Tính đến ngày 31/3/2023, tổng dư nợ tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn An Giang đạt 106.350 tỷ đồng, tăng 4,19% so với cuối năm 2022. Đặc biệt, hệ thống ngân hàng An Giang tập trung nguồn vốn giải ngân các ngành hàng nông nghiệp chủ lực và đẩy mạnh cơ giới hoá trên địa bàn để chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả.
Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, chương trình, chính sách Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thời gian qua, hệ thống ngân hàng tỉnh An Giang đã đẩy mạnh giải ngân vốn vay cho các thành phần kinh tế.
Quy mô dư nợ của tỉnh đứng thứ 4/13 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cơ cấu tín dụng ngành kinh tế được cho vay hợp lý, tập trung chú trọng những lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như tín dụng đối với ngành nông, lâm, thủy sản đạt 28.093 tỷ đồng, tăng 0,77% so với năm 2022; chiếm 27% dư nợ tín dụng trên địa bàn và chiếm 3,14% tổng dư nợ ngành nông, lâm, thủy sản toàn quốc.
Tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng đạt dư nợ ngành công nghiệp và xây dựng tại An Giang đạt 9.174 tỷ đồng; tăng 0,19% so với 31/12/2022; chiếm 9% tổng dư nợ trên địa bàn và chiếm 0,3% tổng dư nợ ngành công nghiệp và xây dựng toàn quốc. Tín dụng ngành thương mại dịch vụ đạt 66.122 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cuối năm 2022; chiếm 64% dư nợ tín dụng trên địa bàn và chiếm 0,83% tổng dư nợ cho vay ngành thương mại dịch vụ toàn quốc.
Đáng chú ý, hệ thống ngân hàng tại An Giang đã triển khai tốt việc cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn (theo Nghị định số 55 ngày 9/6/2015 của Chính phủ). Tính đến cuối tháng 3/2023, dư nợ tín dụng đạt 63.772 tỷ đồng tăng 10,2% so năm 2022; cho vay phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 529 tỷ đồng tăng 12,55 % so năm 2022; cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/QĐ-TTg là 51,67 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ đầu tư mua các loại máy móc phục vụ cơ giới hóa: máy kéo, máy làm đất, san phẳng đồng ruộng, máy thu hoạch,...
Ngoài ra, NHNN chi nhánh tính đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay vốn, niêm yết công khai tại chi nhánh, phòng giao dịch; nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm.
Về các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng An Giang xác định tập trung nguồn vốn thực hiện đẩy mạnh cơ giới hoá trên địa bàn để chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp đạt hiệu quả. NHNN chi nhánh tỉnh An Giang tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, dành nguồn vốn ưu tiên cho vay tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn theo hướng tổ chức sản xuất hàng hóa lớn gắn với lợi thế vùng và thị trường; Xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng, lựa chọn loại máy móc, thiết bị nông nghiệp phù hợp với cây, con cụ thể. Tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ và cơ giới hoá đồng bộ.
Hai là, ưu tiên nguồn vốn chính sách xã hội để tiếp tục tập trung hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển thị trường và khuyến nông; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin, dịch vụ phục vụ sản xuất.
Ba là, đẩy mạnh cho vay các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hoá đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh phù hợp với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Áp dụng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế (VietGAP, GlobalGAP,…) để tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao; Hình thành các tổ chức dịch vụ cơ giới ở nông thôn, phân công lại lao động để nâng cao hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa; Đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về cơ điện nông nghiệp thông qua các mô hình khuyến công, khuyến nông trong nông nghiệp.
Bốn là, triển khai áp dụng đồng bộ các chính sách hiện hành để hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được nguồn vốn để đầu tư máy móc, thiết bị phục vụ cơ giới hoá, tự động hóa trong nông nghiệp từ nay đến năm 2030.