Việc đồng Yên hạ giá sâu đã khiến cho Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki phải cảnh báo về khả năng ông không loại bỏ bất kỳ biện pháp nào để hỗ trợ nâng giá đồng Yên.
Đồng Yên rơi xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 34 năm, giao dịch ở ngưỡng khoảng 152 Yên/USD vào sáng ngày hôm nay (ngày 27/3). Đáng nói, đồng Yên vẫn giảm giá ngay cả sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm.
Việc đồng Yên hạ giá sâu đã làm gia tăng khả năng chính phủ Nhật Bản sẽ buộc phải can thiệp, một số chuyên gia phân tích cảnh báo về khả năng sẽ có những đợt nâng lãi suất sớm hơn so với kỳ vọng.
Quan điểm mềm mỏng của BOJ cũng như thông tin kinh tế Mỹ tốt hơn kỳ vọng đã kéo đồng Yên hạ giá sâu. Đồng Yên hạ giá xuống còn 151,96 Yên/USD trong phiên ngày thứ Tư (ngày 26/3). Trước khi BOJ thông báo về việc thay đổi chính sách vào cuối ngày thứ Ba tuần trước (ngày 19/3), đồng Yên giao dịch ở mức 149,3 Yên/USD.
Việc đồng Yên hạ giá sâu đã khiến cho Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki vào ngày thứ Ba phải cảnh báo về khả năng ông không loại bỏ bất kỳ biện pháp nào để hỗ trợ nâng giá đồng Yên, đồng thời cũng tái khẳng định quan điểm giá trị đồng tiền phải phản ánh các diễn biến kinh tế căn bản. Cùng ngày, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cũng đưa ra bình luận tương tự.
Theo số liệu mới công bố, kinh tế Nhật Bản đã thoát được suy thoái kỹ thuật. Trong quý IV/2023, kinh tế Nhật đã tăng trưởng trở lại nhờ vào đầu tư vốn gia tăng mạnh. Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân vẫn tăng trưởng yếu.
GDP Nhật Bản quý IV/2023 tăng trưởng 0,4% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với kỳ vọng 1,1% theo khảo sát của các chuyên gia Reuters. Số liệu công bố cập nhật vào tháng trước cho thấy GDP của Nhật Bản tăng trưởng âm 3,3% trong quý III/2023.
Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, tính theo đồng USD, nền kinh tế Nhật Bản giảm từ mức 6.300 tỷ USD vào năm 2012 xuống còn khoảng 4.200 tỷ USD năm 2023. Một phần nguyên nhân được cho là do tác động của việc đồng Yên yếu đi và dân số già.
Bất chấp thời kỳ tăng trưởng thấp kéo dài, Nhật Bản vẫn cố gắng duy trì vị thế nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong hơn một thập kỷ. Trước đây nước này là nền kinh tế số 2 thế giới sau Mỹ, nhưng Trung Quốc đã giành được vị trí đó vào năm 2010.
Việc kinh tế Nhật Bản tụt bậc trong danh sách xếp hạng toàn cầu đặt ra những câu hỏi mới cho người dân trong nước về định hướng phát triển quốc gia. Hiện tại, phản ứng của công chúng đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đã bớt gay gắt hơn so với thời điểm nền kinh tế Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Nhật Bản vào năm 2010 và đang trên đà lớn mạnh.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng Nhật Bản đang trong thời kỳ "suy thoái kỹ thuật". Tuy nhiên, ông Marcel Thieliant, người đứng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Capital Economics, cho rằng vẫn còn nhiều tranh cãi về việc liệu Nhật Bản có đang suy thoái hay không do chất lượng dữ liệu GDP chưa tốt, thường phải chịu những đợt điều chỉnh lớn.
Ông Marcel Thieliant cho biết, các chỉ số tích cực như tỷ lệ thất nghiệp thấp của Nhật Bản và các doanh nghiệp báo cáo tình trạng tốt tại Ngân hàng Trung ương (BOJ) là những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế nước này.
Theo đánh giá của ông Norihiro Yamaguchi, chuyên gia kinh tế cấp cao về Nhật Bản tại Oxford Economics, những con số được công bố chính thức về kinh tế Nhật Bản thấp hơn dự báo của tổ chức này trước đó.