Nghiên cứu - Trao đổi

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước và kinh doanh an toàn cho tổ chức tín dụng

TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh 11/08/2024 07:04

Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thông tin tín dụng là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý, chỉ đạo điều hành của NHNN, đồng thời hỗ trợ các TCTD kinh doanh an toàn, hiệu quả cũng như đáp ứng tiến trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, một số văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động cấp tín dụng, phân loại nợ, bảo mật an toàn thông tin... đã có nhiều thay đổi tác động đến hoạt động thông tin tín dụng. Bên cạnh đó, yêu cầu sử dụng sản phẩm dịch vụ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung và viết tắt là TCTD) và khách hàng vay ngày càng cao, đòi hỏi phải tiếp tục mở rộng phạm vi thu thập thông tin để phát triển cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, tạo nền tảng để tạo lập các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn. Do đó, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thông tin tín dụng là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng mục tiêu quản lý, chỉ đạo điều hành của NHNN, đồng thời hỗ trợ các TCTD kinh doanh an toàn, hiệu quả cũng như đáp ứng tiến trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng.

Từ khóa: thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng

COMPLETING THE LEGAL FRAMEWORK ON CREDIT INFORMATION TO SUPPORT THE MANAGEMENT OF THE STATE BANK OF VIETNAM AND ENSURE SAFE BANKING OPERATIONS FOR CREDIT INSTITUTIONS

Abstract: To continue perfecting the legal framework on credit information, meeting the management and operational objectives of the State Bank of Vietnam (SBV), while supporting safe and efficient credit business operations of credit institutions, the SBV has conducted a review to establish and update regulations on its credit information activities.

Based on enhancement target of providing the transparency of information and the accessibility of credit for individuals and businesses, it is necessary to strengthen direct services for loan customers, ensuring their rights and improving the effectiveness of customer support activities, guaranteeing quick and convenient access to information. The existing limitations and shortcomings have been significantly impacting the SBV’s credit information activities as well as the business operations of credit institutions. Therefore, completing the legal framework on credit information is crucial to address difficulties and obstacles in the implementation and updating process to keep up with the digital transformation in the banking industry.

Keyword: credit credit information, the State Bank of Vietnam, credit institutions

1. THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN TÍN DỤNG CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG

- Về cấp tín dụng:

Các văn bản quy định bao gồm Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của NHNN về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế cho Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013, Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/03/2014 của NHNN và Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Tuy nhiên, tại Thông tư số 03/2013/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2017/TT-NHNN), các chỉ tiêu thu thập thông tin lại được thiết kế theo hệ thống tài khoản kế toán trước đây của các TCTD. Mặc dù về bản chất, dư nợ và tình trạng nợ của khách hàng vẫn được đảm bảo, được phản ánh chính xác trong cơ sở dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia (CIC), nhưng hệ thống chỉ tiêu thu thập thông tin cũ, chưa được phân tổ phù hợp theo các văn bản chỉ đạo mới của NHNN. Do vậy, dẫn đến sự chưa thống nhất giữa số liệu tổng hợp của CIC và số liệu báo cáo thống kê của NHNN theo một số tiêu chí nhất định, như mục đích sử dụng tiền vay, dư nợ theo ngành nghề, lĩnh vực...

- Về an toàn, bảo mật thông tin:

Tại Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng là thông tin do khách hàng cung cấp, thông tin phát sinh trong quá trình khách hàng đề nghị hoặc được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung ứng các nghiệp vụ ngân hàng, sản phẩm, dịch vụ trong hoạt động được phép, bao gồm thông tin định danh khách hàng và thông tin (gồm: thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi, thông tin về giao dịch, thông tin về tổ chức, cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thông tin có liên quan khác)1.

Nguyên tắc thông tin khách hàng của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải được giữ bí mật và chỉ được cung cấp theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan2.

TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài căn cứ quy định của pháp luật, Nghị định 117 này để ban hành quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng và tổ chức thực hiện thống nhất trong TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong đó tối thiểu có các nội dung sau đây3: (i) Quy trình, thủ tục tiếp nhận, xử lý và cung cấp thông tin khách hàng; quy trình, thủ tục lưu trữ, bảo vệ bí mật thông tin khách hàng; (ii) Việc giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định nội bộ về giữ bí mật, lưu trữ, cung cấp thông tin khách hàng; (iii) Phân cấp thẩm quyền, quyền hạn, nghĩa vụ của các đơn vị, cá nhân trong việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin khách hàng.

Ngành Ngân hàng cũng đang triển khai quyết liệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các đơn vị trong ngành Ngân hàng, kết nối với doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế số.

Do vậy, NHNN cần hoàn thiện đồng bộ khuôn khổ pháp lý về thông tin tín dụng để vừa hỗ trợ công tác quản lý của NHNN vừa đảm bảo kinh doanh an toàn cho tổ chức tín dụng.

- Yêu cầu thông tin của các đơn vị NHNN, giảm tải báo cáo thống kê cho các TCTD

Theo kết quả đánh giá tại Đề án phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia giai đoạn 2015 – 2020, cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia chưa thực sự là đầu mối dữ liệu tín dụng của ngành, chưa góp phần hiệu quả trong việc giảm tải hệ thống báo cáo của TCTD cho các đơn vị, Vụ, Cục của NHNN. Cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia chưa thu thập, kết nối hiệu quả với một số nguồn dữ liệu ngoài ngành.

2. HOÀN THIỆN KHUÔN KHỔ PHÁP LÝ VỀ THÔNG TIN TÍN DỤNG CỦA NGÀNH NGÂN HÀNG

Thứ nhất, ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 03/2013/TT-NHNN quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN

Trên cơ sở tăng cường tính minh bạch của thông tin và khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp, cần đẩy mạnh các dịch vụ trực tiếp cho khách hàng vay, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ khách hàng, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin được nhanh chóng, thuận tiện. Những hạn chế bất cập trên đã và đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thông tin tín dụng của NHNN cũng như hoạt động kinh doanh của TCTD. Do đó, cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thông tin tín dụng, trước hết là sớm xây dựng, ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 03/2013/TT-NHNN.

Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2023 ban hành kèm theo Quyết định số 446/QĐ-NHNN ngày 24/3/2023 của NHNN, Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng được giao là đơn vị đầu mối phối hợp với CIC và các đơn vị liên quan xây dựng Thông tư thay thế Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 (và các văn bản sửa đổi, bổ sung) quy định về hoạt động thông tin tín dụng của NHNN (Thông tư số 03). Sau quá trình nghiên cứu, xây dựng, lấy ý kiến trong và ngoài NHNN, dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 03 đang được gửi Vụ Pháp chế thẩm định theo trình tự, thủ tục về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của NHNN.

Nội dung Thông tư thay thế Thông tư số 03 được xây dựng nhằm nâng cao chất lượng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia, phục vụ mục đích quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng, hoàn thiện hệ thống sản phẩm dịch vụ đáp ứng nhu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh và quản trị rủi ro, hỗ trợ khách hàng vay tiếp cận nguồn vốn tín dụng đáp ứng nhu cầu đời sống kinh tế, xã hội theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở kế thừa các nội dung đã được quy định tại Thông tư số 03, Thông tư thay thế cần được sửa đổi, bổ sung để khắc phục các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư số 03 trước đây, cụ thể:

Một là, cần bổ sung, hoàn thiện một số nhóm chỉ tiêu thu thập thông tin như: Thông tin nhận dạng khách hàng vay, thông tin về các hình thức cấp tín dụng (bổ sung các nghiệp vụ ủy thác cho vay, nghiệp vụ ủy thác đầu tư mua trái phiếu, các bảng mã mục đích sử dụng tiền vay, mã loại vay...), thông tin về bảo đảm tiền vay… nhằm thống nhất về thông tin tín dụng phục vụ quản lý của NHNN.

Hai là, bổ sung quy định về việc CIC thu thập thông tin về người có liên quan của khách hàng, bổ sung việc xây dựng bảng mã chỉ tiêu nhận diện người liên quan, nhóm người liên quan để có cơ sở kết nối thông tin, đánh giá bức tranh tổng quan về dư nợ, tài sản bảo đảm… của khách hàng và nhóm các khách hàng liên quan.

Ba là, hướng dẫn cụ thể về việc phân tổ các nội dung này để hạn chế các cách hiểu khác nhau trong quá trình báo cáo, tổng hợp báo cáo.

Bốn là, về phân loại mục đích sử dụng vốn vay, dự thảo Thông tư mới cần điều chỉnh việc phân loại theo hệ thống ngành kinh tế quy định tại Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg để hạn chế khó khăn trong việc thống kê và đối chiếu dư nợ các ngành kinh tế theo mục đích sử dụng vốn vay với số liệu trên hệ thống báo cáo của NHNN (SG4).

Năm là, cần điều chỉnh việc phân loại dư nợ vay của khách để hạn chế khó khăn trong việc thống kê các khoản cấp tín dụng cho khách hàng.

Thứ hai, về an toàn, bảo mật thông tin

Để thực hiện việc thu thập thông tin được chính xác, an toàn, cũng như bảo vệ bí mật cá nhân của khách hàng vay, trên cơ sở thực hiện Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, NHNN đã tiếp tục hoàn thiện quy định về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ bằng việc ban hành Quyết định số 1465/QĐ-NHNN ngày 13/9/2021 phê duyệt cấp độ an toàn hệ thống thông tin đối với Hệ thống thu thập, xử lý, tổng hợp, phân tích, tạo lập và cung cấp thông tin tín dụng của CIC. Trên cơ sở phân loại thông tin theo cấp độ, CIC có thể phân loại thông tin cần cung cấp và đối tượng đề nghị cung cấp thông tin để tránh việc cung cấp thông tin sai đối tượng, mục đích sử dụng.

Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới, CIC đang tập trung nghiên cứu triển khai các cấu phần trong hệ thống công nghệ thông tin; nghiên cứu áp dụng các công nghệ mới vào hoạt động nghiệp vụ; tổ chức nâng cấp ngay một số ứng dụng phần mềm để nâng cao tính tự động hóa; triển khai xây dựng và thực thi chính sách an toàn thông tin; đa dạng kênh cung cấp thông tin... Các quy định này tác động trực tiếp đến hoạt động cung cấp thông tin tín dụng của CIC cũng như bảo vệ trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin tín dụng.

Cùng với đó, NHNN cần tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành Ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều...).

Đồng thời, NHNN tiếp tục phối hợp các bộ, ngành khác trong xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định Định danh và xác thực điện tử, Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân,… giúp ngành Ngân hàng phát triển các hoạt động nghiệp vụ, nâng cao hiệu quả giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng, bảo đảm an toàn hoạt động và phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ ba, yêu cầu về thông tin tín dụng

Thời gian tới, các đơn vị thuộc NHNN cần tiếp tục xem xét mở rộng các chỉ tiêu thông tin, nguồn thông tin để có cơ sở phát triển các sản phẩm, dịch vụ cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời có thể phát triển các dịch vụ thông tin có chất lượng cho TCTD và các chủ thể khác trong hệ thống.

Thứ tư, về định hướng phát triển, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ của CIC

Trong Đề án phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia giai đoạn 2021-2025, CIC đặt ra mục tiêu tổng quát là đổi mới toàn diện hoạt động để khẳng định vai trò và vị thế trong hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính quốc gia, là đầu mối dữ liệu tín dụng của ngành Ngân hàng, kênh thông tin quan trọng, hiệu quả cho hoạt động chỉ đạo, điều hành, thanh tra, giám sát và ra quyết định của NHNN, đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu của các TCTD trong hoạt động kinh doanh tín dụng và quản trị rủi ro; phát triển các dịch vụ thông tin trực tiếp cho khách hàng vay, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng vay và đảm bảo tính minh bạch của thông tin tín dụng, thông qua các giải pháp:

(i) Xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ trên nền tảng công nghệ hiện đại, tích hợp được thông tin từ các TCTD, các cơ quan quản lý dữ liệu, kể cả trực tiếp từ khách hàng vay, đảm bảo quản trị dữ liệu lớn, trên cơ sở đó có thể tạo lập các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao; có đề xuất cụ thể đối với NHNN, các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu các xu hướng mới về công nghệ để cung cấp dịch vụ cho các TCTD, đồng thời, nghiên cứu giải pháp để cung cấp thông tin cho các vụ, cục có liên quan thuộc NHNN khi có yêu cầu phối hợp công việc, cần có giải pháp cụ thể để khắc phục những hạn chế trong việc cung cấp thông tin.

(ii) Xây dựng đội ngũ cán bộ có đáp ứng đủ năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là đầu tư cho chuyên gia giỏi công nghệ thông tin.

(iii) Các đơn vị vụ, cục có liên quan thuộc NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với CIC triển khai thực hiện tốt các yêu cầu, cung cấp thông tin đầy đủ để CIC tích hợp vào cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia vì lợi ích chung của toàn Ngành.

(iv) Các TCTD, với vai trò vừa là đơn vị cung cấp thông tin, vừa là đơn vị sử dụng thông tin thực hiện báo cáo đầy đủ, chuẩn xác, đúng thời hạn, đảm bảo chất lượng dữ liệu theo quy định.

CHÚ THÍCH:

1 Khoản 1 Điều 3, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP

2 Điều 4, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP

3 Khoản 2 Điều 5, Nghị định số 117/2018/NĐ-CP

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Thông tư số 03/2013/TT-NHNN ngày 28/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước;

- Thông tư số 11/2021/TT-NHNN ngày 30/7/2021 của Ngân hàng Nhà nước về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thay thế cho Thông tư số 02/2013/TT-NHNN ngày 21/01/2013 được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 09/2014/TT-NHNN ngày 18/03/2014 của Ngân hàng Nhà nước;

- Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng;

- Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ;

- Nghị định số 117/2018/NĐ-CP ngày 11/9/2018 của Chính phủ quy định về việc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

- Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;

- Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

- Đề án phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia giai đoạn 2015 – 2020;

- Đề án phát triển Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 14 năm 2023

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về thông tin tín dụng nhằm hỗ trợ công tác quản lý của Ngân hàng Nhà nước và kinh doanh an toàn cho tổ chức tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO