(thitruongtaichinhtiente.vn) - Các hướng dẫn mới đang được xây dựng để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng ở Singapore, nơi các dịch vụ mua ngay, trả sau (BNPL) đang có nhu cầu ngày càng tăng. Các nguyên tắc này nhằm ngăn ngừa rủi ro "mắc nợ quá mức” khi ngày càng có nhiều nhà bán lẻ cung cấp các tùy chọn thanh toán như vậy thông qua các nền tảng trực tuyến của họ.
Với mục tiêu sẵn sàng vào nửa cuối năm 2022, Hiệp hội Fintech Singapore (SFA) cho biết trong một tuyên bố hôm 21/3 rằng các hướng dẫn nhằm đảm bảo BNPL sẽ có "tác động tích cực" đến người tiêu dùng Singapore. Hiệp hội cho biết đã thành lập một nhóm làm việc để phát triển khuôn khổ BNPL. Tổ chức phi lợi nhuận này có 800 thành viên, bao gồm các bên liên quan khác nhau từ lĩnh vực Fintech, bao gồm các tổ chức tài chính lớn, thị trường thương mại điện tử, nền tảng thanh toán và các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu.
Theo SFA, nhóm công tác BNPL bao gồm các thành viên Grab, Atome và Hoolah và sẽ hoạt động dưới sự hướng dẫn của cơ quan quản lý ngành, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS).
Nhóm sẽ phát triển một bộ tài liệu để cung cấp các hướng dẫn hành vi và các biện pháp thực thi cho các tổ chức cung cấp dịch vụ BNPL.
Hiệp hội cho biết khuôn khổ này sẽ giữ các thành viên SFA tuân theo "các tiêu chuẩn đạo đức và nghề nghiệp cao nhất" trong ứng xử và thực hành.
Cụ thể, nhóm công tác BNPL sẽ phát triển các nguyên tắc nhằm duy trì sự công bằng, minh bạch và hòa nhập. SFA cho biết các quy trình ra quyết định phải minh bạch và kết quả phải phục vụ tất cả người tiêu dùng, đặc biệt là những người có hoàn cảnh dễ bị tổn thương.
Nhóm cũng sẽ tìm cách thúc đẩy một môi trường công bằng và đạo đức để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và xây dựng niềm tin của người dùng đối với các dịch vụ và nhà cung cấp BNPL.
SFA lưu ý rằng người tiêu dùng Singapore đã có quyền truy cập vào ngày càng nhiều dịch vụ BNPL trong những năm gần đây, do ngày càng có nhiều người bán áp dụng phương thức thanh toán này. Các nền tảng như Fave, Latitude Pay, Pace và Split, đã tham gia nhóm làm việc BNPL của SFA với tư cách là đối tác.
SFA cho biết, các dịch vụ BNPL đã giúp thúc đẩy sự phổ cập tài chính cho các phân khúc ít hay không có khả năng sử dụng dịch vụ ngân hàng, đồng thời cho biết thêm, sự xuất hiện của các tùy chọn thanh toán như vậy đã tăng cường tiếp cận tín dụng cho dân chúng nói chung.
Trợ lý giám đốc điều hành chính sách, thanh toán và tội phạm tài chính của MAS, Loo Siew Yee, cho biết: "Các chương trình BNPL được cung cấp ở Singapore hiện nay bao gồm một số biện pháp bảo vệ để giảm thiểu rủi ro do người tiêu dùng tích lũy nợ quá mức. Khuôn khổ BNPL sẽ là một bước tiến quan trọng chính thức hóa các tiêu chuẩn cho ngành để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng tiếp tục được bảo vệ."
Người đứng đầu bộ phận tuân thủ của Atome, Leanne Lim, lưu ý rằng khuôn khổ này nên hướng tới các nguyên tắc "phù hợp với rủi ro" nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, đồng thời cho phép "phát triển và đổi mới ngành BNPL lành mạnh và bền vững".
BNPL được dự đoán sẽ đạt tốc độ CAGR (tốc độ tăng trưởng kép hàng năm) là 40% ở Singapore, cho đến năm 2025, theo dữ liệu từ Báo cáo thanh toán toàn cầu Worldpay 2022 của FIS được công bố giữa tháng 3 năm nay.
Phương thức thanh toán này cũng sẽ tăng gấp đôi tỷ trọng trong giá trị giao dịch thương mại điện tử ở Singapore, từ 4% năm ngoái lên ước đạt 8% vào năm 2025. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng BNPL là phương thức thanh toán trực tuyến phát triển nhanh nhất ở Singapore, mà thị trường thương mại điện tử được dự báo sẽ đạt tốc độ CAGR 16%, đạt 10,7 tỷ đô la vào năm 2025.
Thẻ tín dụng và thẻ tính phí (thẻ tín dụng phi ngân hàng) là phương thức thanh toán trực tuyến chính trong năm ngoái, chiếm 42% tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử. Ví kỹ thuật số đã thúc đẩy 29% giao dịch, trong khi chuyển khoản ngân hàng chiếm 12%.
(theo ZDNet)