Hoạt động ngân hàng

An Giang: Tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp

ThS. Trần Trọng Triết 17/05/2024 06:30

Nhờ chủ động, linh hoạt cung ứng vốn tín dụng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh An Giang đã sẵn sàng và chủ động làm việc trực tiếp với khách hàng,cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Bám sát chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ hoạt động ngân hàng trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai tích cực các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; tiếp tục tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý; tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án, chính sách tín dụng; tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đảm bảo kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn gặp khó khăn…

z5446541916536_c5c47134055c2ea9fe8b43f4a4387ca9.jpg
An Giang: Tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Nguồn: Internet

Kết quả dư nợ tín dụng cuối tháng 4/2024 đạt 113.808 tỷ đồng, tăng 1,14% so với cuối năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn là 88.920 tỷ đồng chiếm 78,13% tổng dư nợ, dư nợ cho vay trung dài hạn là 24.888 tỷ đồng chiếm 21,87% tổng dư nợ.

Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh An Giang cho biết, ngành Ngân hàng An Giang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng vay; tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đối với 2 mặt hàng chủ lực của tỉnh có tỷ lệ tăng trưởng cao (cho vay lúa, gạo tăng 9,7%; thủy sản tăng 3,2%).

Đáng chú ý, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang tập trung hướng dòng vốn vào 3 động lực tăng trưởng và 5 lĩnh vực ưu tiên, năm 2024, triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu, khách hàng còn được tư vấn giải pháp tài chính toàn diện, phù hợp với nhu cầu và thực tế triển khai sản xuất kinh doanh như dịch vụ tài khoản, thanh toán và quản lý dòng tiền, ngân hàng điện tử, dịch vụ thẻ, tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế.

Đồng hành cùng doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định và đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, các ngân hàng cho vay vốn tín dụng ưu đãi ngắn hạn với lãi suất thấp hơn so với sàn lãi suất cho vay thông thường đến 1,5%/năm, tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng để bổ sung vốn lưu động trong ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh. Lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Việc các ngân hàng chủ động dành nguồn vốn ưu đãi lớn hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là trong giai đoạn then chốt của nền kinh tế Việt Nam.

Đảm bảo kịp thời hỗ trợ khách hàng vay vốn gặp khó khăn, ngân hàng tích cực triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đến nay các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 33 doanh nghiệp và 186 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.565 tỷ đồng, dư nợ lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 62 tỷ đồng.

Song hành với tín dụng thương mại, kết quả cho vay tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đạt tổng dư nợ là 5.190 tỷ đồng, với hơn 151 ngàn hộ còn dư nợ, tăng 200 tỷ đồng so cuối năm 2023, tỷ lệ tăng 4%. Trong đó, dư nợ cho vay một số chương trình, như: dư nợ cho vay hộ nghèo là 252,94 tỷ đồng, với 11.749 hộ; dư nợ cho vay hộ cận nghèo là 252,94 tỷ đồng, với 11.749 hộ; dư nợ cho vay hộ mới thoát nghèo là 758,18 tỷ đồng, với 20.071 hộ; dư nợ cho vay giải quyết việc làm là 935,52 tỷ đồng, với 21.539 hộ; dư nợ cho vay học sinh sinh viên là 959,92 tỷ đồng, với 17.458 hộ; dư nợ cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn là 223,65 tỷ đồng, với 6.450 hộ,… Dư nợ cho vay người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định số 22/2023/TTg là 2,12 tỷ đồng, với 34 hộ.

Để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh, từ nay đến cuối năm Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm hàng năm trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương; trong đó, tập trung đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế được tiếp cận vốn vay, góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen” tại địa phương.

Tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cái cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng công tác thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai các chương trình cho vay ưu đãi theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh cũng sẽ tăng cường chỉ đạo các ngân hàng thương mại tổ chức kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư tại địa phương; Chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
An Giang: Tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO