Hoạt động ngân hàng

Năm 2024: Ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đảm bảo đủ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân

Trần Trọng Triết (thực hiện) 12/01/2024 08:00

Năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tác động tiêu cực đối với triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Trả lời phỏng vấn Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh An Giang đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề vốn tín dụng đầu tư cho phát triển kinh tế tại địa phương năm 2024.

Phóng viên: Năm 2023, tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh An Giang ước tính 7,34%. Được xem là “mạch máu” của nền kinh tế, trong năm qua, ngành Ngân hàng tại An Giang đã có những đóng góp như thế nào vào tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Kết quả tăng trưởng GRDP của An Giang trong năm 2023 đạt 7,34% có phần đóng góp không nhỏ của ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Bởi cùng với hiệu ứng vốn đầu tư, cộng với nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho vay các thành phần kinh tế trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

ong-nguyen-tuan-dung-giam-doc-nhnn-chi-nhanh-tinh-an-giang..jpg
Ông Nguyễn Tuấn Dũng, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh An Giang

Cụ thể, huy động tiền gửi đạt 69.355 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Dư nợ cho vay đạt 112.523 tỷ đồng, tăng 10,24% (tăng 10.448 tỷ đồng) so với năm trước. Chất lượng tín dụng kiểm soát tốt nợ xấu chỉ 1,34% dưới mức cho phép 3%. Cơ cấu tín dụng giữa VND, ngoại tệ; giữa ngắn hạn với trung và dài hạn đảm bảo, phù hợp với cơ cấu nguồn vốn và sử dụng vốn của các TCTD trên địa bàn. Tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh là động lực tăng trưởng kinh tế.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, nhiều chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp, lập đường dây nóng để giải quyết thỏa đáng khó khăn, vướng mắc của khách hàng trong quá trình tiếp cận vốn tín dụng...

Qua đó kết quả cho vay lĩnh vực ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn có dư nợ đạt 68.709 tỷ đồng, tăng 6,48%, chiếm 63,57% tổng dư nợ toàn địa bàn. Dư nợ cho vay phục vụ sản xuất, thu mua xuất khẩu lúa gạo đạt 16.360 tỷ đồng, tăng 4,88%. Dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua và chế biến thủy sản xuất khẩu đạt 14.645 tỷ đồng, tăng 12,27% so với cuối năm 2022. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương và chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Phóng viên: Thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ, ngành Ngân hàng An Giang đã triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Trước hết, về thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước kết quả đạt được chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã giải ngân hỗ trợ lãi suất (HTLS) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với tổng doanh số cho vay từ đầu chương trình 1.565 tỷ đồng, dư nợ tín dụng là 472 tỷ đồng cho 9 khách hàng, số tiền HTLS 9,5 tỷ đồng.

Về thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN của NHNN về cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 29 doanh nghiệp và 154 cá nhân với số lũy kế dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 1.547 tỷ đồng, số tiền lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 44 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 11, tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đạt 557,5 tỷ đồng, với 8.651 khách hàng được vay vốn. Từ nguồn vốn vay hỗ trợ của tín dụng chính sách đã góp phần tạo việc làm và duy trì mở rộng việc làm cho người lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, duy trì, phát triển và bảo tồn các ngành nghề truyền thống tại địa phương.

Về cho vay chương trình nhà ở xã hội (Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; Nghị định số 49/2021/NĐ-CP) dư nợ cho vay đến ngày 15/12/2023 đạt 150,7 tỷ đồng, chiếm 25,5%/tổng nguồn vốn của Nghị quyết 11, với 361 hộ còn dư nợ. Bình quân dư nợ cho vay đạt 415 triệu đồng/hộ. Chương trình cho vay nhà ở xã hội đã tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở có điều kiện sở hữu được căn nhà để ở, góp phần đảm bảo chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Đặc biệt đã hỗ trợ thiết thực cho học sinh, sinh viên có máy tính học tập trực tuyến không bị gián đoạn trong học tập.

Về cho vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, số tiền đã giải ngân đạt 11,6 tỷ đồng, với 212 khách hàng vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, chuyển đổi nghề, mua sắm máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất. Từ nguồn vốn vay này đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Đặc biệt, việc thực hiện HTLS 2%, đối với các khoản vay có lãi suất cho vay trên 6%/năm tại NHCSXH tỉnh theo quy định tại Nghị định 36/2022/NĐ-CP. Kết quả từ ngày 1/1/2022 đến 31/10/2023, NHCSXH tỉnh đã giải ngân số tiền 2.164.020 triệu đồng, số tiền đã HTLS cho khách hàng đạt 39.168 triệu đồng, với 67.353 món vay được hỗ trợ lãi suất, trong đó năm 2022 là 11.021 triệu đồng với 39.743 món, bình quân mỗi khách hàng được hỗ trợ số tiền lãi suất là 582.000 đồng. Các khách hàng vay vốn có đủ điều kiện đều được HTLS kịp thời, đảm bảo khách quan, minh bạch, không bị lợi dụng và trục lợi chính sách.

z5061012469880_d0d868897b74d64bdd05367be2cb588e.jpg
Ngành Ngân hàng An Giang đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng cho vay trên địa bàn

Phóng viên: Bước sang năm 2024, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tác động tiêu cực đối với triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung và An Giang nói riêng, vậy ngành Ngân hàng trên địa bàn có những giải pháp chống chịu với những rủi ro nhằm đảm bảo ổn định kinh tế và tăng trưởng bền vững như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Tuấn Dũng: Trước bối cảnh các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tác động tiêu cực đối với triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của đất nước nói chung và An Giang nói riêng, ngành Ngân hàng An Giang bám sát sự chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương, mục tiêu chung về tăng trưởng tín dụng năm 2024 là 15%, tùy tình hình có điều chỉnh theo thực tế của ngành.

Thời gian tới ngành Ngân hàng An Giang đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng cho vay trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng tập trung vào sản xuất, kinh doanh, đưa nguồn vốn quay lại ngân hàng và có nhiều vòng quay nữa để hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Với những nỗ lực, tập trung tháo gỡ khó khăn trong hoạt động ngân hàng, phấn đấu đạt được các mục tiêu tăng trưởng với các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp trọng tâm năm 2024 trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Ngân hàng Trung ương, các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế của địa phương; trong đó, tập trung đầu tư tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, hạn chế tăng trưởng tín dụng ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế được tiếp cận vốn vay, góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen” tại địa phương.

Thứ hai, NHNN chi nhánh tỉnh An Giang tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ tại đơn vị, các TCTD tiếp tục triển khai chương trình, Kế hoạch công tác trên cơ sở bám sát nội dung các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động, kế hoạch của địa phương đảm bảo hiệu quả.

Thứ ba, theo dõi kết quả triển khai các nghị định, thông tư hướng dẫn và Chỉ thị số 03/CT-NHNN của NHNN liên quan đến chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng vay vốn tại chi nhánh NHTM, NHCSXH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP; kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các chi nhánh NHTM và người dân trong quá trình triển khai để xử lý kịp thời.

Thứ tư, tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nâng cao chất lượng công tác thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, góp phần cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; triển khai các chương trình cho vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn vay, góp phần hạn chế tình trạng “tín dụng đen” tại địa phương.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và chỉ đạo các TCTD triển khai thực hiện tốt các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại địa phương; thực hiện hiệu quả Kế hoạch về thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số và bảo đảm an ninh thông tin trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2024: Ngân hàng trên địa bàn tỉnh An Giang đảm bảo đủ vốn tín dụng cho doanh nghiệp, người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO