Khảo sát, liên kết phát triển du lịch tại Bắc Trung Bộ: Đẩy mạnh vai trò kết nối, phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới

Tạ Dũng| 01/06/2020 18:36
Theo dõi Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ trên

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Từ ngày 28 – 31/5/2020, Sở Du lịch Hà Nội và CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tổ chức đoàn khảo sát, liên kết phát triển du lịch tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Tham gia đoàn khảo sát có gần 100 đại diện lãnh đạo các công ty là hội viên CLB lữ hành UNESCO Hà Nội và đại diện các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội, Đà Nẵng. Việc triển khai chuyến khảo sát này nhằm hưởng ứng lời tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khởi động lại thị trường du lịch nộị địa.

Có thể nói, du lịch là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở nước ta trong dịch Covid-19. Khi đất nước bước vào “trạng thái bình thường mới”, ngành du lịch cũng bắt đầu triển khai các gói kích cầu với chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Hàng loạt địa phương, doanh nghiệp công bố các chương trình kích cầu với những tour du lịch giảm giá mạnh chưa từng có.

Xây dựng các chương trình tour giảm giá nhưng giữ nguyên và nâng cao dịch vụ

Hoạt động khảo sát của đoàn thời điểm này đã khẳng định được vai trò Du lịch Hà Nội với vị thế một điểm đến có tầm cỡ quốc gia và khu vực, là một trung tâm du lịch, phân phối du khách lớn nhất của khu vực phía Bắc, làm cầu nối đưa khách quốc tế đến các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các địa phương ở vùng Bắc Trung Bộ.

Đoàn khảo sát dâng hương tại Khu di tích Kim Liên

Quá trình khảo sát cũng là cơ sở để làm mới và đưa vào xây dựng tour du lịch kích cầu liên vùng mới nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình góp phần kích cầu du lịch, gia tăng lượng khách từ Hà Nội và phía Bắc, Trung Trung Bộ đến với các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp du lịch của các địa phương giao lưu, gặp gỡ, tìm kiếm đối tác. Đây cũng là dịp để tăng cường trao đổi kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch, quản lý điểm đến, quảng bá, giới thiệu con người, vùng đất, văn hóa, các sản phẩm du lịch, dịch vụ, tour, tuyến du lịch.

Qua 4 ngày, đoàn đã khảo sát một số tuyến điểm, cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch tại các địa phương trong đó có các điểm đến tiêu biểu như: khu di tích Kim Liên (Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại làng Sen, đền thờ Chung Sơn), đền Thánh Cả; Vũng chùa Đảo Yến; chùa Hương Tích – ngôi chùa được xếp vào hàng 21 thắng cảnh nước Nam; động Thiên Đường, khu sinh thái suối nước Moọc và các cơ sở dịch vụ du lịch cao cấp như: hệ thống khách sạn Mường Thanh, Vinpear, Sun Spa, Gold Coast…

Đoàn khảo sát tại chùa Hương Tích (Hà Tĩnh)

Đánh giá sau chuyến khảo sát các điểm đến tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, các thành viên đoàn cho rằng thực tế đây là khu vực thu hút du khách nội địa lớn của cả nước, đặc là thời điểm mùa hè. Cũng chính vì vậy, các điểm du lịch tại đây được đánh giá là không mới, đơn điệu, các sản phẩm chủ yếu làm lâu nay vẫn là du lịch biển.

Tuy nhiên, cũng qua khảo sát có thể thấy vẫn còn có nhiều tiềm năng du lịch khác ở vùng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc mang dấu ấn đặc trưng kết hợp giữa du lịch biển đảo và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, kết nối các sản phẩm du lịch giữa các địa phương và cơ sở dịch vụ chất lượng cao nhằm tăng thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của du khách. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, các tỉnh đều triển khai các biện pháp kích cầu du lịch nội địa, các công ty du lịch đồng loạt triển khai nhiều chương trình tour giảm giá nhưng giữ nguyên và nâng cao dịch vụ. Điều này thể hiện sự quyết tâm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” - một giải pháp  kích cầu du lịch nội địa, tạo điều kiện để người dân du lịch tới các vùng miền trong cả nước trong bối cảnh "bình thường mới" sau dịch Covid-19.

Đáng mừng, ngay trong chuyến khảo sát, nhiều doanh nghiệp của CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội tại khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đã có kế hoạch thành lập các liên minh kích cầu để xây dựng và bán các sản phẩm du lịch chất lượng cao tại vùng Bắc Trung Bộ.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cùng đoàn khảo sát và các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình chụp hình lưu niệm

Ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, nhằm kích cầu du lịch để du khách nội địa đến với Quảng Bình nhiều hơn, UBND tỉnh Quảng Bình đã trình HĐND tỉnh kế hoạch giảm 50% phí tham quan danh lam, thắng cảnh và các sản phẩm du lịch trên địa bàn tỉnh đến hết ngày 31/12/2020 (dự kiến HĐND tỉnh sẽ thông qua đầu tháng 6/2020).

Cũng theo ông Hồ An Phong việc các doanh nghiệp của CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội giới thiệu những gói sản phẩm, dịch vụ du lịch mới với nhiều ưu đãi đặc biệt nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Quảng Bình để thu hút khách trở lại sau dịch Covid-19 là hết sức thiết thực và hữu ích. Để đồng hành cùng các doanh nghiệp của Hà Nội và Đà Nẵng, các công ty lữ hành, các đơn vị quản lý, khai thác sản phẩm du lịch khám phá, mạo hiểm trên địa bàn tỉnh sẽ giảm giá từ 15-30% giá các chương trình du lịch trọn gói; áp dụng mức giá ưu đãi lớn đối với các đơn vị đại lý có số lượng khách lớn. Đặc biệt, trong năm 2020, tour “Chinh phục Sơn Đoòng” sẽ giảm 500 USD/khách, chỉ còn 2.500 USD/khách; các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch giảm từ 20-50% giá các dịch vụ; các hãng hàng không, tổng công ty đường sắt có chính sách giá vé ưu đãi cho các đơn vị lữ hành, khách du lịch đến Quảng Bình...

Khẳng định vai trò kết nối phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ

Đánh giá về vai trò kết nối phát triển du lịch của khu vực Bắc Trung Bộ, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội cho biết: Với gần 1.000 doanh nghiệp du lịch trên cả nước là hội viên, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội có quy mô, chất lượng, theo định hướng bền vững, hiệu quả và góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô và cả nước. Những năm qua, CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát dành cho các doanh nghiệp thuộc CLB và các doanh nghiệp có thị trường khai thác tại khu vực này.

Những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,  đánh dấu sự thay đổi lớn với ngành du lịch Việt Nam, khách quốc tế không còn, du lịch trong nước tập trung vào khách nội địa. Tuy nhiên, lệnh giãn cách xã hội kéo dài khoảng một tháng đã khiến hoạt động du lịch gần như bị đình trệ, doanh nghiệp du lịch ngừng hoạt động.

Đoàn khảo sát trải nghiệm các sản phẩm du lịch tại Quảng Bình

Trong bối cảnh đó, ông Trương Quốc Hùng cho rằng để phục hồi ngành du lịch, cần chú trọng cơ cấu lại các sản phẩm du lịch và doanh nghiệp du lịch. Các địa phương cần xây dựng những chương trình kích cầu theo lộ trình với mức độ ưu đãi giảm dần (1-2 tháng đầu miễn phí, sau đó giảm 50% tới hết năm). Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn tại các điểm du lịch cũng cần đặt lên hàng đầu. Không đơn thuần chỉ là giảm giá dịch vụ để kích cầu du lịch, còn cần thể hiện sự đồng lòng vào cuộc của chính quyền, cơ quan quản lý về du lịch và cộng đồng doanh nghiệp để cùng xây dựng hình ảnh điểm đến an toàn, hấp dẫn và thân thiện, nhằm tạo hiệu ứng tốt để nhanh chóng phục hồi du lịch.

Đoàn nghe hướng dẫn về giá trị lịch sử của di tích Hương Sơn (Hà Tĩnh)

“Đây là lần thứ 2 các doanh nghiệp của CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội đến khảo sát, xúc tiến điểm đến Quảng Bình sau những thiệt hại nặng nề mà ngành du lịch Quảng Bình nói riêng và khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng kể từ sự cố môi trường biển năm 2016 và đại dịch Covid - 19. Điều này thể hiện rõ vai trò của Sở Du lịch Hà Nội và CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội trong việc hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả và phát triển du lịch của vùng Bắc Trung Bộ. Việc triển khai các đoàn khảo sát sẽ hỗ trợ các địa phương và doanh nghiệp cùng kết nối xây dựng và đưa ra các sản phẩm mới, thu hút du khách dựa trên các sản phẩm sẵn có sẽ tạo điều kiện để có những chiến dịch quảng bá điểm đến của các doanh nghiệp sau khi khảo sát” - ông Trương Quốc Hùng nói.

Lãnh đạo Sở Du lịch, Sở VHTT&DL các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh và CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội ký kết thoả thuận liên kết, hợp tác kích cầu thúc đẩy tăng trưởng du lịch nội địa

 

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khảo sát, liên kết phát triển du lịch tại Bắc Trung Bộ: Đẩy mạnh vai trò kết nối, phát triển du lịch trong bối cảnh bình thường mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO