Hoạt động ngân hàng

An Giang: Tín dụng lĩnh vực nông nghiệp phát huy hiệu quả

ThS. Trần Trọng Triết 04/05/2024 - 13:57

Phát triển hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nông nghiệp gắn với tổ chức sản xuất hiện đại, liên kết doanh nghiệp hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, quy mô công nghiệp, khép kín từ sản xuất đến chế biến; ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân là định hướng dòng chảy tín dụng ngân hàng vào lĩnh vực ưu tiên.

gao-cua-tap-doan-loc-troi..jpg
An Giang: Tín dụng lĩnh vực nông nghiệp phát huy hiệu quả

Ngành Ngân hàng An Giang bám sát định hướng phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực của tỉnh là nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, phù hợp định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp tập trung, hiện đại, hiệu quả; chuyển đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực này, bước đầu phát huy hiệu đạt tích cực.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang cho biết, dư nợ tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 4/2024 ước đạt 115.384 tỷ đồng, tăng 2,54% so với cuối năm 2023.

Trong đó, dư nợ cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm 63,68% tổng dư nợ toàn địa bàn, đạt dư nợ tín dụng 71.373 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cuối năm 2023, gồm: dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 17.372 tỷ đồng, tăng 4,49%; dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 15.146 tỷ đồng, tăng 1,44%.

Đáng chú ý, những năm qua, hệ thống ngân hàng trên địa bàn đã ưu tiên phát triển HTX, THT, mô hình liên kết theo chuỗi, từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, nhiều mô hình liên kết chuỗi được xây dựng thành công, phát triển chuỗi nông sản chủ lực, như: Lúa gạo, rau màu, chăn nuôi, thủy sản...

Được biết, thực hiện Chương trình hành động 06-CTr/TU, UBND tỉnh phê duyệt đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, lồng ghép phát triển hệ sinh thái HTX nông nghiệp gắn với kế hoạch chuỗi liên kết của từng ngành hàng. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết của 5 ngành hàng thế mạnh, tiềm năng, vùng nguyên liệu sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị của doanh nghiệp và HTX, THT.

Cụ thể, ngành hàng lúa gạo hình thành vùng nguyên liệu sản xuất lúa ổn định áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, nhằm giảm giá thành, tăng hiệu quả sản xuất. Tỉnh hình thành vùng nguyên liệu liên kết bền vững giữa Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời với HTX nông nghiệp tại vùng sản xuất lúa trọng điểm ở các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Phú Tân, Châu Thành.

Ngành hàng rau màu được hình thành vùng nguyên liệu trồng bắp non, đậu nành rau do HTX, THT quản lý, gắn với nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần rau quả thực phẩm An Giang tại 2 huyện Châu Phú và Chợ Mới, diện tích liên kết đạt 4.265ha/năm. Ngành hàng cây ăn trái hình thành các vùng nguyên liệu, như: xoài, chuối, sầu riêng, mít, cây có múi, diện tích trên 19.500ha. Nổi bật là chuỗi liên kết xoài của HTX GAP Cù Lao Giêng tại vùng sản xuất chuyên canh xoài của 3 xã Cù Lao Giêng (Chợ Mới) với chợ đầu mối, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, tỉnh hình thành vùng nuôi cá tra liên kết, diện tích 1.070ha, nổi bật là vùng sản xuất cá tra giống công nghệ cao tại thị xã Tân Châu của Tập đoàn Việt Úc. Tỉnh cơ bản hình thành vùng chăn nuôi gia công heo thịt, gà thịt, vịt thịt tại thị xã Tịnh Biên, huyện Tri Tôn, Châu Phú, Thoại Sơn của Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty Thagrico…

Chia sẻ về nhiệm vụ thời gian tới, ông Dũng cho biết, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm năm 2024 trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp Thống đốc quản lý nhà nước về tiền tệ, tín dụng, ngoại hối và hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Nắm bắt kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách và những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện triển khai, tập trung tháo gỡ, xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền; báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề xuất tham mưu chỉnh sửa cơ chế chính sách phù hợp với thực tiển.

Thường xuyên theo dõi sát tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn để kịp thời tổng hợp, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Ngân hàng Nhà nước Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền. Tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực các Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp và chủ động xử lý các kiến nghị đối với hoạt động ngân hàng.

Tiếp tục thực hiện công bố công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có) theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Quyết liệt triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng đúng, trúng mục tiêu, an toàn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng của nền kinh tế; Cân đối và sử dụng nguồn vốn hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo... và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng.

Chủ động triển khai hiệu quả, công khai, minh bạch các gói/chương trình tín dụng ưu đãi theo thẩm quyền phù hợp với đặc thù của từng ngân hàng đối với các lĩnh vực quan trọng, góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.

Toàn tỉnh có 287 HTX hoạt động trên 6 lĩnh vực và 1.099 THT. Hiện có 12 sản phẩm của HTX, THT tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong đó, 4 sản phẩm của HTX đạt chuẩn OCOP 3 sao, gồm: xoài keo của HTX nông nghiệp Long Bình (An Phú), sà-rông của HTX Dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo (Tịnh Biên), khô ếch một nắng của HTX Thương mại - dịch vụ - chăn nuôi ếch Khánh Hòa, nhãn xuồng của HTX Thương mại - dịch vụ - du lịch nông nghiệp Khánh Hòa (Châu Phú).

An Giang có 8 sản phẩm tiềm năng, gồm: gạo mùa lúa nổi của HTX nông nghiệp Vĩnh Phát, sầu riêng của HTX sản xuất - thương mại - dịch vụ Phước Lộc Thạnh, khô lươn của HTX thương mại - dịch vụ nuôi lươn VietGAP Thạnh Mỹ Tây (Châu Phú); xoài hạt lép của HTX GAP Cù Lao Giêng, bắp bao tử của HTX Nông sản GlobalGAP (huyện Chợ Mới), khô cá điêu hồng của HTX Mỹ Hòa Hưng (Long Xuyên), nấm bào ngư của HTX sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Châu Thành (Châu Thành), quýt hồng Núi Cấm của THT trồng cây có múi (Tịnh Biên).

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Tín dụng lĩnh vực nông nghiệp phát huy hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO