Các Hiệp hội ngành, nghề

Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 300 triệu USD

Nguyễn Huyền 08/06/2024 - 12:48

Khi Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc được ký kết, sẽ đưa kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng thêm từ 200 – 300 triệu USD/năm.

Trung Quốc chi 1 tỷ USD/năm để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh

Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng trên thị trường toàn cầu khoảng một triệu tấn/năm, trong đó thế giới chiếm thị phần từ 10 - 20%, còn lại khoảng 80% là Trung Quốc hoặc những nơi có cộng đồng người Hoa và người châu Á sinh sống.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), trong 4 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu được 469 triệu USD sầu riêng tươi. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 431 triệu USD, số còn lại là xuất đi các thị trường khác, như: Mỹ, EU và Thái Lan…

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, đáng chú ý, trong số các thị trường nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam có cả Thái Lan, nước xuất khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh lớn trên thế giới, đặc biệt là vào thị trường Trung Quốc.

“Mặc dù, Thái Lan có giấy phép xuất khẩu sầu riêng tươi và đông lạnh vào thị trường Trung Quốc, nhưng vào các tháng 1, 2 và 3 họ không có hàng cho nên phải nhập khẩu sầu riêng đông lạnh từ Việt Nam để xuất sang Trung Quốc. Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào Trung Quốc đang được hai nước đàm phán, dự kiến có thể trong quý III/2024 sẽ kết ký xong, khi đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả nói chung và sầu riêng nói riêng sẽ tăng rất nhiều. Dự kiến, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong năm nay sẽ tăng ít nhất là 200 - 300 triệu USD”, ông Nguyên nói.

Năm 2023, Trung Quốc đã chi 1 tỷ USD để nhập khẩu sầu riêng đông lạnh. Trong đó, họ nhập khẩu chủ yếu từ Thái Lan và Malaysia, nếu năm nay Việt Nam tham gia vào phân khúc này có thể chỉ chiếm từ 20 – 30% và khi đó kim ngạch nhập khẩu sầu riêng đông lạnh của Trung Quốc sẽ tăng lên vượt mức 1 tỷ USD. Do mới tham gia vào phân khúc này nên Việt Nam không thể sánh bằng Thái Lan hay Malaysia, những nước đã xuất khẩu sầu riêng đông lạnh từ khá lâu và thị phần của họ ở Trung Quốc cũng đã định hình.

Mới đây, tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Hoàng Trung và ông Triệu Tăng Liên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về thúc đẩy nông sản giữa hai nước qua các nghị định thư mới. Hiện hai bên cam kết sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với trái dừa tươi, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Riêng mặt hàng chanh leo và ớt đã được hai bên thực hiện xuất khẩu thí điểm, Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ thúc đẩy hoàn tất các thủ tục để sớm có thể ký 2 văn kiện này.

Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam

Dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc đạt 202,5 nghìn tấn, trị giá 1,09 tỷ USD, giảm 35,2% về lượng và giảm 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá sầu riêng tươi nhập khẩu trung bình trong 4 tháng đầu năm nay đạt 5.394,6 USD/tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2023.

Thái Lan là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn nhất cho Trung Quốc, tuy nhiên, trong 4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc từ thị trường này giảm mạnh. Tỷ trọng nhập khẩu sầu riêng tươi từ Thái Lan giảm xuống còn 60% trong tổng lượng nhập khẩu, giảm 26,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sầu riêng Thái Lan sang Trung Quốc trong giai đoạn này giảm một phần vì tình trạng nắng nóng và hạn hán đã ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch.

Việt Nam là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Đáng chú ý, Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng tươi từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm nay, đạt 79,3 nghìn tấn, trị giá 369,8 triệu USD, tăng 91,0% về lượng và tăng 81,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 39,2% tổng lượng sầu riêng tươi Trung Quốc nhập khẩu, tăng 25,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh. Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị
trường này.

Sầu riêng cũng là chủng loại quả xuất khẩu chính trong cơ cấu chủng loại quả xuất khẩu của Việt Nam. Việc đẩy mạnh xuất khẩu chủng loại trái cây này sẽ góp phần thúc đẩy xuất khẩu chủng loại quả của Việt Nam tăng trưởng tích cực trong năm 2024.

Tuy nhiên, để ngành rau quả Việt Nam phát triển bền vững cần chú trọng đầu tư các nhà máy chế biến trong đó có sầu riêng. Hiện nay, ngoài tiêu thụ tươi sầu riêng còn có đông lạnh, sấy khô và sản xuất nguyên liệu làm bánh.

Mới đây, Công ty Chánh Thu đã xây dựng nhà máy chế biến rau quả ở tỉnh Đắk Lắk, trước mắt nhà máy này sẽ cấp đông sầu riêng, sau này sẽ sản xuất các dạng nguyên liệu dùng làm bánh và puree. Cụ thể, cơm sầu riêng được tách hột và đánh thành dung dịch nhão dạng nguyên liệu, sau đó cấp đông và cho túi loại 5 kg, 10 kg… các nước nhập khẩu puree để làm bánh làm kẹo...

Trước làn sóng nông dân ồ ạt mở rộng diện tích sầu riêng, nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng các nhà máy chế biến rau quả. Khi có nhiều nhà máy chế biến rau quả đạt năng suất và đảm bảo tiêu thụ thì việc diện tích sầu riêng có tăng lên thêm cũng không đáng ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 300 triệu USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO