Hoạt động ngân hàng

Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Kiên Giang

ThS. Trần Trọng Triết 29/08/2024 - 08:44

Các chương trình tín dụng chính sách góp phần to lớn cùng tỉnh Kiên Giang hoàn thành vượt kế hoạch giảm nghèo hàng năm. Với nhiều chương trình cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được triển khai đã góp phần quan trọng trong công tác phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương.

nhcsxh-kien-giang.jpg
Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Kiên Giang. Ảnh: Internet

Trên thực tế, các chương trình tín dụng chính sách được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Kiên Giang chuyển tải đến tất cả các xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh bằng việc cho vay ủy thác qua các hội chính trị - xã hội, đoàn thể. Từ đó, tạo điều kiện để người nghèo, đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, học tập, tạo việc làm mới, ổn định chỗ ở… giúp người nghèo từng bước có thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Các chương trình tín dụng chính sách góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Được sự quan tâm của NHCSXH Việt Nam, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Kiên Giang và sự phối hợp chặt chẽ từ các sở, ban ngành, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, sự đồng tình ủng hộ của người dân, NHCSXH tỉnh Kiên Giang không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyển tải vốn đến hộ nghèo, các đối tượng chính sách.

Có thể khẳng định, vai trò của tín dụng chính sách là rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các chương trình được triển khai sâu rộng và đi vào cuộc sống, thực sự mang lại hiệu quả. Nhờ đó, các mục tiêu giảm nghèo của địa phương luôn đảm bảo hoàn thành.

Thời gian qua, NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã quyết liệt triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội, kịp thời giải ngân đến các đối tượng thụ hưởng để phát huy hiệu quả nguồn vốn. Kết quả đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đạt 6.114,4 tỷ đồng, tăng 3,9% so đầu năm; trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương 492,7 tỷ đồng, so năm 2023 tăng 71,3 tỷ đồng, đạt 158,5% kế hoạch Trung ương giao năm 2024. Đây là điểm tích cực thể hiện sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc dành nguồn lực từ ngân sách địa phương cho việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

Doanh số cho vay đạt mức khá cao, góp phần nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt tổng dư nợ đạt trên 6.097,4 tỷ đồng, tăng 224,4 tỷ đồng so đầu năm. Tổng số khách hàng còn dư nợ 162.222 khách hàng, bình quân dư nợ đạt 37,59 triệu đồng/khách hàng.

Chất lượng tín dụng chính sách tại NHCSXH tỉnh Kiên Giang xếp loại tốt. Hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh, tiếp tục khẳng định vai trò “trụ cột” của tín dụng chính sách trong công tác giảm nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 1,9% xuống 1,28%, hộ cận nghèo giảm từ 3,18% còn 2,23%.

Đặc biệt, trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền các cấp, sở, ban ngành và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc, đạt hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội. Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TW được ban hành đến nay, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác chuyển sang NHCSXH đạt 492,7 tỷ đồng.

Để đồng vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách được phát huy hiệu quả, NHCSXH tập trung nâng cao chất lượng tín dụng. Làm được điều đó chính nhờ vào năng lực của đội ngũ cán bộ và sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với các hội đoàn thể và sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Từ đó, thực hiện thường xuyên việc kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay. Nhất là khi NHCSXH thực hiện ủy thác cho các hội, đoàn thể và sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, chất lượng tín dụng được nâng lên rõ rệt.

Với vai trò là tổ chức tín dụng đặc thù, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; có đặc điểm riêng, vừa phải đảm bảo tính chất tín dụng, vừa mang tính xã hội hóa. Do đó, việc kiện toàn mô hình quản lý luôn được coi trọng; tập trung huy động sức mạnh tổng hợp trong quản lý nguồn vốn và chuyển tải nguồn vốn đến tay khách hàng để hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo.

Với phương châm “Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, đội ngũ cán bộ điều hành, tác nghiệp của NHCSXH tỉnh Kiên Giang đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, thử thách; nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm. Mạnh dạn tiếp nhận, quản lý an toàn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước.

Cùng với đó là công tác phối hợp với các hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở các cấp trong tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ quản lý cho đội ngũ cán bộ làm uỷ thác cho Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn cũng như tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho người vay vốn. NHCSXH luôn chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức, nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu của công việc ngày càng cao.

Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, NHCSXH tỉnh Kiên Giang tiếp tục tham mưu cấp ủy, Hội đồng nhân dân, UBND các cấp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân các chương trình tín dụng đến các đối tượng thụ hưởng khi được Trung ương phân bổ vốn; làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn và hoàn thành 100% các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững ở Kiên Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO