mạnh bằng việc áp dụng mức lên giá 0%, bỏ cơ chế trườn bò áp dụng từ tháng 4/2004. Tuy nhiên MAS cũng tuyên bố sẽ sẵn sàng can thiệp để giảm sự biến động quá mức của đồng SGD nếu cần thiết. Đồng SGD đã giảm nhẹ so với USD, Yên Nhật và Euro nhưng tăng giá với các đồng tiền khu vực, phản ánh các điều kiện hạ tầng kinh tế tương đối vững chắc.

* Hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Cuộc khủng hoảng 2008 có thể coi là cú sốc nghiêm trọng nhất với nền kinh tế Singapore kể từ khi độc lập và vào tháng 1/2009, chính phủ đã phải thực hiện một gói kích thích kinh tế lên tới 20,5 tỷ USD, dẫn tới thâm hụt ngân sách 8,7 tỷ USD, khoảng 3,5% GDP. Gói kích thích này có 4 mục tiêu cơ bản: bảo vệ việc làm, tăng mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp và người lao động, hỗ trợ thu nhập cho các người lao động thu nhập thấp và tăng cường cơ sở hạ tầng. Rất nhiều các giải pháp chính sách khác cũng được thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu trên. Đầu tiên là kế hoạch tạo việc làm trị giá 5,1 tỷ USD trong đó Chính phủ trợ cấp cho các chủ doanh nghiệp thông qua việc trả 12% trong 2.500 SGD đầu tiên tiền lương tháng của mỗi công nhân nhằm tránh việc cho công nhân nghỉ việc. Biện pháp chính sách thứ hai nhằm đảm bảo duy trì dòng tín dụng cho các doanh nghiệp là kế hoạch chia sẻ rủi ro đặc biệt cho các khoản vay ngân hàng. Biện pháp thứ ba là giảm thuế thu nhập cho các doanh nghiệp thông qua việc giảm thuế suất từ 18% xuống còn 17%. Thứ tư là để tăng sức cạnh tranh cho người lao động, Chính phủ sẽ trả tới 90% chi phí đào tạo lại lao động. Thứ năm là Chính phủ dành tới 4,4 tỷ USD để cải thiện các điều kiện cơ sở hạ tầng về sức khỏe, nhà ở… .

Các biện pháp xử lý rất kịp thời của MAS cũng như chính phủ Singapore đã giúp hệ thống tài chính có thể đứng vững trước khủng hoảng tài chính. So với tác động của khủng hoảng tài chính châu Á biến động trong cho vay của hệ thống ngân hàng ít hơn, dù điều kiện tín dụng thắt chặt hơn nhưng không làm gián đoạn dòng chảy tín dụng đến các doanh nghiệp. Tăng trưởng kinh tế Singapore đã có bước hồi phục thần kỳ, tăng trưởng GDP từ mức -0,6% vào năm 2009 lên 15,2% vào năm 2010.

2. Kinh nghiệm của Trung Quốc

Kể từ khi Trung Quốc thực hiện công cuộc cải cách kinh tế vào đầu năm 1979, nền kinh tế Trung Quốc đã có những bước tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới. Tuy nhiên, từ năm 2011 cho đến nay, tốc độ tăng trưởng của quốc gia này đã có sự chững lại đáng kể và tình trạng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong tương lai.

Hình 7: Tăng trưởng GDP thực tế của Trung Quốc  từ 1979-2017

Nguồn: Morrison (2019)

Hệ thống tài chính Trung Quốc cũng đã có những sự thay đổi mạnh mẽ với sự kiện quan trọng nhất trong những năm 1990 là sự thành lập và phát triển của hai sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc: Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải (SHSE) và Sàn giao dịch chứng khoán Shenzhen (SZSE). Sau khi thành lập, cả hai sàn SHSE và SZSE đã có sự phát triển rất mạnh mẽ về tổng mức vốn hóa thị trường và khối lượng giao dịch. Năm 1993, nước này thành lập Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chịu trách nhiệm kiểm soát chính sách tiền tệ, giám sát hệ thống các tổ chức tài chính và đảm bảo sự an toàn tài chính. Năm 1994, Trung Quốc chính thức trở thành một thành viên của Ngân hàng Thanh toán quốc tế và thông qua Luật Ngân hàng thương mại năm 1995. Hệ thống Kinh doanh ngoại tệ và Trung tâm vốn liên ngân hàng quốc gia ra đời lần lượt năm 1994 và 1996 giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống tài chính Trung Quốc.

Giai đoạn căng thẳng khu vực  tài chính

Nghiên cứu của Sun và Huang (2016) về căng thẳng tài chính ở Trung Quốc đã xây dựng chỉ số FSI nhằm xác định mức độ nghiêm trọng của bất ổn khu vực tài chính ở Trung Quốc - CNFSI. FSI được xây dựng bao gồm 8 biến số của 4 thị trường: chênh lệch rủi ro của ngân hàng, tỉ lệ nợ xấu, tỉ lệ cho vay/huy động của ngành ngân hàng; chỉ số chứng khoán Thượng Hải cho thị trường chứng khoán; tỉ giá hối đoái và dự trữ ngoại hối cho thị trường ngoại hối; chênh lệch rủi ro và chênh lệch lợi tức trái phiếu chính phủ cho thị trường nợ. Sau đó, các tác giả đã sử dụng phương pháp trọng số phương sai bình quân để xây dựng chỉ số FSI tổng thể (CNFSI) cho hệ thống tài chính Trung Quốc. Hình 10 cho thấy giai đoạn năm 2008 và 2010 chứng kiến khu vực tài chính Trung Quốc trải qua căng thẳng, được cho là do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu và khủng hoảng nợ công châu Âu.

Hình  8: Chỉ số CNFSI phản ánh các giai đoạn căng thẳng khu vực tài chính 

Nguồn: Sun và Huang, 2016

Thị trường chứng khoán

Hình 11 đã cho thấy diễn biến trên TTCK Trung Quốc trong giai đoạn từ năm 1991 - 2012. Trong giai đoạn 2001 - 2005, mức vốn hóa TTCK Trung Quốc duy trì ở mức 30-40% GDP. Đây là giai đoạn nền kinh tế Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng tương đối cao (tăng trưởng GDP trung bình là trên 10%), được coi là ảnh hưởng tích cực của việc Trung Quốc gia nhập WTO. Trong giai đoạn 2005-2007, mức vốn hóa thị trường tăng mạnh, đạt mức 178% năm 2007, mức cao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, ngay trong năm sau, TTCK rơi vào tình trạng căng thẳng khi thị trường giảm điểm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá trị vốn hóa thị trường giảm còn 62% GDP. Năm 2010-2012 lại tiếp tục chứng kiến đà suy giảm trên TTCK Trung Quốc khi mức vốn hóa thị trường giảm xuống mức 45%, thấp hơn cả năm 2006. Việc suy giảm mức vốn hóa thị trường xảy ra trong điều kiện tăng trưởng GDP ở Trung Quốc vẫn tương đối cao (9-10%) và chủ yếu do tình trạng rút vốn của các nhà đầu tư khi dự báo khả năng suy giảm điều kiện kinh tế.

Hình 9: Vốn hóa thị trường chứng khoán Trung Quốc giai đoạn 1991 - 2012

Nguồn: Marszk, 2014

  • Khu vực ngân hàng

Từ sau năm 2008, để tránh đưa nền kinh tế suy thoái do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những gói cứu trợ kinh tế lớn để khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. Trong 2 năm 2009 và 2010, chính phủ Trung Quốc thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ và cung cấp gói cứu trợ kinh tế tới 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (580 triệu USD), hầu hết thông qua việc tăng vốn tín dụng ra nền kinh tế. Trong năm 2009, vốn tín dụng ngân hàng mới ra nền kinh tế tăng tới 11 nghìn tỷ Nhân dân tệ, dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng khi độ lệch của tăng trưởng tín dụng/GDP so với đường xu hướng dài hạn luôn lớn hơn 10%. Tăng trưởng tín dụng quá nhanh trong điều kiện hiệu quả quản lý giám sát còn yếu làm tăng khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.

Như vậy Trung Quốc đã trải qua những giai đoạn căng thẳng khu vực ngân hàng với tốc độ tăng trưởng tín dụng lên rất cao (tăng trưởng tín dụng nóng). Không thể phủ nhận tác động tích cực của dòng tín dụng nóng giúp kinh tế Trung Quốc tránh được việc lún quá sâu vào khủng hoảng cũng như giữ được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, đi kèm với đó là những rủi ro và nguy cơ tiềm ẩn rất lớn đối với kinh tế Trung Quốc nói chung và hệ thống NHTM nói riêng với nguy cơ tiềm ẩn rủi ro an toàn trong hoạt động và sự suy giảm trong mức độ an toàn vốn.

Hình 10: Tăng trưởng tín dụng tại Trung Quốc, 1998 – 2015

Nguồn: worldbank.org

Ảnh hưởng của căng thẳng tài chính

Dù Trung Quốc vẫn duy trì được mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nhưng khủng hoảng tài chính toàn cầu đã dẫn đến tình trạng căng thẳng khu vực tài chính tại Trung Quốc và ảnh hưởng đến nền kinh tế thực. Khu vực xuất khẩu của Trung Quốc chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của khủng hoảng toàn cầu và căng thẳng tài chính xảy ra trong nước khi nhu cầu của nền kinh tế thế giới có dấu hiệu suy giảm. Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm mạnh từ quý IV/2008. Các nhà máy phải đóng cửa, công nhân bị sa thải. Do xuất khẩu đóng góp một phần ba giá trị của GDP, sự sụt giảm mạnh của xuất khẩu đã dẫn đến tăng trưởng GDP giảm mạnh trong năm 2009.

Hình 11: Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc (theo quý)

Nguồn: Berger & Martin, 2011

Tăng trưởng GDP Trung Quốc giảm mạnh từ 14,2% năm 2007 xuống 9,6% năm 2008 và 9,2% vào năm 2009. Cuối năm 2008, Chính phủ đã thực hiện gói kích thích kinh tế trị giá 4 nghìn tỷ nhân dân tệ. Trong khi tổng đầu tư tăng nhưng lại phân bổ không hiệu quả, tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Trước năm 2008, đầu tư và tăng trưởng kinh tế có xu hướng biến động tương đồng với nhau. Sau năm 2008, tốc độ đầu tư tăng lên mức rất cao, tăng trưởng từ đầu tư tăng lên 66% GDP và đầu tư cơ sở hạ tầng tăng lên 18% GDP. Tổng tích tụ vốn đóng góp 8,7% GDP vào tăng trưởng, gần gấp đôi mức 4,6% năm 2008. Quan trọng hơn, 96% phần tăng trưởng từ tích tụ vốn đã gấp đôi mức 48% trong giai đoạn 2003-07, đặt ra vấn đề về hiệu quả của đầu tư và lựa chọn dự án. Theo đó có thể thấy tăng trưởng TFP và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu giảm mạnh (Bai và Zhang, 2015).

Hình 12: Tốc độ đầu tư và tăng trưởng GDP của Trung Quốc 1990 – 2010

Nguồn: Niên giám Thống kê Trung Quốc

Giải pháp của Chính phủ Trung Quốc

* Hướng tới ổn định tài chính

Thứ nhất, Trung Quốc đã có những bước tiến mạnh mẽ hướng tới hệ thống tài chính định hướng thị trường, bao gồm những cải cách như tái cấu trúc vốn hệ thống ngân hàng, tạo ra thị trường vốn mới, giới thiệu cơ cấu pháp chế bền vững, mở cửa thị trường tài chính theo sau sự gia nhập WTO và từng bước cải cách chính sách lãi suất và tỷ giá. Để giải quyết tình trạng căng thẳng tài chính do nợ xấu tăng cao thì Chính phủ Trung Quốc đã mạnh tay thực hiện tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ và 4 công ty quản lý tài sản – nợ. Đồng thời, các NHTM Nhà nước cũng được cổ phần hóa hàng loạt để thu hút đầu tư, tái cơ cấu triệt để nhằm nâng cao sức khỏe tài chính. Chính những giải pháp này đã góp phần cải thiện tình hình hoạt động tại các NHTM Trung Quốc và từ đó đưa nền kinh tế phát triển trở lại.

Thứ hai, đối với khu vực chứng khoán, các công ty hàng đầu đã được tái cấu trúc, kế hoạch bảo vệ các nhà đầu tư được thiết lập. Chính phủ Trung Quốc chú trọng tăng cường kỷ luật minh bạch, công khai thông tin; tăng hiệu lực thực thi pháp luật thông qua thành lập các Ủy ban thực thi (do Thứ trưởng Bộ Công an đứng đầu), sửa đổi Bộ luật Hình sự; đặc biệt, khá mạnh tay trong việc trấn áp với các hành vi vi phạm công khai thông tin, gian lận, thao túng, lũng đoạn, nội gián trên thị trường... Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thực hiện các cải cách sâu rộng đối với các ngành nghề có liên quan đến thị trường và hoạt động chứng khoán như hệ thống kế toán nhà nước, kiểm toán, công chứng, luật sư... Điều đáng lưu ý là, đã từ lâu (năm 1996), Trung Quốc đã tách các công ty chứng khoán ra khỏi các ngân hàng, chủ yếu do tình trạng rất khó kiểm soát các hoạt động đầu cơ (thông qua các hoạt động tự doanh) quá mức của các công ty này, qua đó, giảm thiểu rủi ro tài chính của hệ thống tài chính.

* Hướng tới tăng trưởng kinh tế

Thứ nhất, để tránh đưa nền kinh tế suy thoái do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra những gói cứu trợ kinh tế lớn để khôi phục đà tăng trưởng của nền kinh tế. Chương trình 4 nghìn tỷ CNY được chính thức công bố vào ngày 5/11/2008, tập trung đầu tư vào một số ngành nghề, lĩnh vực trong giai đoạn từ quý IV/2008 đến năm 2010.

Thứ hai, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ tháng 9 đến tháng 12/2008, lãi suất được cắt giảm 5 lần, ngày 26/11/2008, cắt giảm tới 108 điểm cơ bản. Để thúc đẩy khu vực tài chính, tháng 12/2008, Hội đồng Nhà nước đã đưa ra kế hoạch 9 bước cho cải cách tài chính, trong đó bao gồm gói tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phạm vi phát hành trái phiếu doanh nghiệp rộng hơn và quy định mới cho việc hình thành quỹ tín thác đầu tư bất động sản (REITs) và quỹ cổ phần tư nhân (PE).

Thứ ba, Chính phủ thực hiện chính sách ưu đãi về thuế như: tăng hoàn thuế VAT cho xuất khẩu, giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ bằng cách giảm thuế suất từ 6% xuống còn 3%, tăng mức giảm trừ gia cảnh trong thu nhập hàng tháng từ 5.000 CNY lên mức 10.000 CNY.

Những giải pháp kịp thời của Chính phủ nhằm ổn định khu vực tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã phát huy tác dụng. Tăng trưởng kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục từ đầu năm 2010. Tình trạng công ăn việc làm được cải thiện đáng kể, nỗi lo sợ thất nghiệp hàng loạt giữa những công nhân nhập cư không còn nữa, tổng việc làm tăng lên 8,5 triệu trong 3 quý năm 2009 (Wong, 2011).

3. Bài học cho Việt Nam

Có thể thấy rằng, giai đoạn căng thẳng khu vực tài chính tại Singapore và Trung Quốc thường đến cùng với những giai đoạn mà kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, nhu cầu vốn cho đầu tư và phát triển lên cao mạnh mẽ, các quốc gia thực hiện mở cửa và tự do hóa khu vực tài chính. Điều này khá giống với bối cảnh kinh tế của Việt Nam. Việc nghiên cứu kinh nghiệm của Singapore và Trung Quốc có thể mang lại cho Việt Nam những bài học kinh nghiệm về nguyên nhân, tác động của căng thẳng khu vực tài chính và các giải pháp có thể thực hiện nhằm duy trì sự ổn định hệ thống tài chính, giảm thiểu tác động của căng thẳng khu vực tài chính đến nền kinh tế thực.

Phòng ngừa nguy cơ xảy ra căng thẳng tài chính

Cũng giống như Singapore, Việt Nam là một quốc gia đang ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng liên tục trong những năm gần đây đã đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam. Tuy nhiên dòng tiền nóng ngoại tệ này cũng có thể đảo chiều bất cứ lúc nào khi có những biến động của nền kinh tế toàn cầu. Do đó, để phòng ngừa nguy cơ xảy ra căng thẳng tài chính, Việt Nam nên:

- Tiếp tục thực hiện mở cửa khu vực tài chính một cách thận trọng và kiểm soát hiệu quả dòng vốn. Các dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, trong những năm gần đây sự gia tăng mạnh các dòng vốn vào này cũng có những tác động tiêu cực đối với sự ổn định của thị trường tài chính nói riêng, đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nói chung. Chính vì vậy, việc mở cửa khu vực tài chính là một tất yếu do đó cần tiếp tục thực hiện mở cửa khu vực tài chính một cách thận trọng, đồng thời cần có những biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo ổn định tài chính trong điều kiện hội nhập.

- Đảm bảo sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Với đặc thù một quốc gia có hệ thống tài chính dựa vào ngân hàng và thị trường tài chính còn đang phát triển, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vì vậy, để duy trì sự ổn định hệ thống tài chính, thực hiện tốt chức năng là kênh dẫn vốn thì việc đảm bảo sự ổn định và lành mạnh của hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết. Kinh nghiệm của các nước cho thấy những bất ổn của hệ thống ngân hàng như tăng trưởng tín dụng nóng, tình trạng nợ xấu tăng cao… đều là những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng khu vực tài chính tại nước này.

Các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của căng thẳng tài chính

- Xây dựng hệ thống cảnh bảo sớm căng thẳng khu vực tài chính. Để có thể kịp thời đưa ra các biện pháp giảm thiểu tình trạng căng thẳng khu vực tài chính, cần phải sớm nhận diện được những dấu hiệu của căng thẳng tài chính. Chính vì lẽ đó Việt Nam cần xây dựng một bộ chỉ tiêu phản ánh căng thẳng trong từng khu vực/ thị trường tài chính, cũng như xây dựng chỉ số phản ánh căng thẳng của cả khu vực tài chính bởi các chủ thể trong khu vực tài chính có sự liên thông, gắn kết lẫn nhau, căng thẳng trong khu vực này có thể ảnh hưởng đến khu vực/thị trường khác và từ đó ảnh hưởng đến cả hệ thống tài chính nói chung. Do đó, việc xây dựng hệ thống chỉ tiêu cảnh báo sớm căng thẳng khu vực tài chính là rất cần thiết.

- Phát triển lành mạnh thị trường tài chính, đa dạng hóa các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Bài học kinh nghiệm từ các nước cho thấy nếu căng thẳng tài chính xảy ra do những căng thẳng trong khu vực ngân hàng thì tác động của nó đến nền kinh tế sẽ nhanh và mạnh hơn. Chính vì vậy, Việt Nam cần có các biện pháp nhằm phát triển lành mạnh thị trường tài chính và thực hiện đa dạng các kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Việt Nam hiện là nền kinh tế dựa vào ngân hàng với trên 60% vốn cho nền kinh tế được cung ứng từ hệ thống ngân hàng, do đó khi căng thẳng tài chính xảy ra trong khu vực ngân hàng sẽ dẫn đến sự gián đoạn trong khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế thực.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống giám sát tài chính, giám sát an toàn vĩ mô. Hệ thống giám sát tài chính có vai trò quan trọng đảm bảo sự phát triển ổn định và lành mạnh của khu vực tài chính. Tại Việt Nam hiện nay, hệ thống giám sát tài chính đang được thực hiện theo mô hình thể chế với sự phân quyền chức năng giám sát cho các cơ quan khác nhau, chưa có cơ quan nào thực hiện chức năng giám sát hệ thống tài chính một cách đầy đủ. Điều này gây ra những khó khăn nhất định trong việc nhận diện dấu hiệu rủi ro toàn hệ thống cũng như kịp thời đưa ra các biện pháp ổn định tài chính, nhanh chóng vượt qua giai đoạn căng thẳng. Chính vì vậy, việc đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm năng cao năng lực giám sát của hệ thống giám sát tài chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

- Thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và hộ gia đình, giảm thiểu tác động của căng thẳng tài chính. Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, khi căng thẳng tài chính xảy ra sẽ tác động làm suy giảm thu nhập, tiêu dùng của cá nhân, hộ gia đình, đồng thời cũng làm chậm lại quá trình đầu tư tại các doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do đó, bên cạnh các biện pháp nhằm ổn định khu vực tài chính, Chính phủ cũng cần nghiên cứu thực hiện các biện pháp hỗ trợ các chủ thể trong nền kinh tế vượt qua các giai đoạn khó khăn, nhanh chóng ổn định quá trình sản xuất kinh doanh.

Tài liệu tham khảo

1. Berger, B. & Martin, B., 2011, “The Growth of Chinese Exports: An Examination of the Detailed Trade Data”, International Finance Discussion Papers, Number 1033.

2. Illing, M. and Y. Liu, 2003. “An Index of Financial Stress” Bank of Canada Working Paper No.2003-14.

3. Marszk, A., 2014, “Economic Integration and Foreign Direct Investment: Review of Main Theoretical Concepts”, Entrepreneurial Business and Economics Review 2(3): 79-89.

4. Morrison, W.M., 2019, “China’s Economic Rise: History, Trends, Challenges and Implications for the United States”, Congressional Research Service

5. Park, C.Y and Mercado, R.V. 2013, “Determinants of financial stress in emerging market economies”, Journal of Banking and Finance, 2013

6. Sun, L., Huang, Y., 2016, “Measuring the Instability of China’s Financial System: Indices Construction and an Early Warning System”, Discussion Paper No.2016-4, Jaanuary 27, 2016

7. Wong, C., 2011, “The Fiscal Stimulus Programme and Public Governance Issues in China”, OECD Journal on Budgeting, Vol. 11/3.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 19 năm 2020

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh nghiệm quốc tế về quản lý căng thẳng tài chính và bài học cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO