Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và C06 – Bộ Công an đã thống nhất phương án kết nối offline để làm sạch 54 triệu hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu của CIC và phương án online qua API để làm sạch các hồ sơ khách hàng phát sinh hàng tháng. CIC đã phối hợp với C06 thực hiện 4 đợt rà soát, hoàn thành đối chiếu dữ liệu 42/54 triệu hồ sơ khách hàng.
Thông tin được đưa ra tại Tọa đàm “Giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư vào định danh và xác thực điện tử trong ngành Ngân hàng” diễn ra ngày 19/9, do Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Công ty cổ phần dịch vụ EPAY (Công ty EPAY) và Công ty cổ phần hệ thống công nghệ ETC (Công ty ETC) tổ chức.
Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng cho biết, để triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), thời gian qua NHNN đã ban hành kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06. Cùng với đó, NHNN cũng đã thống nhất và ký kết kế hoạch với Bộ Công an về việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06 trong ngành Ngân hàng.
Theo Phó Thống đốc, Đề án 06 của Chính phủ với nội dung cho phép các đơn vị trong ngành Ngân hàng được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên căn cước công dân gắp chíp và sử dụng tài khoản định danh điện tử (VNeID) do Bộ Công an cung cấp có vai trò rất quan trọng để ngành Ngân hàng ứng dụng triển khai cung cấp các dịch vụ ngân hàng số trên môi trường mạng, xác thực khách hàng chính xác, ngăn ngừa tội phạm gian lận hồ sơ giấy tờ, mở/sử dụng tài khoản mạo danh hoặc lừa đảo khách hàng chiếm quyền truy cập các dịch vụ ngân hàng số.
Cung cấp thêm thông tin, Phó Thống đốc cho biết hiện tại, NHNN đã cho phép các tổ chức tín dụng có thể mở tài khoản từ xa bằng e-KYC, gần đây nhất là Thông tư số 06/2023/TT-NHNN cho phép cho vay theo phương thức điện tử với hạn mức là 100 triệu đồng. Như vậy, các hoạt động chính của ngân hàng là tiền gửi, tiền vay và thanh toán đều đã được phép thực hiện trên môi trường điện tử.
Khẳng định việc xác thực khách hàng là điều vô cùng quan trọng trong thời gian tới, Phó Thống đốc nhấn mạnh rằng nguồn dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ là nguồn thông tin tốt để các tổ chức tín dụng xác minh nhân thân khách hàng và tra cứu các thông tin để đánh giá khả năng trả nợ, từ đó có thể đẩy nhanh thủ tục cho vay, góp phần giảm tín dụng đen.
Tại Tọa đàm, ông Lê Hoàng Chính Quang - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin đã thông tin kết quả thực hiện Đề án 06 của ngành Ngân hàng thời gian qua. Theo đó, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) và C06 – Bộ Công an đã thống nhất phương án kết nối offline để làm sạch 54 triệu hồ sơ khách hàng trong kho dữ liệu của CIC và phương án online qua API để làm sạch các hồ sơ khách hàng phát sinh hàng tháng. CIC đã phối hợp với C06 thực hiện 4 đợt rà soát, hoàn thành đối chiếu dữ liệu 42/54 triệu hồ sơ khách hàng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, hiện nhiều tổ chức tín dụng đang phối hợp với Bộ Công an triển khai mở rộng giải pháp xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân gắn chíp và triển khai giải pháp xác thực khách hàng qua ứng dụng VNeID trong việc mở tài khoản và sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Về ứng dụng thẻ căn cước công dân gắn chip, ông Lê Hoàng Chính Quang chia sẻ có 40 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai. Về ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID), có 10 tổ chức tín dụng đã và đang liên hệ C06 để triển khai thực hiện. Về làm sạch dữ liệu khách hàng mở tài khoản thanh toán tại các TCTD, có 27 tổ chức tín dụng đã và đang triển khai.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng Chính Quang cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án 06. Cụ thể, các giải pháp kỹ thuật triển khai kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID), căn cước công dân gắn chip chủ yếu mới hoàn thành công tác triển khai thử nghiệm, bước đầu cung cấp dịch vụ thông qua một số tổ chức, doanh nghiệp được Bộ Công an (C06) cấp phép. Nhiều TCTD chưa được tiếp cận, hướng dẫn đầy đủ về quy trình, thủ tục và các giải pháp kỹ thuật để triển khai.
Giới thiệu nội dung ứng dụng dữ liệu dân cư vào định danh và xác thực điện tử, ông Đặng Thành Tuân - Phó Tổng Giám đốc Công ty Epay cho biết, hiện Epay đang cung cấp trọn bộ giải pháp để hỗ trợ các ngân hàng trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư vào định danh và xác thực điện tử. Trong đó, có các giải pháp như xác thực, định danh khách hàng tại quầy giao dịch bằng thiết bị chuyên dụng được chứng nhận bởi Bộ Công an; giải pháp xác thực, định danh khách hàng trực tuyến bằng thiết bị di động của khách hàng đầu cuối để thực hiện các giao dịch ngân hàng điện tử, ngân hàng số.
Đại diện Epay cho biết, thông qua các giải pháp này sẽ tiết kiệm thời gian xác thực thông tin của khách hàng; giảm thiểu rủi ro giấy tờ bị sao chép, chỉnh sửa làm giả cho ngân hàng.