Bitcoin, Libra: tiền thuật toán thách thức tư duy chính sách?

ThS. Phạm Xuân Hòe| 03/08/2020 09:45
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ phân tích cụ thể khái niệm của tiền thuật toán, đặc biệt với hai đồng tiền thuật toán là Bitcoin và Libra, bài viết đánh giá về sự ảnh hưởng của tiền ảo/tiền thuật toán nói chung đến tư duy chính sách của các nhà quản lý ở Việt Nam.

Tóm tắt: Du nhập vào Việt Nam từ năm 2013, đến nay thị trường Bitcoin và các tiền ảo khác đã dần hình thành. Mặc dù có rất ít thống kê chi tiết về hoạt động của thị trường song qua số lượng trang thông tin về Bitcoin và tiền ảo ngày càng nở rộ trên mạng Internet và việc Việt Nam luôn đứng trong nhóm đầu thế giới về truy cập vào các trang điện tử, các sàn giao dịch lớn trên thế giới như Coinmarketcap, Bittrex có thể đánh giá số lượng người quan tâm đến Bitcoin và tiền ảo ở Việt Nam rất lớn và thị trường tiền ảo khá sôi động. Từ phân tích cụ thể khái niệm của tiền thuật toán, đặc biệt với hai đồng tiền thuật toán là Bitcoin và Libra, bài viết đánh giá về sự ảnh hưởng của tiền ảo/tiền thuật toán nói chung đến tư duy chính sách của các nhà quản lý ở Việt Nam.

Bitcoin, Libra – virtual currencies  challenging policy thinking?

Abstract: Adopted in Vietnam since 2013, up to now the market of Bitcoin and other virtual currencies has gradually formed. Although statistic information of this market is very limited, the number of information pages about Bitcoin and virtual currencies is increasing in the Internet and Vietnam is always in the top group of the world in terms of number of accesses to the websites, major exchanges in the world such as Coinmarketcap, Bittrex showing that  number of people interested in Bitcoin and crypto currencies in Vietnam is very large and the virtual money market is quite vibrant. From specific analysis of the concept of crypto currencies, especially Bitcoin and Libra, the article evaluates the influence of crypto currencies/virtual currencies in general to the policy thinking of  management agencies in Vietnam.

1. Khái niệm tiền thuật toán và sự hình thành của tiền thuật toán

Tiền thuật toán hay tiền ảo lần đầu tiên được biết đến vào năm 1982 do David Chaum, một tiến sỹ ngành khoa học máy tính của Đại học California phát minh ra. Sau đó, Chaum đã thành lập Công ty DigiCash vào năm 1990 để chuyên bán các loại thẻ thông minh sử dụng trong một hệ thống giới hạn. Vào năm 1994, công ty này là đơn vị đầu tiên tiến hành giao dịch thanh toán tiền điện tử thông qua một mạng lưới máy tính công cộng. Tiếp sau DigiCash, một loạt các công ty như Dexit, InternetCash, Qpass, Flooz, Mondex và NetCheque cũng tham gia thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến tương tự. Tuy nhiên, vào thời điểm đó không công ty nào đạt được các giao dịch đáng kể nên ít được quan tâm tới. Sự phát triển của tiền ảo chỉ thực sự bùng nổ trong những năm gần đây với sự ra đời của đồng tiền mã hóa với tiền thân là đồng Bitcoin. Giai đoạn cuối năm 2008 - đầu năm 2009, cuộc khủng hoảng kinh tế (xuất phát từ cuộc khủng hoảng nhà đất ở Mỹ) bắt đầu lan rộng trên phạm vi toàn cầu, khu vực châu Âu cũng rơi vào khủng hoảng nợ công khiến NHTW tại nhiều nước trên thế giới liên tục phải nới lỏng chính sách tiền tệ (tăng cung tiền, giảm lãi suất…) để hỗ trợ nền kinh tế. Điều này khiến nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng lạm phát, lòng tin vào đồng tiền của Chính phủ bị suy giảm, nhu cầu tìm kiếm những nơi đầu tư/trú ẩn an toàn cho tài sản của người dân ngày một tăng cao.

Trong bối cảnh đó, vào tháng 11/2008, một bản thiết kế mô tả chi tiết về một loại tiền kỹ thuật số thế hệ mới (được gọi là cryptocurrency) mang tên Bitcoin cùng hệ thống Bitcoin đã được đưa lên mạng internet. Tới ngày 3/1/2009, Bitcoin đã chính thức được ra đời với sự xuất hiện của những đồng Bitcoin đầu tiên. Đồng tiền này được tạo ra bởi một người hoặc tổ chức có biệt danh là Satoshi Nakamoto. Sự thành công của Bitcoin những năm sau đó đã dẫn đến sự ra đời của một loạt các đồng tiền ảo khác và đặt ra thách thức với các ngân hàng trung ương, các nhà điều hành chính sách toàn cầu.

Vậy tiền thuật toán/tiền ảo thực chất là gì? Khác gì so với tiền pháp định, tiền điện tử?

Theo ECB (2016), tiền ảo là sự hiển thị số của giá trị, không được phát hành bởi tổ chức tài chính hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ tiền điện tử, trong vài trường hợp tiền ảo có thể được sử dụng thay thế cho tiền.

FATF (2014) định nghĩa tiền ảo là đại diện số của giá trị, có thể được giao dịch bằng kỹ thuật số và hoạt động như một phương tiện trao đổi; và/hoặc một đơn vị tài khoản; và/hoặc phương tiện cất trữ giá trị, nhưng không có tư cách pháp lý (ví dụ, là một đề nghị thanh toán hợp lệ và hợp pháp). Tiền ảo không được phát hành hoặc được đảm bảo bởi bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào và chỉ thực hiện các chức năng nêu trên theo thỏa thuận trong cộng đồng người dùng tiền ảo.

IMF (2017) định nghĩa tiền ảo (virtual currency) là biểu hiện số của giá trị, được phát hành bởi nhà phát triển tư nhân (private developers) và được niêm yết theo đơn vị riêng. Tiền ảo, theo IMF, có thể được thu giữ, lưu trữ, tiếp cận và giao dịch trực tuyến; có thể sử dụng cho nhiều mục đích miễn là các bên giao dịch đồng ý sử dụng chúng. Khái niệm tiền ảo bao trùm hàng loạt các loại tiền từ công cụ nợ đơn giản của người phát hành mà có thể giao dịch (ví dụ như thẻ nạp điện thoại, Internet, số dặm bay của hàng hàng không), đến các loại tiền được đối ứng (backup) bởi tài sản nào đó, chẳng hạn như vàng và đến các loại tiền thuật toán/mã hóa chẳng hạn như Bitcoin.

Như vậy, mặc dù còn khá nhiều định nghĩa khác nhau xoay quanh khái niệm “tiền ảo” tuy nhiên, về cơ bản các khái niệm đều có sự thống nhất trong việc nhận định tiền ảo có những đặc tính cơ bản sau: (i) là một đại diện về mặt giá trị dưới hình thức số hóa, tức là khái niệm tiền ảo là khái niệm con của khái niệm tiền kỹ thuật số (digital currency); (ii) không được ban hành bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, được phát hành bởi các nhà phát triển tư nhân và được quy ước bằng đơn vị thanh toán riêng.

Tiền ảo được phân biệt với tiền tệ quốc gia – hay tiền pháp định (fiat money), là tiền xu và tiền giấy của một quốc gia được chỉ định hợp pháp; lưu hành; và được sử dụng thường xuyên và được chấp nhận làm phương tiện trao đổi tại quốc gia phát hành. Tiền ảo khác với tiền điện tử (e-money), là một đại diện kỹ thuật số của tiền tệ quốc gia. Tiền điện tử là một cơ chế chuyển giao kỹ thuật số hợp pháp cho tiền tệ quốc gia. Tức là trong khi tiền điện tử chỉ là cơ chế thanh toán dưới dạng kỹ thuật số cho tiền pháp định thì tiền ảo lại có đơn vị tính toán riêng và không thể coi là phương tiện thanh toán thay cho tiền giấy.

Bitcoin hay Libra thực chất là gì?

Dưới góc độ kinh tế, tiền tệ, Bitcoin là một hệ thống tiền tệ phi tập trung (decentralized) và ngang hàng (peer to peer). Một Bitcoin là đơn vị tiền tệ gốc của mạng Bitcoin và có tổng cộng khoảng 21 triệu Bitcoin được phát hành. Mặc dù Bitcoin là đơn vị chính của tài khoản, mỗi Bitcoin có thể chia hết cho 100.000.000, được gọi là satoshis.

Thực tế Bitcoin là một từ đa nghĩa. Dưới góc độ công nghệ, Bitcoin vừa là một giao thức, một phần mềm mã nguồn mở, một mạng lưới, một cơ sở dữ liệu phân tán (Pedro Franco, 2015; Strative. O, 2018) 

Có thể hiểu Bitcoin là một dạng giao thức, một công nghệ trong đó người dùng trao đổi một loại tiền ảo với nhau chứ không phải là một tổ chức, hệ thống có địa chỉ cụ thể trên Internet. Có thể so sánh Bitcoin với email - giao thức giúp người dùng trao đổi thư từ với nhau qua Internet.

Bitcoin là giao thức mã nguồn mở (open-source), nghĩa là bản thiết kế bao gồm các quy tắc và nguyên lý vận hành của hệ thống được công khai toàn bộ cho cộng đồng. Các phần mềm liên quan đến hệ thống Bitcoin như ví điện tử hay sàn giao dịch đều phải được lập trình theo nguyên tắc này thì mới có thể tham gia vào hệ thống.

Bitcoin là một cơ sở dữ liệu phân tán. Toàn bộ lịch sử giao dịch của hệ thống tiền tệ Bitcoin đều được ghi lại trong một cơ sở dữ liệu gọi là “Blockchain” (chuỗi khối). Có thể coi Blockchain như một cuốn sổ cái (ledger) trong đó chứa dữ liệu về tất cả các giao dịch Bitcoin đã từng được thực hiện từ trước đến nay. Từ cuốn sổ cái này có thể suy ra được tất cả các tài khoản đang tồn tại và số dư trong từng tài khoản. Điểm đặc biệt của mạng lưới Bitcoin là cuốn sổ cái blockchain được công khai, lưu trữ và quản lý bởi chính mạng lưới người dùng.

Libra lần đầu tiên được Facebook công bố vào ngày 18/6/2019 cùng với việc phát hành Báo cáo trắng về đồng Libra. Cũng giống như Bitcoin, Libra là một loại tiền mã hóa sử dụng công nghệ blockchain để vận hành. Facebook trước đây đã thành lập Libra Association để giám sát loại tiền này, bao gồm 28 thành viên ban đầu, gồm nhiều tên tuổi lớn trên thế giới trong các lĩnh vực thanh toán, công nghệ và thương mại điện tử, viễn thông, blockchain, đầu tư mạo hiểm, các tổ chức phi lợi nhuận và đa phương và các tổ chức học thuật.

Dự án phát hành đồng Libra của Facebook là “bom tấn” cho giới  công nghệ tài chính và lập pháp. Libra cũng là đồng tiền số nhưng tham vọng của dự án này còn khủng khiếp hơn nhiều, với việc neo giữ đồng Libra với các đồng tiền mạnh và trái phiếu chính phủ của các quốc gia theo tỷ lệ nhất định, nếu thành công sẽ vô tình biến Libra trở thành đồng tiền chuyển đổi chung của thế giới có xu hướng ổn định, vì nó được gắn với rổ tiền tệ mạnh của thế giới thực. Bên cạnh đó,  lượng người dùng của Facebook là 2,4 tỷ người có thể tạo ra đế chế tiền tệ không thể lường hết.

2. Tiền ảo và mối liên hệ với các hình thái tiền tệ của nhân loại

Khái niệm tiền là vật ngang giá chung có tính thanh khoản cao nhất dùng để trao đổi lấy hàng hóa và dịch vụ nhằm thỏa mãn bản thân và mang tính dễ thu nhận. Tiền có 3 chức năng quan trọng: thước đo giá trị; phương tiện thanh toán; và phương tiện để tích lũy của cải.

Từ thời hồng hoang lịch sử của loài người, các hình thái của tiền tệ cũng đã hình thành. Có nơi dùng vỏ sò làm tiền, có nơi dùng da dê, da ngựa làm tiền… cuối cùng quá trình chọn lọc và với tính chất quý hiếm, dễ phân nhỏ, dễ cô lại thành khối to, thì vàng đã được trao sứ mệnh là đồng tiền thật của nhân loại, sau dần tiền giấy, tiền ngân hàng được phát hành.

Khi công nghệ phát triển chóng mặt như ngày nay, loài người đang sống trong 2 thế giới, thế giới thực và thế giới ảo (thế giới mạng). Sự bùng nổ của mạng internet, với công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghiệp lần thứ tư như Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Blockchain, AI, in 3D, Nano… mang đến cơ hội cho nhiều quốc gia cũng như dân tộc vươn lên trong thời đại số. Bitcoin, Libra và nhiều đồng tiền số khác ra đời có lẽ là những hình thái tiền tệ của thế giới mạng trong tương lai mà loài người sẽ dùng? Bởi nó cũng có đủ 3 chức năng của tiền là thước đo giá trị, là phương tiện thanh toán và cũng dùng để tích trữ của cải. Chỉ có điều nó được tạo ra bởi các thuật toán lập trình, người nắm giữ nó có một mật mã là họ có quyền ngang hàng với bất kỳ ai, không kể tỷ phú hay người nghèo của các quốc gia khác nhau, hay bất cứ tổ chức nào, nếu cứ nắm giữ một lượng đồng tiền số là có thể trao đổi bình đẳng không cần ai phê duyệt, cho phép.

3. Tiền số thách thức tư duy chính sách

Hãy thử tượng tượng rồi đây, đồng tiền Bitcoin, Libra, JPM Coin, SBI Coin được sử dụng trong trao đổi mua bán hàng hóa, dịch vụ trong thanh toán chuyển tiền toàn cầu sẽ tác động thế nào về hệ thống thanh toán, chính sách tiền tệ và thuế khóa của mỗi quốc gia.

Điều dễ nhận thấy trước tiên, khi mà đồng Libra hay bất cứ liên minh nào khác dùng kỹ thuật số tạo ra (phát hành) một loại tiền khi nó đủ lớn tạo ra hệ thống ngân hàng ngầm (trên mạng) sẽ khuynh đảo việc kiểm soát lượng tiền trong lưu thông của bất kỳ ngân hàng trung ương nào. Đây thực sự là thách thức cho chính sách tiền tệ độc lập. Tham vọng của Facebook tạo ra đồng Libra gần như đồng tiền chuyển đổi chung của thế giới đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của Bộ trưởng Tài chính Pháp hay các nghị sỹ Hạ viện của Mỹ không phải ở lý do đơn thuần về một đồng tiền trong thế giới ảo hoặc mất lòng tin của Facebook mà là thách thức quyền lực của đồng bạc xanh (USD) hay đồng Euro. Với các quốc gia đang phát triển, nếu đồng tiền nội tệ bị lạm phát cao bào mòn thì sẽ xuất hiện tình trạng “đô la hóa’’, “Libra hóa”, vì niềm tin của người dân vào nội tệ không cao chuyển sang nắm giữ đồng tiền ngoại tệ tốt hơn. Như vậy, hiệu lực của điều hành chính sách tiền tệ trở nên kém hơn.

Hệ thống thanh toán quốc gia hay chuyển tiền đi quốc tế cũng sẽ trở nên bị đe dọa nhiều hơn. Khi có mật mã nắm trong tay, có tiền số tích trữ trong máy tính cá nhân có kết nối mạng internet là họ có thể chuyển đi bất kỳ đâu. Khi ấy việc kiểm soát tiền tệ ra/vào quốc gia trở nên rất khó khăn và đầy thách thức, ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ, khó khăn trong điều hành tỷ giá. Và nhất là vấn đề kiểm soát rửa tiền hay tài trợ cho khủng bố càng thách thức hơn. Đơn cử vụ việc sử dụng mạng internet (công nghệ kết nối chưa phải tiền kỹ thuật số) của công dân Trung Quốc sang du lịch Việt Nam cà thẻ vào POS của doanh nghiệp Trung Quốc đặt chui ở Việt Nam chuyển thẳng tiền về Trung Quốc cũng đã làm cho các cơ quan quản lý rất đau đầu.

Việt Nam đã có những bước đi ban đầu về việc xử lý các vấn đề của tài sản ảo, tiền ảo bằng việc Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1255/QĐ-TTg, ngày 21/8/2018, “Phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo”. Chính phủ đã chỉ rõ các bộ, ngành chức năng theo nhiệm vụ nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, hiện trạng pháp lý trong nước và đề xuất hoàn thiện khung pháp lý cho vấn đề trên.

 Tuy nhiên, tiến độ rất cần tăng tốc hơn, sự phối hợp các bộ, ngành cần chuyên nghiệp hơn trong môi trường mà công nghệ thay đổi từng ngày từng giờ, thực tế của thị trường không thể ngồi chờ chính sách. Đã có những Startup người Việt di dời sang Singapore để đăng ký thành lập nhưng lại nhắm về thị trường Việt Nam để kinh doanh, vì Việt Nam chưa có quy định pháp lý. Để gỡ nút thắt này, tác giả bài viết cho rằng cần có cuộc cách mạng về tư duy chính sách, cần có tư duy thực sự đổi mới từ cách tiếp cận cho đến việc thiết kế, xây dựng chính sách cởi mở hơn mới có thể tạo đột phá cho nền kinh tế. Cần đoạn tuyệt với tư duy “không quản được thì cấm” hoặc mang “cái áo cũ” bắt các Startup khởi nghiệp kinh doanh trên mô hình kinh doanh mới chui vào, triệt tiêu hoàn toàn sáng tạo. Cần có biện pháp loại bỏ tư tưởng đùn đẩy, sợ trách nhiệm của các bộ ngành trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật mới có thể kỳ vọng về cuộc đột phá trong hoạch định chính sách phát triển.

Thử suy ngẫm về khái niệm “tài sản” được xác định tại Điều 105 Bộ Luật dân sự 2015, khái niệm “tài sản” bao gồm: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”. Trong khi đó, khái niệm “tài sản” của quốc tế được đề cập trong các từ điển như Investopia, Cambridge,… được định nghĩa: “Tài sản là một tài nguyên có giá trị kinh tế mà một cá nhân, tổ chức hoặc quốc gia sở hữu hoặc kiểm soát với kỳ vọng rằng nó sẽ mang lại lợi ích trong tương lai”. Có thể thấy, “tài sản” theo quy định của pháp luật Việt Nam mang tính chất liệt kê những đối tượng được coi là tài sản, trong khi đó, khái niệm “tài sản” của quốc tế lại mang tính mở và khái quát cao. Như vậy, theo cách tiếp cận quốc tế thì đương nhiên tiền ảo, tài sản ảo là thuộc tài nguyên số, khi kinh doanh mua bán, chuyển nhượng mang lại giá trị thì phải chịu thuế. Trong khi Việt Nam còn khá lúng túng với khái niệm này.

“Tài sản ảo là một hình thức đại diện dưới dạng kỹ thuật số của giá trị, có thể được giao dịch, chuyển giao tự động và có thể được sử dụng cho mục đích thanh toán hoặc đầu tư. Tài sản ảo không phải là tiền kỹ thuật số, chứng khoán và các tài sản tài chính khác đã được đề cập ở những văn bản  khác trong Khuyến nghị của FATF”. Đây là định nghĩa về tài sản ảo của FATF (Ủy ban hành động tài chính của G7) đã được thế giới công nhận nhưng chưa được quy định trong pháp luật của Việt Nam. Điều này dẫn đến các giao dịch liên quan đến các “tài sản ảo” tại Việt Nam thiếu hành lang pháp lý để kiểm soát, dễ bị lợi dụng để thực hiện các hoạt động không hợp pháp.

Tài liệu tham khảo:

1. Anton Badev, Matthew Chen (2014), Bitcoin: Technical background and data analysis

2. Andrea Borroni (2015), Bitcoins: Regulatory Patterns, Banking & Financial Law Review

3. Artemov, N. M., Arzumanova, L. L., Sitnik, A. A., & Zenin, S. S. (2017). Regulation and control of virtual currency: To be or not to be. Journal of Advanced Research in Law and Economics, 8(5), 1428-1435.

4. Bank for International Settlements – BIS (2015), Digital Currencies, Committee on Payments and Market Infrastructures, ISBN 978-92-9197-385-9

5. Bank for International Settlements – BIS (2018), Annual Economic Report, ISBN 978-92-9259-174-8 (online)

6. BIG - Blockchain Intelligence Group inc. ("BIG")  comments on top emerging patterns in international cryptocurrency regulation development and offers policy recommendations. (2018, May 15). Dow Jones Institutional News Retrieved from https://search.proquest.com/docview/2039062198?accountid=135225

7. ECB (2012), Virtual Currency Schemes, European Central Bank

www.ecb.europa.eu/pub/pdf/other/virtualcurrencyschemes201210en.pdf

8. ECB (2015), Virtual Currency Schemes – A further analysis, European Central Bank

9. IMF (2016), Virtual Currencies and Beyond: Initial Considerations. Monetary and Capital Markets, Legal, and Strategy and Policy Review Departments. International Monetary Fund, SDN/16/03, January.

10. https://vi.wikipedia.org/wiki/Libra_ (ti%E1%BB%81n_m%C3%A3_ho%C3%A1)

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 3+4 năm 2020

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bitcoin, Libra: tiền thuật toán thách thức tư duy chính sách?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO